DOITHUONG247 - CỔNG THÔNG TIN TRÒ CHƠI ĐỔI THƯỞNG

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Gỡ khó cho doanh nghiệp ngành thép: Đồng lòng giảm sản lượng!

03/10/2012 - 02:43 CH

Hàng tồn kho nhiều, nhu cầu tiêu thụ vẫn ảm đạm, nhưng sản xuất vẫn tăng khiến nhiều doanh nghiệp chấp nhận lỗ, phá giá bán. Song đây lại là cách làm thị trường thép thêm khó khăn, dẫn tới thiệt hại lớn hơn cho các doanh nghiệp
Khó nhất từ trước tới nay

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính chung 8 tháng, tổng sản lượng thép xây dựng sản xuất là 2.984.854 tấn, bán ra 2.945.729 tấn, giảm tương ứng 10,2% và 9,75% so với cùng kỳ 2011.

Trong khi đó, tổng công suất các nhà máy sản xuất thép xây dựng hiện là 11.940.000 tấn/năm. Do vậy, thị trường luôn trong tình trạng cung lớn hơn cầu. Trong khi đó, thép nước ngoài nhập về ngày càng tăng.

Giải pháp đã được chỉ ra nhưng liệu các doanh nghiệp ngành thép có thực sự đồng lòng thực hiện để cùng nhau ra khỏi khó khăn?

Mấy tháng gần đây, nguyên liệu đầu vào sản xuất thép liên tục tăng, khiến khó khăn của doanh nghiệp thêm chồng chất. Theo đánh giá, đây có thể là thời kỳ khó khăn nhất của ngành thép với nhiều doanh nghiệp lỗ nặng và có nguy cơ phá sản. Thời gian qua, giá thép đã giảm mạnh, từ 300.000 đến 900.000 đồng/tấn.

Ông Nguyễn Tiến Nghi- Phó Chủ tịch VSA - cho biết, nhiều doanh nghiệp chấp nhận lỗ, liên tục phá giá, bán thấp hơn giá thị trường, gây bất bình và làm thiệt hại chung. Ông Nghi cho rằng, thực tế này có thể tác động xấu cho toàn ngành thép.

Mới đây, ngày 14/9, VSA đã có công văn số 52/HHTVN yêu cầu các thành viên trong Hiệp hội phối hợp thực hiện một số biện pháp cấp bách để vượt qua khó khăn. Trong đó, VSA đề nghị các doanh nghiệp sản xuất thép bình tĩnh, không nôn nóng trong việc giảm giá bán gây lỗ lớn. Thay vào đó, doanh nghiệp nên điều chỉnh sản xuất cho sát với khả năng tiêu thụ của thị trường, tránh tồn kho quá lớn.

Đồng lòng cắt giảm sản xuất

Theo ông Nghi, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp nên chia sẻ sản xuất với nhau trên cơ sở tiêu thụ thị trường. “Đừng tăng sản xuất khiến sản phẩm ngày càng ứ đọng lớn, dẫn tới gia tăng áp lực tồn kho, rồi buộc phải hạ giá, gây thua lỗ. Một doanh nghiệp hạ giá chịu lỗ sẽ khiến đồng loạt doanh nghiệp phải hạ giá và thua lỗ theo”- ông Nghi nói.

Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp lại có điều kiện riêng, khả năng tài chính khác nhau, lãi vay ngân hàng và vốn tự có cũng khác nên rất khó tạo đồng thuận ở tất cả các doanh nghiệp. Chính vì vậy, VSA kêu gọi các nhà sản xuất nên ngồi lại bàn giải pháp vì thị trường chung, để “nếu có lỗ nhưng nhẹ hơn”.

VSA vận động doanh nghiệp chia sẻ mức giảm sản lượng, tránh ứ đọng thành phẩm. Tồn kho không còn ở mức cao sẽ không gây áp lực lớn phải bán phá giá thị trường. “Mỗi doanh nghiệp giảm một chút trên cơ sở thị phần của mình, mọi doanh nghiệp sẽ không bị lỗ nặng. Đây là giải pháp tối ưu nhất hiện nay”- ông Nghi kêu gọi.

Mặt khác, VSA nhấn mạnh, các doanh nghiệp nên cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới. Một thay đổi ở từng bộ phận nhỏ cũng có tác dụng lớn đến giảm chi phí, giảm tiêu hao, giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, để thực hiện được biện pháp đồng lòng cắt giảm sản lượng không đơn giản bởi liên quan đến lợi ích của từng doanh nghiệp. Nhưng VSA cho rằng: “Cũng không thể không làm, nếu không, toàn ngành thép sẽ đi xuống”. Liệu ngành thép Việt Nam có thực hiện được điều này?

Theo baocongthuong

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng