Amiăng có khả năng gây ung thư
Theo các bằng chứng trên người và thực nghiệm của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tất cả các loại
amiăng được khẳng định là có hại cho sức khỏe và xếp vào nhóm các chất gây ung thư ở người. “Mặc dù có sự khác biệt về mức độ độc hại trong các nghiên cứu của nhiều tác giả được công bố, nhưng kết luận chung là tất cả các loại amiăng, bao gồm cả amiăng trắng đều gây ung thư” và “không có ngưỡng an toàn cho các chất gây ung thư” (Theo Tạp chí chuyên đề số 100C của IARC năm 2012).
Phơi nhiễm với amiăng xảy ra khi hít phải những sợi mảnh chủ yếu từ không khí bị ô nhiễm trong môi trường làm việc, chung quanh trong vùng phụ cận của nguồn hay không khí trong nhà chứa các nguyên vật liệu có sợi amiăng. Báo cáo của WHO cho thấy, amiăng gây gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu. Mỗi năm có khoảng 100 nghìn người chết do các bệnh liên quan đến amiăng. Tuy nhiên, con số này chủ yếu mới chỉ do các nước có hệ thống thống kê tốt cung cấp, trong khi các nước đang phát triển hầu như không có số liệu. Amiăng gây bệnh ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, bụi phổi amiăng, ung thư thực quản, buồng trứng. Thời gian ủ bệnh kéo dài 20 đến 30 năm, sau khi phát bệnh người bệnh thường chỉ kéo dài sự sống được từ sáu đến 12 tháng.
Theo số liệu của Cục Khảo sát địa chất của Mỹ, trong khi các nước phát triển trong Liên minh châu Âu và Bắc Mỹ ngừng sản xuất, sử dụng và mua bán amiăng vì mối nguy hiểm đối với sức khỏe của mình, thì các nước châu Á trở thành mục tiêu tiếp thị của ngành công nghiệp này. Lượng tiêu thụ amiăng tại châu Á từ 47% năm 2000 đã tăng lên 63% vào năm 2012. Trong khi đó, giữa năm 2000 và 2012, số lượng các quốc gia sử dụng cũng giảm 53% và số lượng các quốc gia cấm sử dụng đã tăng gấp ba lần, từ 18 nước lên 54 nước.
Tại Việt Nam, amiăng hầu hết được nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu từ Nga (85%), Mỹ, Trung Quốc,… Trong khoảng 10 năm nay, Việt Nam luôn đứng trong số 10 nước tiêu thụ amiăng nhiều nhất thế giới, trung bình mỗi năm nhập khẩu khoảng 50 nghìn đến 60 nghìn tấn. Trong đó năm 2012, Việt Nam nhập gần 79 nghìn tấn, xếp thứ sáu trong số các nước nhập khẩu amiăng nhiều nhất của thế giới, chiếm 63% lượng tiêu thụ toàn cầu.
Khuyến cáo ngừng sử dụng amiăng
Tại Hội thảo khoa học “An toàn lao động, An toàn môi sinh và Sức khỏe cộng đồng - Thông điệp gửi tới Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV” diễn ra ngày 15/10 ở Hà Nội, đề cập vấn đề về các bệnh liên quan đến amiăng, ông Trần Anh Thành, Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) cảnh báo: Người lao động làm việc tiếp xúc với tấm lợp tại các nhà máy; hoặc tiếp xúc với má phanh ở các cơ sở sửa chữa ô-tô, xe máy dễ mắc bệnh về phổi cũng như ung thư. Không ít người lao động không được cảnh báo thì không biết, bởi sau khoảng chục năm tiếp xúc với amiăng thì mới phát bệnh. Người dân sống chung quanh khu vực sản xuất sẽ chịu tác động gián tiếp, bị phơi nhiễm do hít bụi trong không khí, nguồn nước… Về mặt kinh tế, ông Thành cho rằng, số tiền phải chi cho y tế, môi trường để khắc phục hậu quả của amiăng sẽ gấp nhiều lần so với giá trị kinh tế mà nó mang lại. Thí dụ, theo một thống kê của WHO, năm 2008 giá trị kinh tế sản xuất amiăng mang lại là 802 triệu USD, trong khi chi phí điều trị bệnh do amiăng là 2,4 tỷ USD (gấp ba lần). Vì vậy, chấm dứt sử dụng là biện pháp hiệu quả nhất để dự phòng các bệnh liên quan đến amiăng.
Theo TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, mặc dù bệnh bụi phổi amiăng đã được đưa vào danh sách bệnh nghề nghiệp nhà nước bồi thường từ năm 1976, nhưng vì nhiều lý do, cho đến nay mới có ba trường hợp được công nhận là mắc bệnh này. Một kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế giai đoạn 2010-2011 tại 117 trường hợp bị chết cho thấy: Có 29 trường hợp (24,79%) được xác định là ung thư màng phổi; 52 trường hợp bị bệnh liên quan đến phổi và 36 trường hợp do các bệnh khác. Điều đáng lo ngại là người lao động tại phần lớn các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp có sử dụng amiăng có tuổi nghề rất trẻ, dưới 15 năm, trong khi thời gian ủ bệnh của bệnh do amiăng từ 15 năm trở lên và người lao động tại các cơ sở sản xuất nhỏ chủ yếu là lao động thời vụ nên ít có điều kiện kiểm tra sức khỏe.
Thực tế, tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22-8-2014 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất amiăng trắng, thực hiện chuyển đổi dần việc sử dụng các loại sợi thay thế và xây dựng lộ trình giảm dần tiến tới chấm dứt việc sử dụng sợi amiăng trắng trong sản xuất vật liệu lợp, đáp ứng các tiêu chí an toàn về vệ sinh, môi trường. Các chuyên gia cho rằng, phải nghiêm túc thực hiện đúng lộ trình này, theo hướng giảm ngay nhập khẩu amiăng và có những động thái, chính sách mạnh bạo, quyết liệt hơn.
Theo ông Trần Anh Thành, hiện nay khi chưa thể chấm dứt sử dụng amiăng, để phòng tránh tác hại của nó đối với sức khỏe, người dân nên tránh làm vỡ các vật liệu chứa amiăng gây phát tán bụi amiăng như làm đường, đổ móng nhà; xếp gọn gàng các vật liệu thải vào nơi an toàn, tránh mọi hình thức phát tán bụi ra môi trường và thông báo với cơ quan hữu quan để xử lý. Nếu sống gần các nhà máy sản xuất các vật liệu chứa amiăng, khi có các biểu hiện bệnh đường hô hấp, người dân cần đi khám để kiểm tra và điều trị kịp thời. Người lao động cần sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân đúng quy định, khám sức khỏe định kỳ.
Amiăng là nguyên liệu dùng để sản xuất các sản phẩm từ tấm lợp, ống thoát nước, vách ngăn cách nhiệt, vỏ bọc cho các thiết bị chịu nhiệt độ cao, má phanh. Hầu hết lượng amiăng tại Việt Nam được sử dụng trong sản xuất tấm lợp phi-prô xi-măng, còn lại được phối trộn trong sản xuất má phanh xe hạng nặng, vật liệu bảo ôn cho lò hơi, đường ống dẫn hơi nước. Amiăng mầu đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước trên thế giới và không còn lưu thông từ cách đây 20 năm. Amiăng trắng là loại sợi amiăng duy nhất còn tiêu thụ thương mại trên thị trường hiện nay.
|