Một số chuyên gia nhận định: Năm 2011, Việt Nam đặt mục tiêu tăng
trưởng GDP từ 7 - 7,5% có nghĩa là tiếp tục có nhiều công trình đầu tư
lớn sẽ được triển khai như các công trình đầu tư về xây dựng hạ tầng cơ
sở, công trình dân dụng, các công trình công nghiệp... Do vậy, với vai
trò là vật liệu xương sống trong xây dựng, sản xuất và tiêu thụ thép
chắc chắn sẽ phải tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng cho dù
ngành tiếp tục phải đối mặt với những tác động bất lợi cả từ bên trong
lẫn bên ngoài. Tính toán của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy năm 2011,
sản lượng thép tiêu thụ sẽ tăng từ 8 - 10% so với năm 2010. Với năng lực
thép xây dựng cả nước hiện đã đạt 7,83 triệu tấn/năm, sản xuất và tiêu
thụ thép năm 2011 sẽ ở mức khoảng 6 triệu tấn.
Để đáp ứng nhu cầu phôi thép cho sản xuất trong điều kiện Việt Nam đã
chủ động được khoảng 6 triệu tấn phôi, sản lượng phôi thép nhập khẩu năm
2011 sẽ dao động quanh 2 triệu tấn. Tuy nhiên, nếu tình hình cung cấp
điện trong năm không đảm bảo, việc luyện phôi thép vốn “ngốn” điện nhiều
gấp 5 lần gia công thép (khoảng 500 - 600 KWh/tấn phôi) sẽ bị sụt giảm
sản lượng. Khi đó, các doanh nghiệp thép buộc phải nhập khẩu thêm phôi
thép để đáp ứng nhu cầu thép trong nước.
Để cạnh tranh với thép giá rẻ vẫn còn nhập ồ ạt vào Việt Nam, nhiều
chuyên gia cho rằng doanh nghiệp thép trong nước cần điều chỉnh giá bán
hợp lý hơn, không tăng giá cao bất thường. Hiện nay, hai nguyên liệu cơ
bản của sản xuất thép là than mỡ và quặng sắt trên thế giới đã tăng rất
cao ngay từ cuối tháng 12/2010 do chính sách hạn chế xuất khẩu của các
nước độc quyền về quặng và than mỡ như Brazil, Australia, Mỹ, Ấn Độ và
Trung Quốc. Vì vậy, với giá nguyên liệu đầu vào tăng như vậy, giá thép
trong nước sẽ không tránh khỏi việc tăng giá so với năm 2010. Ngoài ra,
giá thép phế thế giới cũng đã tăng thêm 100 USD/tấn từ tháng 1/1/2011.
Do đó, bên cạnh chi phí đầu vào tăng, giá thành sản xuất thép trong nước
chắc chắn sẽ còn biến động bởi các yếu tố khác như tỷ giá USD/VNĐ, lãi
suất vay vốn ngân hàng quá cao, giá điện sẽ được điều chỉnh tăng trong
năm 2011.
Đánh giá về sản lượng thép, các chuyên gia nhận định, ngành thép đang
trong giai đoạn cung vượt xa cầu nên nhiều doanh nghiệp đang tập trung
đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước lân cận như Campuchia và Lào. Nếu những
năm trước, mỗi năm Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 300.000 tấn, xuất khẩu
thép của Việt Nam trong năm 2010 đạt đến 1 triệu tấn với tổng kim ngạch
trên 1 tỷ đô la Mỹ, chủ yếu là thép xây dựng và thép cán nguội sang
Lào, Campuchia và một lượng lớn xuất khẩu là thép tái xuất. Ngoài ra,
kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam năm nay tăng cao đột biến là có sự
đóng góp đến 40% của Cty Thép Posco tại BR-VT khi nhà máy thép Posco đi
vào hoạt động từ tháng 10/2009 với công suất 1,2 triệu tấn/năm.
Trao đổi về vấn đề này, Phó tổng giám đốc Tập đoàn thép Vnsteel Lê Vũ
Hưng cho biết: Vnsteel sẽ tiếp tục giữ vững và mở rộng thị phần trong
nước, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thép cán cũng như đưa các dự án
sản xuất vào hoạt động đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo
đó, năm 2011, toàn Vnsteel sẽ sản xuất khoảng 2,9 triệu tấn thép các
loại, 1,25 triệu tấn phôi và tiêu thụ khoảng 2,9 triệu tấn thép cán.
Chuẩn bị có Sàn giao dịch điện tử thép
Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011 vừa được TCty Thép Việt Nam công bố tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2010 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2011. Nhìn lại năm 2010, ngành Thép phải đối mặt với không ít khó khăn do giá nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thép tiếp tục biến động thất thường, cạnh tranh giữa các nhà sản xuất thép trong nước và thép nhập khẩu ngày càng quyết liệt, cùng với việc tăng lãi suất cơ bản và tỷ giá USD/VNĐ đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của TCty. Tuy nhiên, TCty Thép Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành vượt mức kế hoạch hoạt động SXKD năm 2010. Năm 2011, toàn hệ thống TCty Thép Việt Nam phấn đấu đạt các chỉ tiêu sau: tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 14.201,9 tỷ đồng; tổng sản lượng thép cán đạt 2,908 triệu tấn; tổng sản lượng phôi thép đạt 1,251 triệu tấn; tổng sản lượng sau cán đạt 342.800 tấn; tổng tiêu thụ thép cán đạt 2,908 triệu tấn; lợi nhuận phấn đấu cao hơn hoặc bằng so với năm 2010
Nhằm củng cố và phát triển hệ thống phân phối của TCty đã quyết định xây dựng Sàn giao dịch điện tử thép. |
Theo: Báo xây dựng