Bài 1: CẤP THIẾT XỬ LÝ TRO XỈ
Tro xỉ chất đống
Trong cuộc họp mới đây tại Văn phòng Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì để tìm giải pháp xử lý tro xỉ của các NMNĐ, các bộ, ngành đánh giá, hiện nay, lượng tro bay cũng được sử dụng làm phụ gia xi-măng, bê-tông đầm lăn,
gạch không nung, nhưng khối lượng không lớn, khoảng 500 nghìn đến một triệu tấn/năm. Theo tính toán, các nhà máy xi-măng có thể tiêu thụ khoảng hai đến ba triệu tấn tro bay/năm, các công trình
bê tông đầm lăn có thể sử dụng một triệu tấn tro bay/năm; các đơn vị sản xuất
vật liệu xây không nung (VLXKN) cũng có thể sử dụng một triệu tấn và cùng các nhu cầu khác, bảo đảm tiêu thụ sáu đến tám triệu tấn trong số 11 triệu tấn
tro bay mỗi năm hiện nay. Xét về tiềm năng, trong vòng ba đến năm năm tới, các đơn vị trong nước có khả năng sử dụng tối thiểu năm đến sáu triệu tấn tro bay/năm làm VLXD, tuy nhiên, con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với 17 đến 20 triệu tấn thải ra từ các NMNĐ tính tới năm 2020.
Như vậy, nếu cứ để tình trạng này diễn ra thì núi tro xỉ thải ở các NMNĐ ngày càng ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng cuộc sống của người dân. Như vụ việc NMNĐ Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) mới trong giai đoạn vận hành, nhưng việc lưu trữ tro xỉ ở bãi thải ngoài trời gây ảnh hưởng môi trường, khiến Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải vào cuộc giải quyết. Trong số 19 NMNĐ than nói trên thì riêng EVN có tới 11 NMNĐ than với tổng công suất 6.014 MW đang vận hành; hai NMNĐ tổng công suất 2.324 MW đang chạy thử nghiệm, phát điện thương mại cuối năm 2015; bốn NMNĐ tổng công suất 3.704 MW đang đầu tư xây dựng. Theo EVN, năm 2015, tổng lượng tro xỉ của các NMNĐ than của EVN ước khoảng 5,517 triệu tấn, trong đó có 4,74 triệu tấn tro, 777 nghìn tấn xỉ. Đến năm 2020, con số này ước tính lần lượt lên tới 9,37 triệu, 8,01 triệu và 1,35 triệu tấn. Hiện EVN đang quyết liệt chỉ đạo các NMNĐ làm việc với các đối tác để có phương án sử dụng tro xỉ phù hợp. Trong khi chưa tiêu thụ được thì trước mắt, lượng tro xỉ vẫn phải lưu trữ tại bãi thải.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (Hải Dương) Nguyễn Văn Thủy cho biết, với công suất 1.040MW, công ty mỗi năm sử dụng từ 3 đến 3,2 triệu tấn than, thải ra hằng năm từ 800 nghìn đến một triệu tấn tro xỉ. Nhiều năm trước, tro là đồ thải, thì nay trở thành hàng hóa, nhiều đơn vị đến mua, cho nên công ty phải đấu thầu, đấu giá công khai, khiến giá bán tro bay tại công ty đã lên tới 90 nghìn đồng/tấn. Ông Thủy cho rằng, có thể do vị trí "đắc địa" của nhà máy như gần Hà Nội và trung tâm kinh tế phía bắc, chung quanh có nhiều DN sản xuất VLXD, cho nên tiêu thụ tro xỉ thuận lợi. Nhưng ở nhiều NMNĐ khác, thậm chí dịch lên mạn Uông Bí (Quảng Ninh), tiêu thụ tro xỉ khó khăn hơn, chưa nói những NMNĐ ở các khu vực xa, nơi mà "cho cũng không ai lấy”.
Theo lãnh đạo Tổng Công ty Phát điện 3 (EVN GENCO3)-chủ quản NMNĐ Vĩnh Tân 2, bãi thải xỉ của Vĩnh Tân 2 chỉ có thể chứa tro xỉ trong khoảng bảy năm. Tuy nhiên, thời gian tới, bãi thải xỉ này sẽ phải dùng chung cho NMNĐ Vĩnh Tân 4 và cả Vĩnh Tân 4 mở rộng, do vậy, thời gian lưu trữ sẽ ngắn hơn, trong khi tro xỉ vẫn ngày càng chất cao. Hiện Công ty CP Chế tạo máy và Sản xuất vật liệu mới Trung Hậu (TP Hồ Chí Minh) đang sản xuất gạch thử nghiệm từ tro xỉ Vĩnh Tân 2, nếu thành công, công ty sử dụng 400 tấn tro xỉ/ngày. Đơn vị làm đường Phan Rí-Mũi Né đang xem xét sử dụng 20 đến 30 xe tro xỉ/ngày, tuy nhiên khối lượng này còn quá ít và không mang tính lâu dài. Công ty Xi-măng Vicem Hà Tiên cũng có lấy mẫu và đề xuất sử dụng 2.000 tấn tro bay/ngày. Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Đức Thành đang làm việc với tỉnh Bình Thuận để bố trí mặt bằng xây nhà máy bên cạnh bãi xỉ... Tuy nhiên, hầu hết các dự án trên vẫn đang là tiềm năng.
Bãi thải tro xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (huyện Tuy Phong, Bình Thuận).
Long đong tìm đầu ra
Là DN tiên phong trong lĩnh vực chế biến tro xỉ, Công ty CP Sông Đà Cao Cường (Chí Linh, Hải Dương) đã đầu tư dây chuyền thiết bị đồng bộ, hiện đại trị giá 300 tỷ đồng, để nghiên cứu công nghệ, thiết bị xử lý chất thải rắn ngành điện và hóa chất, nhờ đó đã chế tạo thành công hơn 20 chủng loại sản phẩm từ tro xỉ của NMNĐ Phả Lại. Đồng thời, xử lý thành công bãi thải Gyps của Nhà máy sản xuất phân bón DAP-Đình Vũ. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Sông Đà Cao Cường Kiều Văn Mát cho biết, việc tiêu thụ sản phẩm của công ty rất khó khăn, không phải vì chất lượng sản phẩm mà do nhiều nguyên nhân khách quan, như: tâm lý người tiêu dùng vẫn quen sử dụng gạch nung truyền thống; Việt Nam chưa hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất cho VLXKN; chưa có chế tài bắt buộc các chủ đầu tư công trình cao tầng sử dụng VLXKN… Ông Mát cho rằng, giá bán tro của NMNĐ Phả Lại là khá cao, tại các nước trong khu vực, họ không đặt nặng vấn đề bán tro xỉ mà bán rất rẻ, thậm chí cấp không nguyên liệu (tro xỉ) cho các DN đủ năng lực sản xuất VLXKN, mục tiêu xử lý ô nhiễm môi trường mới là quan trọng nhất.
Còn Công ty CP gạch Khang Minh đã sản xuất được các chủng loại gạch xi-măng cốt liệu với nhiều kích thước khác nhau, đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường và là đơn vị tiêu thụ lớn nhất cả nước, nhưng chỉ có các DN tư nhân và nước ngoài quan tâm, còn các dự án khác sử dụng vốn ngân sách nhà nước hay của người dân vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu của sản phẩm vẫn là
cát, đá nghiền,
xi măng… Hai năm nay, công ty đã mạnh dạn sử dụng nguồn tro xỉ thải vào sản xuất, chiếm khoảng 10% nguồn nguyên liệu đầu vào. Song, vướng mắc ở chỗ, giá tro xỉ vẫn cao, vận chuyển khó khăn, được lấy từ NMNĐ Phả Lại, trong khi đó, các nguồn tro xỉ gần công ty không bảo đảm yếu tố đầu vào khi lượng than cháy chưa hết trong tro xỉ còn cao, không phù hợp làm gạch xi-măng cốt liệu. Những yếu tố này sẽ tác động giá thành sản phẩm, nhất là trong điều kiện VLXKN mới tìm được chỗ đứng.
Tương tự, với Công ty CP bê-tông khí Viglacera, việc tiêu thụ các sản phẩm của công ty trong những năm qua chủ yếu qua các dự án phát triển hạ tầng trong Tổng công ty và một số ít dự án bên ngoài của các DN tư nhân, nước ngoài. Tại một số thành phố lớn, việc sử dụng gạch không nung theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ khá tốt, còn tại các địa phương rất khó khăn, vì thiếu sự quyết liệt của chính quyền địa phương. Giám đốc Công ty Nguyễn Quang Trung cho rằng, việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất VLXD từ tro xỉ hiện chưa được hưởng đầy đủ các ưu đãi hay hỗ trợ, trong khi đó, mức tiêu thụ chỉ khoảng 40 - 50% công suất. Do vậy, hiệu quả đầu tư không cao và công ty đang phải chịu nhiều sức ép về các khoản vay với lãi suất lên đến 15%/năm.
Theo Bộ Xây dựng, khoảng cách vận chuyển từ các NMNĐ đến nơi sử dụng tro xỉ thường rất xa, cước phí vận chuyển cao dẫn tới giá thành tro bay lớn, bằng hoặc gần 1,5 lần giá xi-măng tại chân công trình, là một trong những trở ngại sử dụng tro xỉ. Phó Vụ trưởng VLXD (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc đánh giá, một số địa phương chưa thật sự quan tâm Chương trình phát triển VLXKN, hoặc chưa có giải pháp cụ thể hữu hiệu nhằm tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung. Điển hình tại tỉnh Bình Thuận, địa phương sẵn có nguồn nguyên liệu để sản xuất VLXKN và đã có nhà đầu tư sản xuất, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh vẫn có văn bản xin lùi thời gian thực hiện Thông tư 09/2012/TT-BXD quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng. Hay tại Bến Tre, khi chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra sự cố nứt tường khi xây bằng VLXKN, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho thay đổi VLXKN bằng vật liệu nung. Đồng thời, nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng còn chưa đầy đủ, chưa hiểu biết nhiều về sản phẩm VLXKN nói riêng và bê-tông khí nói chung, không nắm bắt được các quy định của Nhà nước.
Về khách quan, nhiều nhà đầu tư sản xuất VLXKN còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế, nên phần lớn chỉ nhập các dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật chưa được đào tạo bài bản, các nhà máy phải vừa sản xuất, vừa điều chỉnh, khắc phục mặt yếu… Vì vậy, công tác bảo quản sản phẩm lưu kho và vận chuyển chưa đúng kỹ thuật đã ảnh hưởng chất lượng sản phẩm, cũng như uy tín chung của sản phẩm VLXKN. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ chưa có hướng dẫn sử dụng Quỹ Chuyển giao công nghệ như quy định tại Quyết định 567/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020, cho nên các DN chưa được hưởng ưu đãi. Riêng vấn đề về tro, xỉ thải từ các NMNĐ, phân bón còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố hàm lượng than chưa cháy hết trong tro xỉ còn cao, nhất là các NMNĐ sử dụng công nghệ cũ (hơn 20%), do vậy vẫn phải qua công đoạn sàng tuyển mới có thể sử dụng làm nguyên liệu cho VLXKN (5 - 8%), dẫn đến làm tăng giá thành sản phẩm. Ngoài sử dụng làm
VLXKN, nguồn tro xỉ được sử dụng làm lớp rải nền trong thi công đường. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề này gặp vướng mắc từ phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, do lo ngại về tính an toàn của các phế thải.
Theo Nhân dân