Năng lực sản xuất trong nước dồi dào
Nước ta đang có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 25 tỷ viên/năm. Sản lượng gạch đất sét nung sản xuất hàng năm ước đạt khoảng 60 - 70% tổng công suất thiết kế. Cơ sở sản xuất gạch không nung có khoảng 2.500 cơ sở với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 15 tỷ viên QTC/năm. Trong đó, gạch bê tông chiếm tỷ trọng khoảng 80% công suất thiết kế, còn lại là gạch bê tông khí chưng áp và gạch bê tông bọt.
Sản lượng gạch không nung sản xuất hàng năm ước đạt khoảng 50 - 60% tổng công suất thiết kế. Theo Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/08/2020, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, dần thay thế vật liệu xây nung hướng tới giảm lượng phát thải nhà kính CO2, bảo vệ môi trường và phát triển nền kinh tế bền vững.
Tại Việt Nam, chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các dây chuyền sản xuất gạch không nung, bao gồm các sản phẩm chính: gạch xi măng cốt liệu, gạch AAC, gạch bê tông bọt… Với năng lực và công suất như hiện nay, có thể thấy nguồn cung các sản phẩm gạch không nung rất dồi dào, có đủ khả năng đáp ứng cho các nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp.
Sử dụng và tiêu thụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn
Trong khi năng lực sản xuất gạch không nung đạt khá cao, các chủng loại đa dạng, hiệu quả các sản phẩm có thể thấy rõ thì việc tiêu thụ và sử dụng gạch không nung lại gặp nhiều khó khăn, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nguyên nhân của thực trạng này đã được các Bộ, ngành nhìn nhận, đó là do ảnh hưởng từ thói quen tiêu dùng của người dân vẫn thích sử dụng gạch nung đất sét do còn nhiều nghi ngại về độ ổn định, khả năng thích ứng của gạch không nung trước các điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa của Việt Nam cũng như xét về lợi ích kinh tế, chi phí xây dựng, kỹ thuật xây dựng thì sử dụng gạch không nung có giá thành chưa phù hợp với túi tiền của người dân.
Để hướng tới thực hiện tốt các nội dung Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các địa phương cần tiếp tục xây dựng, ban hành cơ chế chính sách phù hợp đi cùng các chế tài và biện pháp mạnh mẽ nhằm hạn chế, tiến tới dần xóa bỏ tình trạng khai thác và sử dụng nguyên liệu sản xuất gạch nung tràn lan như hiện nay. Đây cũng là cơ hội để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các sản phẩm gạch không nung. Bởi thực tế hiện nay, do những nhà sản xuất gạch nung gần như không phải trả tiền nguyên liệu đất; mặt khác, nguyên liệu đốt thì lại khai thác tùy tiện từ rừng với giá rất rẻ nên giá thành sản phẩm gạch nung, nhất là gạch nung thủ công thường rất thấp so với giá trị thật của nó, điều này đã tạo ra một sức ép cạnh tranh lớn về giá đối với các sản phẩm gạch không nung.
Song song với những giải pháp về chính sách, chế tài nêu trên, về phía bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần có những cải tiến mạnh mẽ; không ngừng hoàn thiện công nghệ sản xuất gạch xây không nung; nghiên cứu ứng dụng nhằm tận dụng triệt để các nguồn phế thải công nghiệp như: tro xỉ, mạt đá trong công nghệ sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.
Một yếu tố góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu sử dụng gạch không nung thay thế gạch nung, đó chính là từ phía mỗi người dân cần nâng cao nhận thức và ý thức trong việc từ bỏ thói quen truyền thống trong sản xuất và sử dụng gạch nung. Để đạt được điều đó, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các đơn vị truyền thông, cơ quan báo chí cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nhận thức rõ được những tác động tiêu cực của việc sản xuất và sử dụng gạch nung không đến môi trường, sức khỏe của cộng đồng, đồng thời thấy được những ưu điểm, lợi thế trong việc sản xuất, sử dụng gạch xây không nung đối nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng nước ta hiện đại, bền vững.
VLXD.org (TH/ CNMT)