DOITHUONG247 - CỔNG THÔNG TIN TRÒ CHƠI ĐỔI THƯỞNG

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Thị trường VLXD

Làm gì để kích thích sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng?

06/09/2012 - 10:43 SA

8 tháng đầu năm 2012, tình hình sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng (VLXD) gặp nhiều khó khăn, lượng hàng tồn kho cao. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, cá biệt có mặt hàng tồn kho tới trên 50% đã khiến cho nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này rơi vào tình cảnh “sống dở, chết dở”...
Khó khăn chung của ngành VLXD

Theo báo cáo của các đơn vị sản xuất kinh doanh VLXD, năm 2011, đặc biệt là 8 tháng đầu năm 2012, ngành sản xuất VLXD gặp rất nhiều khó khăn: giá cả nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng; chi phí vốn cao; tiêu thụ sản phẩm chậm; lượng tồn kho tăng; nhiều nhà máy, nhiều dây chuyền phải dừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng; trong đó khó khăn nhất là các lĩnh vực sản xuất gạch ốp lát và sứ vệ sinh, kính xây dựng. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là do nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn như lạm phát cao, cắt giảm đầu tư công, tín dụng thắt chặt, sức mua giảm, thị trường bất động sản trầm lắng...



Một thực tế ai cũng nhìn ra là sản xuất và tiêu thụ đều giảm, lượng hàng tồn kho tăng cao... là những khó khăn đang cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp ngành nghề vật liệu xây dựng. Nếu không kịp có các giải pháp trợ giúp, số lượng doanh nghiệp phá sản sẽ không ngừng tăng trong thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXD hoạt động cầm chừng, không phát huy hết công suất, sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt thấp, lượng hàng tồn kho lớn và kinh doanh không hiệu quả. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2012, xi măng tồn kho gần 3 triệu tấn.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và có Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, đồng thời hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh..., nhưng đến nay, thị trường đầu ra cho các loại sản phẩm gạch bê tông khí chưng áp còn rất hạn chế.

Trên cả nước hiện có 9 nhà máy sản xuất bê tông khí chưng áp với công suất 1,5 triệu m2/năm. Từ đầu năm 2012 đến nay, chỉ có 2 nhà máy duy trì sản xuất một cách cầm chừng, 7 nhà máy còn lại phải dừng sản xuất vì không có thị trường tiêu thụ. Lượng hàng tồn kho hiện trên 1 tỷ viên gạch quy chuẩn.

Điểm qua tình hình hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thuộc quản lý của Bộ Xây dựng cũng thấy, do lượng hàng tồn kho quá lớn, nhiều đơn vị đã phải giảm công suất khai thác để tránh thua lỗ thêm. Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Nhà máy cán thép sông Hồng và một số nhà máy thuộc Tập đoàn sông Đà đã phải dừng từ 1 đến 2 dây chuyền khai thác; Nhà máy gạch ốp lát Hà Nội, Nhà máy granite Tiên Sơn, Nhà máy gạch men Thăng Long, Nhà máy sứ Bình Dương, Thanh Trì, Việt Trì... đã phải dừng sản xuất toàn bộ từ 1,5 đến 3 tháng để tập trung tiêu thụ hàng tồn; Nhà máy kính Đáp Cầu cũng phải dừng dây chuyền sản xuất 8 triệu m2 kính xây dựng/năm.

Như vậy, việc ngừng hoạt động hoặc giảm công suất khai thác do tồn kho lớn còn ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng thanh toán nợ đối với các tổ chức tín dụng, gia tăng tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn của các doanh nghiệp VLXD. Vì thế trong năm 2012, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, về cơ bản không triển khai đầu tư mới, kể cả những dự án được coi là rất cần thiết như sản xuất kính tiết kiệm năng lượng, vật liệu xây không nung... Các dự án xi măng như Mỹ Đức, Hà Tiên 2-2 đều phải giãn tiến độ đầu tư.

Kích cầu và hỗ trợ sản xuất

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD, các hội, hiệp hội và các doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng có giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, vì thị trường bất động sản là đầu ra của các ngành sản xuất VLXD, xúc tiến các dự án làm đường bê tông xi măng, có chính sách khuyến khích cũng như bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung, kính an toàn trong các tòa nhà cao tầng, sử dụng VLXD sản xuất trong nước đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc nguồn vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước, sử dụng các công cụ thuế để hạn chế nhập các sản phẩm VLXD trong nước đã sản xuất được, giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD...

Thực tế, trong thời gian khó khăn qua, bản thân các hội, hiệp hội ngành hàng VLXD đã chủ động, tích cực trong việc giúp cho ngành sản xuất VLXD ứng phó kịp thời, giảm thiểu tác động của suy giảm kinh tế.

Cùng với nỗ lực của Chính phủ, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành Trung ương đã và đang có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, trong đó có những chính sách quyết liệt nhằm kiềm chế lạm phát, hạ lãi suất cho vay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, bước đầu đã tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần hết sức chủ động tái cấu trúc, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, khắc phục các khó khăn; tiết giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm; tăng cường quảng bá, tiếp thị và vận dụng các lợi thế cạnh tranh để mở rộng thị trường; cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm để hướng tới xuất khẩu.

Theo Đảng Cộng sản Việt Nam

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng