Thanh tra Bộ Xây dựng đã xác minh làm rõ việc mua bán và
xuất khẩu clinker, việc gia công
xi măng rời ở Vicem Tam Điệp, việc vận chuyển, vận tải xi măng cũng như việc mua
cổ phiếu ở Vicem Hà Tiên phản ánh trên phương tiện thông tin báo chí, đơn tố cáo của công dân. Trong kết luận, Thanh tra Bộ yêu cầu Tổng công ty điều chỉnh, sửa đổi nội dung của một số văn bản cho phù hợp Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty; kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong cách thức ban hành văn bản chỉ đạo hoạt động mua bán và xuất khẩu clinker của Công ty mẹ đối với các công ty thành viên, rút kinh nghiệm trong việc sử dụng các văn bản hành chính để chỉ đạo các đơn vị thành viên gia công xi măng rời tại xi măng Tam Điệp cho phù hợp với quy định của
Luật Doanh nghiệp và Luật Cạnh tranh.
Là doanh nghiệp số một của ngành xi măng Việt Nam, có nhiệm vụ dẫn dắt và bình ổn thị trường, những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn “sốt”
xi măng, Tổng công ty đã thực hiện kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng, không để sốt xi măng xảy ra tại phía Nam, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên không tránh khỏi việc giảm hiệu quả, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các đơn vị. Thanh tra Bộ yêu cầu Tổng công ty rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo mua bán clinker giữa các đơn vị thành viên đảm bảo theo cơ chế thị trường.
Vicem hiện đang là doanh nghiệp số một của ngành xi măng Việt Nam. Cũng theo kết luận thanh tra, xét điều kiện cụ thể tại Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 và Công ty cổ phần
xi măng Hải Vân là rất khó khăn: hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của hai Công ty rất lớn, điều này sẽ dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán và nguy cơ Tổng công ty mất vốn góp hiện có tại 2 công ty nên việc tái cơ cấu tài chính của 2 công ty là cần thiết. Từ chủ trương cho đến quá trình thực hiện mua cổ phiếu để tăng vốn điều lệ của 2 công ty trên là công khai, minh bạch. Qua các hồ sơ được cung cấp cho thấy chưa có dấu hiệu thất thoát, tham nhũng trong việc mua cổ phiếu tại 2 công ty trên. Việc báo chí nêu đúng về mặt hiện tượng, chưa đúng về mặt bản chất sự việc.
Trước đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh về một số việc cụ thể như: VICEM ủy quyền toàn diện cho Công ty TNHH Vĩnh Phước (có địa chỉ tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng) xuất khẩu clinker, nhân đó, doanh nghiệp này đã lấy danh nghĩa xuất khẩu nhưng lại bán clinker trong nội địa để lấy chênh lệch gây thiệt hại cho Nhà nước.
Vicem yêu cầu các công ty thành viên chuyển clinker cho các Công ty xi măng Hà Tiên 1 - Hà Tiên 2, rồi sau đó, do không sử dụng hết, bị tồn kho nên các doanh nghiệp này đã phải bán lỗ gần 500.000 tấn.
Một nội dung tiếp theo được đề cập là tố cáo Vicem đã chỉ đạo một số công ty thành viên thuê Vicem Tam Điệp gia công xi măng ở Ninh Bình, gây ra lãng phí lớn.
Tháng 12/2013, CTCP Xi măng Hà Tiên chào bán 120 triệu cổ phần nhằm tăng vốn điều lệ. Trong khi giá cổ phiếu của Vicem Hà Tiên được giao dịch trên sàn chỉ là 5.200 đồng/CP, thì 120 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành này lại bằng mệnh giá, 10.000 đồng/CP. Với kết quả đó, Vincem Hà Tiên đã xóa được khoản nợ trên 1.200 tỷ đồng với các công ty thành viên của Vicem tại phía Bắc song thương vụ này được cho là đã gây thất thoát tiền của Nhà nước.... Trong đó, việc gia công xi măng Tam Điệp là một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất.
Đánh giá về những thông tin được phản ánh tại buổi công bố dự thảo kết luận thanh tra tại Vicem được tổ chức vào cuối tháng 9/2014, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên cho rằng, mặc dù kết quả thanh tra ban đầu, nhiều nội dung phản ánh trên báo chí là không đúng nhưng một số nội dung báo chí nêu về những sai phạm tại Vicem không phải không có cơ sở.
Theo DĐDN