DOITHUONG247 - CỔNG THÔNG TIN TRÒ CHƠI ĐỔI THƯỞNG

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Tin trong nước

Lãnh đạo các ngân hàng nhận định tình hình năm 2013

15/01/2013 - 11:11 CH

Năm 2013 tiếp tục là năm khó khăn đối với nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, các NHTM nhận thức rõ điều này và đưa sách lược phù hợp.
 
Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh: Nhận diện thách thức để ứng phó

Xác định năm 2013 ngành Ngân hàng tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn. “Sức khỏe” của ngân hàng luôn gắn với doanh nghiệp, mà đến 2013 là năm thứ 6 liên tiếp doanh nghiệp phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Năm 2013, nếu tình hình tiếp tục khó khăn, nợ xấu sẽ tăng mà dư nợ tín dụng không tăng nhiều được. Ngay đầu năm, chúng ta cần nhận diện khó khăn để tập trung nguồn lực, thậm chí phải hy sinh lợi ích để có thể cùng tồn tại.
 
Tại Vietcombank chúng tôi phân loại nợ theo định tính, do vậy nếu doanh nghiệp hoạt động khó khăn, tình hình tài chính sa sút thì họ sẽ “tụt hạng”, điều đó có nghĩa là ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến kinh doanh, lợi nhuận. Bên cạnh đó, năm 2013, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống ngân hàng là xử lý nợ xấu gắn liền với cơ cấu hệ thống.

Thứ nhất, để thực hiện tốt những nhiệm vụ trên, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa phải tốt hơn nữa, có kế hoạch ngay từ đầu năm. Riêng về giải quyết hàng tồn kho, sự gắn kết giữa hai chính sách này có ý nghĩa quan trọng. NHNN cần sớm phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn, sử dụng vốn hiệu quả để giải quyết hàng tồn kho cho bất động sản và những ngành liên quan như xi măng, sắt thép…

Tại sao cần có sự phối hợp tốt ngay từ đầu năm? Bởi, cũng với khối lượng tiền như vậy, nhưng đưa ra kịp thời, đúng lúc thì hiệu quả cao. Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy, việc thực hiện các giải pháp đều trong tình trạng “chạy nước rút” nên hiệu quả không cao, chất lượng chưa tốt.

Thứ hai, trong xử lý nợ xấu, Ngân hàng nhà nước (NHNN) cần hướng dẫn cụ thể hơn về cơ cấu lại nợ cho khách hàng; đồng thời NHNN cũng nên giám sát kỹ vấn đề này. Vì nếu thực hiện tốt thì đây là lối mở ra cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng nếu quản lý, giám sát không tốt thì lại là góc khuất để NHTM che giấu nợ xấu.

Bên cạnh đó, theo tôi, muốn xử lý dứt điểm nợ xấu thì phải giải quyết vấn đề xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, bởi các giải pháp cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng… mới chỉ là giải pháp tình thế. Theo nguyện vọng của các NHTM, khi khách hàng vay không trả được nợ thì ngân hàng được quyền xử lý tài sản thế chấp. Nhưng hiện tại những trường hợp này thường phải đưa ra tòa, mất rất nhiều năm mới giải quyết được. Do đó, hy vọng Chính phủ đưa ra giải pháp cụ thể về xử lý tài sản thế chấp.

Thứ ba, trong thời gian tới, để những giải pháp đưa vốn thực sự đến với doanh nghiệp, bên cạnh sự giám sát của NHNN đòi hỏi có sự tự giác của từng NHTM. Việc nâng dần công tác dự báo thống kê cũng rất quan trọng nhằm tăng hiệu quả trong điều hành chính sách. Chế độ hạch toán, báo cáo thống kê phải đảm bảo nghiêm túc. Vì đầu vào không chính xác thì đầu ra khó mà chính xác được.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank Lê Hùng Dũng: Cải tiến mạnh mẽ công tác truyền thông

Thời điểm này năm 2011, ngành Ngân hàng triển khai nhiệm vụ năm 2012 khi nghe Thống đốc chỉ đạo, một trong những mục tiêu của chính sách tiền tệ là phấn đấu đưa lạm phát xuống một con số, bản thân tôi cũng như lãnh đạo nhiều NHTM chưa tin, bởi lúc đó lạm phát, lãi suất cao như vậy làm sao xuống nhanh được.
 
Song, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và NHNN, chúng ta đã kiềm chế lạm phát ở mức 6,8% và lãi suất giảm xuống sâu (sau 5 lần giảm). Lãi suất giảm mạnh, song thanh khoản của hệ thống vẫn ổn định. Đó là thành công rất lớn.

Tôi cho rằng tăng trưởng tín dụng năm 2013 ở mức 12% là phù hợp, nhưng chúng ta cần tập trung giải ngân sớm ngay từ đầu năm để tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Một vấn đề nữa: hệ thống ngân hàng cần sự chia sẻ từ cơ quan truyền thông.

Trong năm qua, một số cơ quan truyền thông hay nói về ngành ngân hàng chưa chính xác. Ví dụ về lợi nhuận ngân hàng “khủng” trong khi doanh nghiệp khó khăn; hay ngân hàng như ăn trên xương máu của doanh nghiệp... Tôi nghe thấy xót xa lắm. Nếu người viết tìm hiểu kỹ hơn chắc sẽ không nói vậy. Đúng là nếu chỉ nhìn thấy con số về lãi ngân hàng công bố là lớn, nhưng nếu so với tổng tài sản thì rất “bèo”.

Hoặc nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng gây khó khiến doanh nghiệp không tiếp cận được vốn. Tôi có thể khẳng định không có doanh nghiệp nào đủ tiêu chuẩn mà ngân hàng không cho vay. Cần phải hiểu ngân hàng kinh doanh tiền tệ, có người đến vay, có khả năng trả được nợ, tại sao chúng tôi lại không cho vay. Ngân hàng huy động mấy chục nghìn tỷ đồng, trả lãi suất tiền gửi 8%/năm (hoặc cao hơn) không phải để cất vào kho?

Có thể nói, năm qua hệ thống ngân hàng “chiến đấu” tốt trên các mặt trận, nhưng trên mặt trận truyền thông lại làm chưa tốt. Do đó, sang năm 2013, giải pháp truyền thông phải có sự cải tiến mạnh mẽ để người dân, doanh nghiệp hiểu một cách đúng đắn về ngành Ngân hàng.

Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Louis Taylor: Sớm bãi bỏ các biện pháp hành chính

Ngành Ngân hàng đã vượt qua một năm khó khăn và đang tiếp tục gia tăng niềm tin của người dân đối với hệ thống. Tất cả thành tựu này nhờ chỉ đạo thành công của NHNN. Trong chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng chúng tôi được biết đã có Đề án xử lý nợ xấu và đề án thành lập Công ty quản lý khai thác tài sản (VAMC) của NHNN để quyết liệt xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, sẽ rất hữu ích nếu các cơ quan chức năng công bố sớm kế hoạch sử dụng nguồn vốn của VAMC từ đâu. Liệu NHNN sẽ phát hành trái phiếu hay còn có những giải pháp khác? Câu trả lời cho câu hỏi này rất quan trọng đối với các tổ chức tín dụng vì nó ảnh hưởng đến giá trái phiếu, giá trị đồng tiền. Vì hầu hết các tổ chức tín dụng đang nắm nhiều danh mục trái phiếu, giấy tờ có giá bằng ngoại tệ.

Một vấn đề nữa là trong thời gian qua, NHNN đã áp dụng một số biện pháp hành chính nhằm giảm lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Có thể, theo NHNN những quy định trần lãi suất huy động, cho vay, giới hạn tăng trưởng tín dụng… chỉ là những giải pháp tạm thời, nhằm ngăn chặn các ngân hàng yếu kém thực hiện những hoạt động kinh doanh không hợp lý, nhưng cũng gây khó khăn đối với những ngân hàng tốt.

Vì vậy, tôi cho rằng NHNN nên xem xét nhanh chóng bãi bỏ các biện pháp này. Tôi hy vọng kết quả của việc ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách hệ thống ngân hàng sẽ giúp hệ thống ngân hàng năng động hơn, phát triển khỏe mạnh, bền vững trong nền kinh tế Việt Nam.

Phó Chủ tịch thường trực LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng: Thay đổi tư duy để đổi mới mình

Kinh nghiệm của LienVietPostBank sau khi sáp nhập với Công ty Tiết kiệm Bưu điện đó là muốn huy động từ dân cư phải chú ý cả nguồn huy động từ vùng sâu, vùng xa. Hiện các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Nghệ An, Hà Tĩnh… là đầu mối huy động rất tốt, bền vững trong thời gian qua. Chính mạng lưới tiết kiệm bưu điện và người nông dân là ân nhân của LienVietPostBank trong thời gian qua.
Những lần đi thực tế ở các tỉnh biên giới, tôi nhận thấy nhu cầu thanh toán biên mậu tại các tỉnh biên giới mà cụ thể tỉnh phía Bắc khá lớn. Do đó, việc xây dựng các sản phẩm phục vụ cho đối tượng này cũng là giải pháp kích cầu. Đây là đối tượng khách hàng mục tiêu LienVietPostBank đang hướng đến trong thời gian tới.

Về xử lý nợ xấu, đề xuất thành lập VAMC giải quyết nợ xấu không phải là mới mẻ. Nhưng theo kinh nghiệm trên thế giới, công ty này phải trực thuộc ngân hàng trung ương thì mới có nguồn lực xử lý được. Đây là giải pháp cấp bách, cần phải thực hiện để cứu nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tôi đề xuất trong thời gian tới, đối tượng ưu tiên cho vay là doanh nghiệp đã lên sàn. Một vấn đề vướng mắc khác, là theo Luật Chứng khoán, các doanh nghiệp trong đó có ngân hàng sau 3 năm hoạt động có lãi được lên sàn, nhưng NHNN lại có văn bản là để lên sàn các ngân hàng phải đảm bảo 5 năm hoạt động có lãi. Do đó, hiện nhiều NHTM muốn lên sàn nhưng chưa được phép.

Bên cạnh đó, các ngân hàng phải đổi mới công tác truyền thông để người dân, nhà đầu tư hiểu hơn, tin tưởng hơn vào hoạt động ngân hàng.

Phó Tổng giám đốc Maritime Bank Trần Xuân Quảng: Tín dụng 2013 vẫn sẽ là bài toán khó


Quan sát động thái của nền kinh tế, năm 2013 tín dụng ngân hàng sẽ tiếp tục gặp khó. Ngay cả khi NHNN “gỡ” bằng cách nới van tín dụng không khuyến khích, nới tín dụng ngoại tệ thì việc đẩy tín dụng tăng không phải là bài toán đơn giản đối với các ngân hàng. Bởi, các ngân hàng đang phải tập trung xử lý nợ xấu, tăng cường chất lượng tín dụng để bảng tổng kết tài sản khỏe hơn. Khi thấy yên tâm về sức khỏe, cùng với việc nền kinh tế phục hồi đồng đều thì ngân hàng mới mạnh dạn đẩy mạnh tín dụng ra.

Thêm nữa, các NHTM cũng đang chờ đợi Chính phủ, NHNN đưa ra cơ chế rõ ràng hơn, thông điệp cụ thể hơn về các nguồn lực hỗ trợ để cân nhắc mức độ tham gia của mình.

Một vấn đề khác, thời điểm này, việc gia tăng nguồn thu từ dịch vụ để bù đắp lợi nhuận từ tín dụng đang sụt giảm là điều mà ngân hàng nào cũng nhận thấy và muốn làm. Từng ngân hàng cũng đang cố gắng gia tăng tính ưu việt cho sản phẩm, thị phần cho mình.

Tuy nhiên, để gia tăng thị phần qua việc đầu tư mạnh hơn cho dịch vụ như thẻ, kênh thanh toán… cũng không phải đơn giản. Bởi nếu ngân hàng không tìm đúng phân khúc thị trường cho mình để đầu tư thì doanh thu mang lại sẽ thấp.

Do đó, điều quan trọng không phải là chúng ta có nhìn ra vấn đề hay không mà là làm thế nào tìm đúng phân khúc thị trường đang cần. Điều này cũng đòi hỏi quyết tâm của từng ngân hàng. Từng phân khúc nhỏ lại cần có chiến thuật riêng. Một điều quan trọng nữa bên cạnh chất lượng dịch vụ là tăng cường quảng bá dịch vụ, làm thế nào để người tiêu dùng thấy sự cần thiết của các sản phẩm dịch vụ ngân hàng...
 
Theo TBNH

 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng