Ông Tống Văn Nga - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tich Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam - đánh giá kết quả cuộc đấu giá cát xuyên đêm tại tỉnh Quảng Nam là "phi lý" khi tính ra mỗi mét khối cát lên đến 2,3 triệu đồng.
Ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam - đề nghị xử lý mạnh tay với tình trạng doanh nghiệp kích giá vật liệu xây dựng - Ảnh: B.D.
Ông Tống Văn Nga đã bày tỏ sức bức xúc trước những tác động tiêu cực của những cuộc đấu giá cát xảy ra gần đây tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là phiên đấu giá mỏ cát ĐB2B tại xã Điện Thọ (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) kết thúc vào rạng sáng 19/10 với kết quả trúng 370 tỉ đồng cho mỏ cát 159.000m³
Cần chặn đứng kích giá trong đấu giá cát
Ông Nga đánh giá kết quả cuộc đấu giá này là "phi lý" khi tính ra mỗi mét khối cát lên đến 2,3 triệu đồng, đây là mức giá quá cao, vượt rất nhiều lần mức giá cát trung bình trên thị trường.
Từng đảm nhiệm chủ tịch hội bê tông Việt Nam, ông Nga phân tích giá bê tông loại có giá bán cao cũng chỉ ở mức 1,6-1,8 triệu đồng/m³, còn những loại khác có giá trung bình rẻ hơn nhiều. Nếu tính chi phí giá cát 2,3 triệu đồng/m³ như thế đã thấy sự vô lý về mặt giá.
Chưa kể giá trúng như vậy chỉ mới là bước đầu về đấu quyền khai thác cát, còn để vào thực tế thì doanh nghiệp phải nộp các loại thuế, phí khác từ thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp… nên chi phí trên mỗi mét khối cát sẽ còn đội lên nhiều so với con số 2,3 triệu đồng/m³.
Ông Nga cảnh báo đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng kết quả đấu giá cát cao bất thường tại một địa phương mà trước đó ở nhiều tỉnh, thành cũng đã có tình trạng đấu giá cát cao rồi bỏ cọc.
"Chính phủ phải đánh giá lại những cuộc đấu giá này, không cho làm cái kiểu kích giá, cần phải có sự kiểm soát, đồng thời phải xử lý những doanh nghiệp vi phạm trong đấu giá, thổi giá gây nhiễu loạn thị trường", ông Nga khẳng định.
Theo ông Nga, đã đến lúc cần xem lại các quy định, hành lang pháp lý để quy định rõ những đối tượng được quyền khai thác mỏ cát để tránh tình trạng trục lợi trong đấu giá, khai thác khoáng sản. Trong đó, ông Nga cho hay Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam sẽ có những góp ý đối với dự thảo Luật Địa chất khoáng sản đang được lấy ý kiến.
Kết quả đấu giá là "trên mây"
Tổng giám đốc một nhà thầu xây dựng tại TP.HCM cho biết tổng hợp những cuộc đấu giá khai thác cát xảy ra trong năm qua với mức bỏ giá cao bất thường sau đó bỏ cọc, cho thấy những cuộc đấu giá này có dấu hiệu đẩy giá vật liệu xây dựng lên cao để trục lợi.
Theo vị này, cát chỉ là nguyên liệu đầu vào cho ngành bê tông, nếu kích giá cát tăng lên cao sẽ gây khó khăn cho ngành xây dựng khi chi phí xây dựng cũng đội lên.
"Mức trúng đấu giá cát tại Quảng Nam vừa qua là không chấp nhận được, trên thị trường không thể có loại cát xây dựng nào mà lên đến bạc triệu mỗi mét khối như thế, ngay như thị trường TP.HCM giá cát chỉ vài trăm ngàn/m³ thì tại Quảng Nam giá đó chưa bao gồm các chi phí khai thác thì quả thật là trên mây", vị này nói.
Sau thông tin cuộc đấu giá gây xôn xao dư luận, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo tạm dừng công nhận kết quả đấu giá, làm rõ dấu hiệu trục lợi. Trong ngày 19/10, nhiều cơ quan như Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam, Công an tỉnh, Sở Xây dựng, UBND thị xã Điện Bàn... đã vào cuộc xác minh vụ đấu giá mỏ cát nhiều bất thường theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh.
Nguồn: Tuoitre