Chỉ giảm chứ không thể loại bỏ
Mới đây, trên một số mạng xã hội đã đưa ra cảnh báo bóng đèn compact tiết kiệm điện chứa thủy ngân có thể gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng. Thực hư vấn đề này như thế nào?
Thủy ngân là một nguyên tố kim loại có dạng lỏng ở nhiệt độ thường, bốc hơi dễ dàng vào không khí, ngay cả ở nhiệt độ phòng, để tạo thành hơi (khí) thủy ngân. Thủy ngân có tính dẫn nhiệt kém nhưng dẫn điện tốt và là một chất độc.
Theo GS. TS. Phan Hồng Khôi, nguyên Viện trưởng Viện khoa học vật liệu hiện đại, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bóng đèn huỳnh quang, compact đều có chứa chất thủy ngân. Nó ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường nên hiện người ta đang cố gắng giảm lượng thủy ngân xuống. Vừa qua, Quỹ Môi trường toàn cầu và Liên hợp quốc đầu tư, hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện chương trình loại bỏ bóng đèn sợi đốt để thay thế những đèn tiết kiệm năng lượng.
“Chương trình hỗ trợ làm thế nào giảm được lượng thủy ngân có trong đèn huỳnh quang. Thế giới người ta làm được dưới 10 miligam/đèn, nhưng ở Việt Nam lượng đó vẫn còn tương đối cao nên cần giảm lượng đó xuống. Đây cũng là chiến lược của thế giới và Việt Nam đang quan tâm và áp dụng”, GS Khôi chia sẻ.
Đèn compact thực chất là một biến thể của đèn huỳnh quang ống dài (đèn tuýp) với cơ chế hoạt động dòng điện đi qua đèn sẽ kích thích thủy ngân phát ra tia tử ngoại. Tia tử ngoại sẽ kích thích bột huỳnh quang tráng ở thành ống để phát ra ánh sáng nhìn thấy được. GS Khôi nói: “Do đó, bắt buộc phải có thủy ngân trong đó, nên chỉ giảm chứ không thể loại bỏ”.
Sản xuất bóng đèn Compact tại Công ty Rạng Đông
Ông Đỗ Hải Triều, Phó Phòng Thị trường, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông xác nhận, những bóng đèn trong môi trường áp suất thấp (compact và huỳnh quanh) đều có chứa thủy ngân. Ông Triều cho biết, công nghệ sản xuất bóng đèn từ trước đến giờ là sử dụng thủy ngân dạng lỏng nên hàm lượng thủy ngân có thể gây ra những ảnh hưởng không mong muốn khi bị vỡ.
Với Rạng Đông, những năm gần đây, công ty đã chuyển sang công nghệ dùng amalgam (thủy ngân dạng rắn) được bọc kẽm bên ngoài thay cho thủy ngân dạng lỏng, nhờ vậy, có thể hạn chế được tối đa những tác hại này, đồng thời có thể thu gom và tái chế sản phẩm.
“Hiện tại, các loại bóng đèn như bóng đèn compact, huỳnh quang thì 100% sử dụng viên amalgan. Trừ các loại bóng rẻ, hàng nhái, kém chất lượng nhập từ trung quốc hoặc nơi nào đó thì vẫn sử dụng thủy ngân dạng lỏng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến con người nếu bóng bị vỡ”, ông Triều nói.
Công nghệ mới giúp giảm thiểu nguy hại
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại bóng đèn và không phải loại nào cũng có chứa chất thủy ngân. Bóng đèn led loại mới dùng mạch bán dẫn không sử dụng chất thủy ngân như trước nên an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường.
Còn với bóng đèn compact và huỳnh quang là những loại đèn có chứa chất thủy ngân. Theo ông Triều, với công nghệ ngày trước sử dụng thủy ngân dạng lỏng, khi bóng đèn bị vỡ, một lượng nhỏ thủy ngân có thể tràn ra ngoài, phân tách thành những hạt nhỏ và cũng có thể thể lăn ra xa hoặc bốc hơi. Nếu như vậy sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường. Còn với công nghệ và bước cải tiến khi sử dụng viên amalgam như hiện nay của Rạng Đông khi bóng đèn vỡ, thủy ngân rơi ra ngoài cũng sẽ không có ảnh hưởng gì cho người sử dụng, vì viên thủy ngân này đã ở rạng rắn và còn được bọc một lớp kẽm bên ngoài.
GS. TS. Phan Hồng Khôi xác nhận: “Thủy ngân là chất độc hại nên không có mức nào là mức an toàn cho việc sử dụng thủy ngân, giảm càng nhiều thì càng tốt. Chỉ khi bóng đèn bị vỡ, thủy ngân ra ngoài môi trường mới ảnh hưởng tới sức khỏe. Mức độ như thế nào thì còn tùy thuộc vào việc tiếp xúc ra sao và thường với số lượng lớn mới ảnh hưởng trầm trọng ngay tức thì tới cơ thể. Còn khi nó trong bóng đèn, đang tồn tại trong môi trường chân không thì ta vẫn sử dụng bình thường và đảm bảo an toàn…”
Mặc dù thủy ngân độc, song thủy ngân thường chỉ gây ra vấn đề nếu hít phải một lượng lớn. Khi đó, thủy ngân có thể được hấp thụ vào máu và gây các triệu chứng như: run, bị mất ngủ, mệt mỏi cơ bắp, và chứng nhức đầu. Nếu tiếp xúc ở liều lượng cao hoặc tiếp xúc lâu dài có thể dẫn đến chứng đần độn, thay đổi nhân cách, điếc, mất trí nhớ, thậm chí là hủy hoại nhiễm sắc thể; các tế bào thần kinh, não, và thận cũng sẽ bị hủy hoại nặng. Chất thủy ngân độc hại này còn ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh của bào thai và trẻ em.
GS.TS. Phan Hồng Khôi đưa ra lời khuyên: Tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp với hiện trường các mảnh vỡ; mở cửa sổ và nên rời khỏi phòng ít nhất 15 phút; đeo khẩu trang, đi giày dép, găng tay và dùng các dụng cụ vệ sinh thu dọn ngay sản phẩm bị vỡ vào trong túi nilon; bọc kín túi nilon cho vào thùng rác phân loại; làm sạch phần diện tích tiếp xúc với các mảnh vỡ bằng giẻ ướt; thay quần áo và cho quần áo dính bẩn vào túi dán kín. Các hạt thủy ngân hạt phản chiếu ánh sáng, vì vậy có thể sử dụng ánh lửa để tìm những hạt khó phát hiện
Thủy ngân đổ lên bề mặt thấm hút, như thảm và nệm, có thể khó dọn sạch. Trong những trường hợp này, nên liên lạc với cơ quan y tế môi trường địa phương. Những khu vực bị ảnh hưởng có thể cần phải dọn dẹp và xử lý đặc biệt.
Được biết, Quỹ Môi trường toàn cầu và Liên hợp quốc hiện đang hỗ trợ cho Việt Nam thu hồi những đèn hư hỏng, tránh lan tỏa thủy ngân ra ngoài môi trường sẽ ảnh hưởng về lâu dài.
Theo Báo Pháp luật