DOITHUONG247 - CỔNG THÔNG TIN TRÒ CHƠI ĐỔI THƯỞNG

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Tin trong nước

Xi măng Cẩm Phả lỗ nặng

08/05/2012 - 01:39 CH

Hiện VINACONEX đang sở hữu 99,6% vốn tại Cty CP Xi măng Cẩm Phả (CPC), tương đương với khoảng 1.990 tỷ đồng. Vì vậy, hoạt động kinh doanh của CPC ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của Cty mẹ VINACONEX. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc CPC về cơ cấu tổ chức, nhân sự, tổ chức sản xuất, tài chính và chủ trương thoái một phần vốn của TCty tại CPC cho các đối tác trong và ngoài nước gặp khá nhiều khó khăn.
Trong năm 2011, hoạt động sản xuất kinh doanh của CPC đã có sự chuyển biến, giảm lỗ 166 tỷ đồng so với năm 2010 (lỗ năm 2010 là 652 tỷ đồng) dù chi phí tài chính năm 2011 cao hơn so với năm 2010 là 155 tỷ đồng. Tuy nhiên các chỉ tiêu kinh tế cơ bản như lợi nhuận sau thuế và Ebitda (lợi nhuận chưa bao gồm khấu hao, chi phí tài chính và thuế thu nhập DN) vẫn thấp hơn các DN mạnh trong ngành xi măng. Về sản xuất, công đoạn nghiền xi măng có thể đạt và vượt 100% công suất thiết kế nhưng việc sản xuất clinker (nung) vẫn chưa đạt công suất thiết kế; công tác tiêu thụ tại chi nhánh phía Nam đạt thấp.

Sau 3 năm hoạt động, CPC đã bị lỗ hơn 1.259 tỷ đồng (tính đến hết năm 2011), vượt so với báo cáo nghiên cứu khả thi hơn 670,9 tỷ đồng (chưa kể khoản lỗ chênh lệch tỷ giá là 304,5 tỷ đồng). Chỉ tính riêng năm 2011, khoản lỗ từ xi măng Cẩm Phả là 486,1 tỷ đồng, đã làm ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận hợp nhất của Cty mẹ.

Theo ông Đặng Thanh Huấn - Trưởng ban kiểm soát VINACONEX, nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh chưa cao là do thị trường xi măng tại Việt Nam cung đã vượt cầu; chi phí nguyên vật liệu, than, điện và lãi vay tăng rất cao trong năm 2011; CPC lại vẫn trong giai đoạn thâm nhập thị trường. Khi tính toán đầu tư, dự kiến lãi vay chỉ là 12%/năm, nhưng trong năm 2011 lãi suất vay dài hạn của CPC là 18%, vốn vay lưu động là 21%. Theo tính toán sơ bộ, riêng tiền lãi vay mỗi năm CPC đã phải trả 500 tỷ đồng, trong khi thị trường xi măng đang có sự cạnh tranh rất gay gắt. Do cung vượt cầu, CPC mới hoạt động phải cạnh tranh quyết liệt với Vicem, Nghi Sơn, Chinfon nên chi phí bán hàng rất cao mới trụ lại được khiến cho Cty càng thêm khó khăn.

Tập trung tái cấu trúc CPC trong năm 2012

Do thiếu kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực xi măng, công suất nhà máy lại lớn (2,3 triệu tấn/năm), công nghệ hiện đại nên CPC gặp khá nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Vì vậy việc tái cấu trúc thành công CPC sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm gánh nặng tài chính đối với VINACONEX.

Để giảm bớt chi phí lập dự phòng sẽ phát sinh trong năm 2012, trong quý IV/2011 Cty mẹ VINACONEX đã trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính hơn 586 tỷ đồng cho các khoản đầu tư tài chính vào CPC. Điều này sẽ khiến kết quả hoạt động kinh doanh của Cty mẹ tiếp tục bị ảnh hưởng lớn bởi các khoản trích dự phòng cho khoản đầu tư tài chính vào CPC.

Ông Nguyễn Thành Phương - Chủ tịch HĐQT VINACONEX cho biết, để đẩy mạnh việc tái cấu trúc DN, HĐQT TCty đã ra nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng để hoàn thành việc tái cấu trúc DN vào năm 2015. Tuy nhiên, do điều kiện thị trường kinh tế nhiều khó khăn, nên việc tìm kiếm đối tác để tái cấu trúc CPC nhiều khả năng chưa thực hiện được trong năm 2012.

Trước đó, VINACONEX cũng đã tập trung việc tái cấu trúc phần vốn tại CPC, nhưng do ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô thế giới và Việt Nam nên các nhà đầu tư khó khăn trong việc huy động vốn cho việc đầu tư mua cổ phần của CPC; ngoài ra việc thoái vốn gặp khó khăn do những quy định ngặt nghèo liên quan đến dự án và thủ tục pháp lý khi VINACONEX thực hiện thoái vốn. Theo hợp đồng sử dụng vốn vay CPC ký với các ngân hàng thì khi VINACONEX thoái vốn phải có ý kiến của các ngân hàng nước ngoài (nếu bán cho nước ngoài), nhưng trong 2 năm qua, VINACONEX mới được sự đồng ý của 2 ngân hàng nước ngoài, còn Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) vẫn chưa có ý kiến. Hơn nữa, nếu các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua 51% cổ phần của CPC thì phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, nếu không sẽ phạm luật, vì luật pháp Việt Nam chỉ cho phía nước ngoài sở hữu tối đa đến 49%.

Theo baoxaydung

Thương hiệu vật liệu xây dựng