>> Tranh luận trái chiều xung quanh chính sách bảo hộ sản xuất thép trong nước
>> Áp thuế tự vệ tạm thời: Ý kiến các doanh nghiệp ngành thép
Trả lời phỏng vấn trên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Toàn - Ủy viên HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VnSteel) khẳng định:
Quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam của Bộ Công Thương là cần thiết, nhằm khắc phục thiệt hại, ngăn chặn nguy cơ đe dọa của sản phẩm nhập khẩu đến ngành
sản xuất thép trong nước. Đây cũng là công cụ hữu hiệu được nhiều quốc gia thường xuyên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, không riêng với sản phẩm
thép mà với rất nhiều sản phẩm khác.
Quyết định áp thuế bước đầu phát huy tác dụng khi hạn chế được phôi thép và thép xây dựng nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam, giúp các
doanh nghiệp sản xuất giảm bớt áp lực cạnh tranh, giảm sức ép từ thép giá rẻ; đưa giá bán sản phẩm thép về đúng giá trị thực. Môi trường sản xuất, kinh doanh thép tại Việt Nam đang được lành mạnh trở lại, tạo niềm tin cho các DN sản xuất.
Quan điểm của VnSteel cũng đồng với quan điểm của Hiệp hội thép Việt Nam và Bộ Công Thương về việc bảo vệ sự phát triển của ngành Thép là đi từ “thượng nguồn”. Ở khía cạnh khác, nếu phôi thép, thép giá rẻ tiếp tục được nhập khẩu ồ ạt, sẽ tác động xấu đến sản xuất trong nước. Cụ thể: DN sản xuất thép buộc phải tiết giảm sản xuất, chuyển dần từ chủ động sản xuất sang nhập khẩu nguyên liệu phôi để gia công, thương mại. Kết quả là sản phẩm thép Việt Nam giảm dần thị phần và nghiêm trọng hơn, biến mất khỏi thị trường nội địa, nhường chỗ cho sản phẩm thép nhập khẩu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ quay lại thời kỳ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập khẩu và giá khi đó sẽ do phía nước ngoài điều tiết. Việc phụ thuộc này gây ra nhiều nguy cơ khó lường cho ngành Thép nói riêng và nền kinh tế nói chung. Vì vậy, xét về tổng thể phát triển của ngành, của lợi ích quốc gia, cần thiết phải có biện pháp để bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất thép từ khâu luyện thép.
Còn theo ông Mai Văn Hà - Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát đánh giá: Quyết định số 862/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc “
áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu được coi là quyết định đúng đắn, mang lại lợi ích lâu dài cho cả ngành thép. Quyết định này không phải bảo vệ lợi ích riêng của bất cứ một doanh nghiệp (DN) nào, mà là lợi ích của cả ngành thép trong nước trước sự đe dọa của hàng nhập khẩu ngày càng gia tăng với cường độ mạnh.
Đây là sự bảo hộ của nhà nước ở mức hợp lý cho ngành công nghiệp thép - một ngành công nghiệp xương sống của đất nước, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Không riêng Việt Nam mà ở các nước trên thế giới, nếu nhập khẩu thép từ nước ngoài vào tăng 30%/năm thì phải áp dụng biện pháp tự vệ ngay tức thì. Trong khi đó, tại Việt Nam, sản lượng phôi thép năm 2015 nhập khẩu tăng gấp 3 lần bình thường, ở các nước không cho phép xảy ra chuyện này.
Theo ông Hà, nếu không có sự can thiệp hợp lý từ phía cơ quan quản lý nhà nước thì rất nguy hiểm cho cả ngành công nghiệp thép trong nước. Trong khi đó, cả thế giới đang dựng những rào cản tối đa để ngăn chặn thép bán giá rẻ của Trung Quốc, nhằm tránh khỏi nguy cơ đỗ vỡ. Một minh chứng cho thấy, gần đây nhất, nhà sản xuất thép lớn nhất Ấn Độ (Tata) đã phải đóng cửa nhà máy tại Anh do không thể chịu được hàng bán phá giá từ Trung Quốc, bởi quốc gia này đang dư thừa hàng trăm triệu tấn thép cả thành phẩm (thép cây, thép cuộn) và bán thành phẩm (phôi thép), nhiều gấp mười lần công suất của cả ngành thép Việt Nam. Vì vậy, họ chỉ cần “ra tay” là bao công sức của cả ngành thép Việt Nam gây dựng hơn 20 năm qua sẽ đổ bể, đó là hậu quả khôn lường.
Cần có sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp
Tuy nhiên, khi Quyết định này được đưa ra cũng không thể tránh khỏi mâu thuẫn về lợi ích của các nhóm đối tượng DN khác nhau. Dù vậy, khi thực thi một chính sách, cần có sự đồng thuận giữa các DN sản xuất, kinh doanh thép trong nước, tránh tạo sức ép dư luận xã hội và tăng sức cạnh tranh cho
ngành thép trong nước.
Bản thân một số đơn vị thuộc VnSteel cũng phát sinh nhiều ý kiến khác nhau khi lợi ích trước mắt của DN là khác nhau. Một bên là nhóm các công ty tự luyện phôi để cán thép và một bên nhóm công ty chỉ có dây chuyền cán thép. Các công ty chỉ có dây chuyền cán thép đang sử dụng nhiều lượng phôi nhập khẩu cho sản xuất. Khi chính sách thuế tự vệ áp dụng, nguồn nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, trong thời gian tới nhất định ảnh hưởng đến chi phí nguyên liệu đầu vào của các công ty cán thép. Vì vậy, việc phản ứng trước quyết định là điều khó tránh khỏi - ông Toàn cho biết.
Còn theo ông Hà, điều đầu tiên các DN trong ngành thép phải nghĩ đến lợi ích tổng thể của toàn ngành, về lâu dài phải có sự đồng thuận trong các chính sách liên quan đến sự phát triển của ngành. Nếu chỉ vì tham lợi ích trước mắt, tư duy làm ăn chộp giật thì ngành thép hay bất cứ ngành nào cũng đều không thể bền vững, nguy cơ phụ thuộc vào nước ngoài rất cao.
Chúng ta phải đồng tâm, phấn đấu bằng mọi cách để nâng cao năng lực cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm, đổi mới công nghệ liên tục mới có thể đứng vững trên thị trường. Quan điểm của chúng tôi là sản xuất thép trên một chặng đường dài, không nhìn vào hiện tượng. Do đó, việc áp thuế tự vệ là để bảo vệ toàn bộ ngành thép Việt Nam, áp thuế để DN có thời gian chuẩn bị, giảm giá thành sản phẩm…, không phải đợi đến hết 200 ngày lại đối phó cách khác. Đây cũng là cơ hội cho các DN sản xuất phôi, thép trước đây vốn gặp khó khăn phải đóng cửa, hoặc sản xuất cầm chừng để phục hồi sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước.