DOITHUONG247 - CỔNG THÔNG TIN TRÒ CHƠI ĐỔI THƯỞNG

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

VLXD cơ bản

Thép nội lo ngại các FTA

14/05/2015 - 10:06 SA

Trong các ngành hàng chịu sức ép cạnh tranh khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở cửa và hội nhập sâu rộng với thế giới, thì sắt thép được liệt vào ngành bị ảnh hưởng lớn hơn cả.
Thép ngoại đổ bộ

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) vừa được 2 nước ký kết. Trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu: dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ… hồ hởi vì xuất khẩu sẽ được “mở toang” khi thuế giảm, thì ngành sắt thép đang lo ngay ngáy vì cạnh tranh không nổi với hàng nhập khẩu đổ bộ.


Trước việc cắt giảm thuế quan trong các FTA, ngành thép chỉ còn cách nỗ lực để tồn tại

Theo Bộ Công thương, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu, chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, sản phẩm sắt thép, dây cáp điện… nhập khẩu từ Hàn Quốc theo cam kết VKFTA.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán VKFTA cho biết, theo cam kết mở cửa của Việt Nam, ngành phải chịu sức ép khi mở cửa trước tiên là nhóm các sản phẩm sắt thép.

Chưa cần chờ đến VKFTA có hiệu lực, thép nhập khẩu từ Hàn Quốc hiện đã rất sẵn tại thị trường trong nước. Chỉ riêng quý I/2015, Việt Nam đã nhập khẩu gần 400.000 tấn sắt thép Hàn Quốc, tăng 17,6%, trị giá hơn 400 triệu USD. Nhập khẩu thép từ Hàn Quốc chỉ đứng sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong khi đó, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan (VCUFTA) hiện đã kết thúc đàm phán và chỉ chờ ngày ký kết, với cam kết giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với các mặt hàng thép từ 3 nước trên, được cho là điều khủng khiếp với ngành thép nội địa.

Căn cứ vào nội dung bản chào khi đàm phán Hiệp định VCUFTA, Việt Nam sẽ cắt giảm hơn 167 mã hàng hóa của ngành thép về 0%, trong lộ trình 3-5 năm khi VCUFTA có hiệu lực.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó tổng giám đốc Công ty Thép Bluecope cho rằng, thép xây dựng sẽ là ngành bị ảnh hưởng lớn nhất từ các FTA, do cung trong nước hiện đang lớn hơn cầu. Tiếp sau là ngành tôn thép mạ do sản lượng trong nước cũng đang cao gấp 3 lần nhu cầu.

Cần phải nói thêm, các doanh nghiệp thép của Nga có nhiều lợi thế nên sức cạnh tranh rất lớn. Với tổng sản lượng sản xuất lên tới gần 70 triệu tấn/năm, đứng thứ 5 toàn cầu, sở hữu công nghệ sản xuất hiện đại với 70% sản xuất bằng lò cao, đã có sẵn thị phần 8,1% sản phẩm xuất khẩu vào châu Á và chi phí sản xuất rất cạnh tranh thì chỉ cần VCUFTA được thông qua, thép Nga sẽ nhanh chóng gia tăng tại Việt Nam.

Thép nội sản xuất cầm chừng

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2014, mặc dù ngành thép đã có mức tăng trưởng khá so với năm 2013, nhưng công suất thực tế của không ít doanh nghiệp chỉ đạt 60% so với thiết kế.

Việc không thể chạy 100% công suất thiết kế là do không thể đảm bảo về đầu ra do lượng thép nhập khẩu tăng mạnh tới 11 triệu tấn, tăng 21,7% so với năm 2013.

Trên thực tế, chưa cần chờ đến các FTA đã được ký kết có hiệu lực với cam kết thuế nhập khẩu giảm sâu, thì các doanh nghiệp thép trong nước cũng đang chật vật để cạnh tranh với một lượng lớn thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đại diện Công ty cổ phần Thép Hòa Phát cho hay, hiện thép Trung Quốc là đối thủ chính của các doanh nghiệp thép nói chung, Hòa Phát nói riêng. Bởi lẽ thép Trung Quốc có nhiều con đường cả chính thức lẫn không chính thức để vào Việt Nam.

Nhập khẩu thép các loại về Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2015 tăng mạnh tới 30% về lượng, tăng 12,5% về trị giá, đồng thời, nhập khẩu sản phẩm từ thép cũng tăng 62,3% về trị giá.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho biết, việc khó chạy hết công suất của các doanh nghiệp thép có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả yếu tố chủ quan.

Những năm qua, ngành thép có tốc độ phát triển nóng, cung vượt cầu, khi thị trường ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, tiêu thụ giảm, thì sản lượng đạt thấp là đương nhiên. Ông Dũng lấy dẫn chứng, công suất của mặt hàng thép xây dựng lên tới 11 triệu tấn, trong khi mới tiêu thụ chưa đầy 6 triệu tấn. Tình trạng này cũng là thực tế với hầu hết các chủng loại thép khác.

Trước việc cắt giảm thuế quan trong các FTA, ông Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, việc giảm thuế theo các cam kết hội nhập sớm muộn cũng sẽ xảy ra, ngành thép chỉ còn cách tự nỗ lực để tồn tại.

“Trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ được bảo hộ về thuế trong vài ba năm đầu, mức thuế nhập khẩu chưa phải về mức 0% ngay, đó là khoảng thời gian để các doanh nghiệp tái cơ cấu, chuẩn bị nội lực cạnh tranh. Do đó, các doanh nghiệp phải tận dụng tốt khoảng thời gian này. Những doanh nghiệp nào không bứt phá để phát triển được, thì việc bị đào thải là điều tất yếu và cần thiết để ngành phát triển thật sự trong tương lai”, ông Dũng nhận định.

Theo Thế Hoàng (Báo Đầu Tư)

Thương hiệu vật liệu xây dựng