DOITHUONG247 - CỔNG THÔNG TIN TRÒ CHƠI ĐỔI THƯỞNG

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Tin trong nước

Hàng hóa, dịch vụ bắt đầu tăng theo giá xăng dầu

09/03/2012 - 08:04 CH

Khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, nhiều mặt hàng, dịch vụ trên thị trường đã đẩy giá lên và mức tăng dự kiến còn cao hơn cả tỷ lệ giá tăng của xăng dầu.
Từ ngày 7/3 vừa qua, giá các mặt hàng xăng dầu đồng loạt tăng giá, trong đó xăng A92 tăng 2.100 đồng/lít. Đây là lần tăng giá xăng đầu tiên của năm 2012 và mức tăng được xem là “khủng” nhất từ trước đến nay.

Tại TP.HCM, người tiêu dùng không bất ngờ trong đợt tăng giá xăng dầu lần này vì hầu như ai cũng biết trước, trong đó có nhiều DN bán lẻ xăng dầu đã tạm đóng cửa không bán nhưng lại khá bất ngờ vì mức tăng quá cao và âu lo vì sẽ có một đợt tăng giá mới trên thị trường hàng hóa, dịch vụ.

Sau một đêm giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, sáng ngày 8-3, nhiều  mặt hàng, dịch vụ đã áp dụng giá mới với mức tăng từ 10-15% so với ngày trước đó. Một tô mì quảng ở đường Lê Công Định, quận Tân Phú giá 22.000 đồng, sau khi giá xăng tăng 2.100 đồng/lít đã tăng lên 25.000 đồng/tô.  Một cuốc xe ôm từ trung tâm quận Tân Phú đến trung tâm Sài Gòn giá 50.000 đồng/lượt, nay tăng thêm 10.000 đồng/ lượt. Bác xe ôm giải thích “ Lấy thêm 10.000 đồng tiền xăng chứ tôi có ăn đâu?!” .

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam(VSA), để sản xuất 1 tấn thép nhà  máy tiêu tốn 35- 40 kg dầu, như vậy giá xăng tăng, mỗi tấn thép xuất xưởng phải cộng thêm ít nhất từ 50.000 - 75.000 đồng. Thống kê từ VSA cho thấy, lượng thép tiêu thụ trong tháng 2/2012 chỉ đạt 360.000 tấn, thấp hơn so với mức bình quân 400.000- 420.000 tấn/tháng trước đây. Lượng thép tồn kho của ngành thép hiện còn khoảng 350.000 tấn, chưa kể 560.000 tấn phôi thép chuẩn bị sản xuất cho tháng tới, việc tăng giá xăng dầu sẽ càng tạo thêm áp lực lớn cho ngành thép trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Xăng dầu tăng giá, các dịch vụ tiêu hao nhiều xăng dầu mức tăng sẽ còn cao hơn. Ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc Công ty Taxi Vinasun, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP. HCM cho biết, mới đây các hãng taxi đã thống nhất tăng giá cước taxi hơn 1.500 đồng/km do chi phí đầu vào tăng mạnh, nay giá xăng tăng buộc các hãng taxi phải điều chỉnh tăng giá. Theo ông Hỷ, khi giá xăng tăng 2.100 đồng/lít thì giá taxi phải tăng tương ứng 1.000 đồng/km, tuy nhiên, việc tăng giá cước taxi là bao nhiêu thì Hiệp hội Taxi TP.HCM sẽ có văn bản tới các cơ quan chức năng xin phép tăng giá cước.

Ông Nguyễn Hoài An, chủ doanh nghiệp vận tải tư nhân chuyên vận chuyển hàng đông lạnh từ Nam ra Bắc cho biết, khi xăng tăng 2.100 đồng/lít, chi phí vận tải Nam-Bắc phải cộng thêm trên dưới 1 triệu đồng/lượt. “Việc tăng giá vận tải là chuyện bất khả kháng vì không tăng doanh nghiệp sẽ lỗ nặng”- ông An nói.

Vé xe khách tuyến TP.HCM đi các tỉnh cũng đã bắt đầu tăng giá. Xe khách TP.HCM đi Phương Lâm (Đồng Nai) khoảng cách 125 km giá cũ là 100.000 đồng/ lượt, nay tăng thêm 15.000 đồng tiền vé, tức 115.000 đồng/lượt. Ông Lữ Nguyên Phương, chủ hãng xe khách chạy tuyến ngắn TP.HCM đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ cho biết, sau Tết, dịch vụ vận tải hành khách đang dự trù tăng thêm giá vé nhưng nhà xe ráng chịu đựng chưa đưa ra giá mới, nay phải tăng ít nhất 10% giá vé để bù vào tiền xăng.

Khi giá nhiên liệu tăng cao hệ quả tất yếu sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Thị trường hàng hóa, dịch vụ lại có xu hướng thiết lập mặt bằng giá mới theo chiều hướng tăng. Tuy nhiên, điều đáng phải quan tâm lúc này là việc nhiều mặt hàng, dịch vụ đã lợi dụng chuyện tăng giá xăng dầu để đẩy giá hàng hóa, dịch vụ lên cao một cách bất hợp lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Để chống tình trạng  “té nước theo mưa” trong việc lấy quá giá, đầu cơ từ việc nhiên liệu tăng giá, người tiêu dùng hy vọng các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra kiểm soát và xử lý mạnh đối với những đối tượng vi phạm.

Theo baocongthuong

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng