DOITHUONG247 - CỔNG THÔNG TIN TRÒ CHƠI ĐỔI THƯỞNG

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

DN sản xuất tấm lợp: Chuyển đổi để cứu mình

04/11/2014 - 02:36 CH

Sự sụt giảm của thị trường tấm lợp chứa chất amiăng độc hại đang hình thành một nhu cầu thực tiễn buộc các doanh nghiệp phải tìm hướng đi mới dù các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra một quyết định chính thức về việc cấm sử dụng amiăng.


Tiêu thụ chậm

Từ nhiều tháng nay, hơn 200 công nhân của Nhà máy Tấm lợp Gang thép thuộc Công ty CP Cơ điện Luyện kim Thái Nguyên chỉ sản xuất từ 12-15 ngày công mỗi tháng. Vào cuối năm 2013 và tháng 8/2014 vừa qua, nhà máy đã phải ngừng hoạt động 2 trong số 3 dây chuyền sản xuất tấm lợp fibro xi măng khiến các công nhân buộc phải luân phiên nhau sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc nhà máy thì do việc tiêu thụ của thị trường tấm lợp ngày càng chậm, hàng tồn kho nhiều, các dây chuyền sản xuất không thường xuyên nên lãnh đạo nhà máy đã quyết định chỉ duy trì dây chuyền số 3, dây chuyền hiện đại nhất của nhà máy. Dây chuyền số 1 đã được dỡ bỏ và thanh lý, còn dây chuyền số 2 cũng sẽ được giải quyết theo cách tương tự.

Ngay dây chuyền số 3 cũng chỉ “chạy” với tần suất 4 lần/năm. “Tính đến tháng 8 vừa qua, việc sản xuất tấm lợp của nhà máy chỉ đạt 50% kế hoạch năm. Sản lượng bán ra chỉ bằng 70% so với năm ngoái”, ông Hồng cho hay.

Không tới mức phải “thanh lý” dây chuyền sản xuất, song ông Tôn Thất Mạnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Nam Việt (Navifico) cũng thừa nhận, sản lượng tấm lợp fibro ximăng của công ty đã giảm 50% so với trước đây. Để bán được tấm lợp, nhân viên phụ trách kinh doanh của công ty phải đi “ăn dầm ở dề” ở các tỉnh để… chào hàng.

Lý giải sự đi xuống của thị trường tấm lợp fibro ximăng, ông Mạnh cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do tác động của thị trường. “Trước đây amiăng được coi là sản phẩm cao cấp, nhưng nay nó lại trở thành một sản phẩm chỉ dành cho người nghèo”, ông Mạnh nói.

Ông Hồng thì cho rằng, việc sụt giảm của thị trường amiăng ở miền Bắc thời gian gần đây là do sự xuất hiện và cạnh tranh của nhiều loại tấm lợp “tư nhân” kém chất lượng nhưng giá thành thấp. Bên cạnh đó, “kể từ khi thông tin về sự độc hại của amiăng được đưa trên các phương tiện truyền thông thì tấm lợp sử dụng amiăng càng khó bán hơn”, ông Hồng cho biết.

TS Đỗ Quốc Quang, Viện Công nghệ, Bộ Công thương thì cho rằng, việc đi xuống của thị trường tấm lợp amiăng đang là xu thế chung của thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam. Ở Trung Quốc, tổng sản lượng của ngành tấm lợp amiăng dạng sóng cũng đã giảm từ 300 triệu m2 vào năm 2006 xuống còn 200 triệu m2 vào năm 2013, TS Quang cho hay.

“Lợi thế của tấm lợp amiăng chỉ là giá rẻ, do vậy, khi thu nhập của người dân đạt đến một mức nhất định, người ta sẽ không mua loại tấm lợp này nữa”, ông Quang khẳng định.



Dừng sử dụng amiăng trắng vào năm 2020

Trong công văn 7307/VPCP-KGVX đề ngày 19/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện mục tiêu dừng sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp vào năm 2020.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh lại các nội dung có liên quan trong Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (được phê duyệt trong Quyết định 1469 /QĐ-TTg, ban hành ngày 22/8).

Trong văn bản gửi các Bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2014 về phương án không phản đối đề xuất đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3 Côn ước Rotterdam trong kỳ họp 2015 sắp tới.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng giao cho các Bộ Xây dựng, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm quản lý quốc tế và tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất và sử dụng amiăng trắng.



Chuyển đổi để cứu mình

Ông Nguyễn Văn Hồng cho biết, sau khi thanh lý hai dây chuyền sản xuất tấm lợp, sắp tới đây, công ty sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất ngói màu xi măng sử dụng sợi PVA với trị giá lên tới 13 tỷ đồng để giải quyết công ăn việc làm cho số công nhân dư thừa của nhà máy tấm lợp.

Theo ông Hồng, việc co gọn dây chuyền sản xuất tấm lợp amiăng đồng thời đầu tư dây chuyền sản xuất các sản phẩm mới là những bước đi cần thiết. Nhà máy tấm lợp của ông nhờ đó có thể thực hiện được mục tiêu chấm dứt sử dụng amiăng tại Việt Nam vào năm 2020 theo chỉ thị mới nhất của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hồi giữa tháng 8 vừa qua.

Trong khi đó, ông Mạnh cho biết, thực tế, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề cấm amiăng được đặt ra. Vào năm 2001, trong Quyết định số 115/2011/QĐ-TTG phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đã đặt ra yêu cầu “không sử dụng amiăng trong sản xuất tấm lợp từ năm 2004”.

Vào thời gian đó, Navifico đã quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất tấm lợp thay thế amiăng với giá trị lên tới hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, dây chuyền mới chưa kịp đi vào sản xuất thì đến tháng 7/2004, Chính phủ lại có Quyết định 133/2004/QĐ-TTG sửa đổi Quyết định 115, cho phép tiếp tục sử dụng amiăng.

Chính vì thế, cho tới nay, mặc dù đầu tư dây chuyền sản xuất tấm lợp sợi PVA, song Công ty Navifico của ông Mạnh vẫn phải tiếp tục sản xuất loại tấm lợp amiăng để duy trì hoạt động nhà máy và đảm bảo nguồn thu nhập của công nhân.

Từ kinh nghiệm doanh nghiệp, ông Mạnh cho rằng, chính sách vĩ mô của Nhà nước trong vấn đề amiăng thay đổi quá nhanh và dường như không có nhiều hiệu lực thực tế.

“Mặc dù trong quyết định 115 đã nói rõ không cho mở rộng và đầu tư các cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng, nhưng sau đó, các nhà máy vẫn được mở rộng và đầu tư mới. Quyết định 115 cũng yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt các cơ sở sản xuất tấm lợp nhưng tới nay tôi chưa thấy đóng cửa nhà máy nào không đảm bảo cả”, ông Mạnh nói.

Mặc dù vậy, ông Mạnh thừa nhận, việc đầu tư dây chuyền sản xuất tấm lợp thay thế amiăng tưởng chừng “sai lầm” trước đây nay lại đang tỏ ra là bước đi đúng đắn. Mặc dù hiện tại, sản lượng tấm lợp không amiăng của Navifico chỉ chiếm 10% tổng sản lượng của nhà máy, song công ty cũng đã nhận được nhiều đơn hàng xuất sang các nước Ấn Độ, Ai Cập, Nam Phi…

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, sản phẩm tấm lợp sạch của Navifico cũng được bán ở hầu khắp các tỉnh phía Nam đặc biệt là tại Cà Mau, Sóc Trăng,… Nhiều dự án có sự tham gia của tổ chức nước ngoài các tỉnh phía Nam giờ người ta đều không sử dụng tấm lợp amiăng nữa, ông Mạnh cho biết.

Hiện tại, công ty Navifico đặt ra mục tiêu đưa sản lượng tấm lợp không amiăng tăng lên tới 50% vào năm 2017-2018 và tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất tấm lợp amiăng vào năm 2020 theo như chỉ thị mới đây của Thủ tướng Chính phủ.

Không bó tay ngồi đợi chính sách, sự thay đổi của Nhà máy Tấm lợp Gang thép hay Công ty Navifico là tín hiệu đáng mừng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường vật liệu xây dựng không amiăng đang phát triển rất nhanh.

Theo TS Đỗ Quốc Quang sản lượng thị trường vật liệu xây dựng xi măng sợi, không amiăng tại Việt Nam hiện nay vào khoảng hơn 10 triệu m2 nhưng đang tăng trưởng rất tốt với tốc độ từ 20-25%/năm. Ở Trung Quốc, các tấm phẳng không amiăng ứng dụng trong nội thất cũng đã tăng từ 30 triệu m2 năm 2006 lên 120 triệu m2 vào năm 2013.

“Nếu không nhanh chóng chuyển đổi, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có nguy cơ đánh mất thị trường đầy tiềm năng này vào tay các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Quang cho hay.

Theo VietNamNet

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng