Đơn cử, trong lĩnh vực
xi măng, trong mấy năm qua, khi nhiều “tên tuổi” lớn đã phải bán, chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cho các đối tác khác có tiềm lực mạnh trong và ngoài nước, thì Xi măng
FICO đã tính toán đến việc phát hành thêm cổ phiếu để cân đối tài chính. Nỗ lực này đã mang lại kết quả khả quan, với mức tăng trưởng bình quân 10%/năm.
Xi măng FICO cũng là một trong số ít
doanh nghiệp xi măng hoàn thành kế hoạch trả nợ đầu tư trong và ngoài nước sau 5 năm sản phẩm gia nhập thị trường. Cũng trong vòng 5 năm, FICO đã vươn lên Top 3 thương hiệu xi măng hàng đầu tại phía Nam, cùng với Hà Tiên và Holcim.
Năm 2014, Xi măng FICO đạt doanh thu 2.400 tỷ đồng; tiêu thụ 1,55 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2013; lợi nhuận đạt 40 tỷ đồng, tăng 40%.
Điều đáng nói là,
thị trường xi măng đang trong tình trạng cung vượt cầu, song Xi măng FICO vẫn chạy vượt công suất thiết kế. Trong những tháng cuối năm 2014, Xi măng FICO đã phải mua thêm
clinker để sản xuất
xi măng nhằm đảm bảo nguồn cung cho khách hàng truyền thống.
Hiện dây chuyền 2, Xi măng FICO đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý triển khai với công suất thiết kế 1,4 triệu tấn sản phẩm/năm. Theo dự kiến, dây chuyền 2 sẽ được khởi công vào đầu năm 2016 và cuối năm 2017 sẽ đi vào hoạt động.
Trong khi Xi măng FICO được xem là doanh nghiệp lớn nhất, có tiềm năng phát triển nhất và là lợi thế của FICO, thì một số thành viên khác của Tổng công ty cũng có sức hấp dẫn không kém.
Trong số đó, Cát Cam Ranh trong nỗ lực “biến cát thành vàng” suốt 30 năm phát triển đã có nhiều đột phá thành công. Tận dụng lợi thế được Chính phủ cấp phép khai thác cát cung cấp cho thị trường sản xuất thuỷ tinh trong nước, Cát Cam Ranh đã biến những hạt cát thành sản phẩm pha lê cao cấp có uy tín và thương hiệu trên thị trường nội địa, cung cấp cho các nhà máy sản xuất thủy tinh ở Hải Phòng, Thái Bình, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Năm 2002, FICO đã đầu tư dây chuyền sàng, tuyển, rửa cát hiện đại, với công suất trên 200.000 tấn/năm, đưa tổng công suất sàng, tuyển lên trên 350.000 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.
Bên cạnh Cát Cam Ranh, Đá Phước Hòa, Đá Hóa An,
Gạch ốp lát Thanh Thanh và Vitaly cũng là những cái tên quen thuộc trên thị trường vật liệu xây dựng. Trong khi Đá Phước Hòa mở ra thị trường mới về sản phẩm đá ốp lát làm bàn ghế, trang trí sân vườn được thị trường trong nước tin dùng và xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, châu Âu, Mỹ…. thì Gạch ốp lát Thanh Thanh và Vitaly tuy phải “gồng mình” trong khó khăn, song vẫn phát triển khả quan.
Mặc dù phải cạnh tranh gay gắt với gạch ốp lát Trung Quốc, song hoạt động của Thanh Thanh luôn ổn định, với doanh thu và lợi nhuận cao; còn Vitaly thông qua tái cấu trúc tài chính đã đạt được kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu 286 tỷ đồng trong năm 2014, trong đó có hơn 50 tỷ đồng từ xuất khẩu. Cùng với doanh thu, Vitaly đã “nối lại” hoạt động của 18 đại lý độc quyền mẫu, 60 đại lý phân phối và 10 đại lý nước ngoài tại Thái Lan, Sri Lanka, Hàn Quốc, Pakistan, Yemen, Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia, Mỹ, Australia.
Năm 2014, FICO có doanh thu trên 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận đạt trên 100 tỷ đồng. Các nhà đầu tư có thể nhìn thấy những lợi thế của FICO như, thương hiệu được định vị trong 30 năm, trước khi cổ phần hóa công ty mẹ thì 100% công ty con của FICO đã cổ phần hoá xong, trong đó, Xi măng FICO kinh doanh hiệu quả và đang gấp rút đầu tư dây chuyền thứ 2…
Là đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm này, FICO đã chuẩn bị tốt mọi điều kiện cho cổ phần hóa và đang có những nhà đầu tư lớn sẵn sàng trở thành cổ đông chiến lược của FICO.
Theo Báo Đầu tư