Gạch xây dựng của nhà máy gạch tuynel công nghệ cao Hà Vị, huyện Bạch Thông.
Theo Sở Xây dựng, hiện nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có 11/13 doanh nghiệp sản xuất gạch được chứng nhận hợp quy sản phẩm theo quy định của chuyên ngành, trong đó có 4 nhà máy gạch nung tuynel và 9 nhà máy sản xuất gạch không nung với công suất thiết kế 195 triệu viên/năm.
Đối với cát xây dựng, hiện nay có 10 mỏ đang khai thác tại các huyện. Nguồn cát của tỉnh chủ yếu được bồi lắng hằng năm dọc theo hai bên lưu vực sông Cầu, sông Năng và các suối nhỏ. Sản lượng khai thác chỉ đáp ứng khoảng hơn 38% nhu cầu sử dụng nên trong nhiều năm qua luôn khó cung ứng cát xây dựng cho các dự án, công trình, phần lớn là do các tỉnh như Thái Nguyên, Tuyên Quang…. cung cấp.
Còn đối với đá xây dựng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 mỏ đá xây dựng đang sản xuất, khai thác công suất thiết kế 418.600 m³/năm; khai thác thực tế năm 2020 đạt 313.002 m³/năm, đạt 75% so với thiết kế. Các mỏ này phân bố tại các huyện như Chợ Đồn, Ba Bể, Bạch Thông, Na Rì và thành phố Bắc Kạn.
Trên cơ sở đánh giá về nhu cầu vật liệu xây dựng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bắc Kạn đề ra mục tiêu phát triển sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng chủ yếu của tỉnh và tiến tới đưa các sản phẩm vật liệu xây dựng có thế mạnh của tỉnh ra các tỉnh lân cận. Phát triển sản xuất nhằm thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, phấn đấu đạt tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế theo quy hoạch được duyệt, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh, thu hút lực lượng lao động, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Xác định nhu cầu vật liệu xây dựng đến năm 2025 là 430 triệu viên/năm, trong đó gạch đất sét nung chiếm 60% (258 triệu viên/năm), chiếm 40% (172 triệu viên/năm), Bắc Kạn định hướng đến năm 2030 đảm bảo cân đối giữa vật liệu xây không nung trên tổng sản phẩm vật liệu xây, ưu tiên đầu tư vật liệu xây không nung loại nhẹ, đa dạng chủng loại, phù hợp công nghệ tiên tiến.
Để đạt mục tiêu, Bắc Kạn có kế hoạch giữ nguyên 4 nhà máy gạch nung (gạch tuynel) hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đầu tư công nghệ, thiết bị, hoàn thiện và cải tiến, nâng cấp công nghệ để giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu phát triển sản xuất gạch đất sét nung bằng nguyên liệu đất đồi và phế thải công nghiệp.
Cùng với đó là tiếp tục duy trì hoạt động của 9 cơ sở sản xuất gạch không nung; đầu tư mới và đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung, khuyến khích sản xuất gạch bê tông nhẹ, các loại gạch có kích cỡ lớn.
Đối với đá xây dựng, xác định tổng nhu cầu đến năm 2025 là 9,08 triệu m³ (tương đương 1,816 triệu m³/năm); trên cơ sở dự báo nhu cầu đá xây dựng trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp tục rà soát, bổ sung các điểm mỏ, tổ chức đánh giá trữ lượng, cấp phép thăm dò khai thác. Tiếp tục duy trì hoạt động của 19 đơn vị đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản và giấy phép thăm dò khoáng sản, phải đảm bảo công suất thiết kế đã đăng ký. Khai thác tại các điểm mỏ đúng theo quy hoạch được duyệt và được cấp phép đảm bảo phù hợp với nhu cầu từng địa phương. Đồng thời khuyến khích đầu tư dây chuyền khai thác với công suất không nhỏ hơn 100.000 m³/năm. Sản phẩm lưu thông trên thị trường phải đảm bảo các yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, phải được công bố hợp chuẩn, hợp quy.
Với tổng nhu cầu cát xây dựng đến năm 2025 khoảng 2,22 triệu m³ (tương đương 444.000 m³/năm); đi đôi với khai thác, tỉnh xác định tổ chức thực hiện nghiêm Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông và các văn bản pháp luật khác có liên quan trong công tác cấp phép, quản lý, hoạt động khai thác cát. Việc khai thác tại các điểm mỏ phải đúng theo kế hoạch đã được duyệt và được cấp phép, đảm bảo phù hợp với nhu cầu từng địa phương. Công suất khai thác đảm bảo không nhỏ hơn công suất 10.000 m³/năm.
Các cơ sở khai thác cát, sỏi phải đưa công nghệ khai thác, chế biến có hệ thống xử lý giảm hàm lượng bụi, bùn, sét; sản phẩm phải đảm bảo các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, phải được công bố hợp quy; phải có biện pháp quản lý để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường, dòng chảy, không gây sạt lở bờ sông suối. Các mỏ khai thác phải có vị trí tập kết, đường vận chuyển; đảm bảo hành lang an toàn đường thủy theo quy định.
Bắc Kạn khuyến khích các đơn vị đầu tư cơ sở chế biến từ nguồn nguyên liệu khai thác tại các mỏ đá; đảm bảo có dây chuyền công nghệ tiên tiến, đồng bộ (thiết bị gia công, hệ thống sàng, các thiết bị xử lý môi trường), thực hiện hoàn nguyên mỏ theo yêu cầu. Khuyến khích các cơ sở đã được cấp phép khai thác đá và cát, sỏi đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị để tận dụng đá, sỏi cuội sau khi khai thác, sàng lọc để nghiền cát nhân tạo, nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm cát trên địa bàn hiện nay.
Đồng thời tiếp tục duy trì hoạt động của các đơn vị đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép thăm dò khoáng sản khai thác các mỏ cát có trong kế hoạch hoặc thực hiện bổ sung vào kế hoạch, đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn và các quy hoạch khác.
Để bảo đảm phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn theo hướng bền vững, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung chỉ đạo xây dựng, triển khai chính sách khuyến khích đầu tư công nghệ mới trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng. Đầu tư sản xuất lớn với quy mô công nghệ hiện đại để từng bước loại bỏ tình trạng khai thác, chế biến thủ công nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ cảnh quan môi trường. Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác thẩm định, cấp phép thăm dò, khai thác, cấp phép đầu tư, giao đất cho thuê đất... đối với các nhà đầu tư. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng khuyến khích đầu tư mới, đầu tư nâng cấp, chuyển đổi công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng nhằm gia tăng năng suất, chất lượng. Khuyến khích và tạo điều kiện về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường…
Bắc Kạn phấn đấu đạt được sản lượng vật liệu xây dựng chủ yếu như nhu cầu đã dự báo; đối với các sản phẩm thông thường, có lợi thế về thị trường tiêu thụ (như cát, đá, gạch nung, không nung,...) đưa sản lượng vượt so với nhu cầu để mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh. Qua đó nhằm nâng giá trị sản xuất ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đến năm 2025 gấp hai lần so với năm 2020.
VLXD.org (TH/ CTT Bắc Kạn)