>> Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP
Gây chia rẽ và rắc rối cho thế giớiTrước hết, xét trên khuôn khổ tự do hóa thương mại trên phạm vi toàn thế giới, TPP đem đến sự chia rẽ bởi nó đã gây phân tán nguồn lực và sự chú ý khỏi Vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – vốn vẫn bế tắc từ hơn 10 năm qua. Với việc 12 thành viên TPP cùng nhau đạt được nhiều thỏa thuận thương mại và phi thương mại sâu, rộng, TPP có thể trở thành đòn đánh cuối cùng, phá vỡ nền tảng của một hệ thống thương mại thế giới vốn đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bảy thập kỷ qua.
TPP cũng đã tạo ra sự chia rẽ giữa các nước đã gia nhập hiệp định này với các nước chưa tham gia.
Trong nội bộ 12 nước thành viên, TPP có thể sẽ làm nảy sinh các cuộc tranh luận dữ dội giữa các đảng phái và tăng thêm chia rẽ xã hội vốn đang hiện hữu tại một số quốc gia. Chẳng hạn như ở Mỹ, TPP chắc chắn sẽ trở thành vấn đề chính trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm tới, khi mà ứng cử viên Hillary Clinton đã bày tỏ thái độ “hờ hững” với hiệp định này để củng cố vị trí ứng cử viên của Đảng Dân chủ.
Trong tương lai, khi TPP được hiện thực hóa sẽ tiếp tục chia tách xa hơn các nền kinh tế thành những nhóm thương mại ưu tiên. Bởi trong lúc Mỹ bận rộn với TPP thì Trung Quốc cũng không ngừng gia tăng vai trò của mình, xúc tiến đẩy nhanh tiến trình hợp tác Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) của các nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ.
TPP chiếm 32% GDP của thế giới và 26% thương mại toàn cầu. RCEP chiếm 24% GDP thế giới và 28% thương mại toàn cầu. Một RCEP có sự tham dự của Trung Quốc, một TPP với sự dẫn dắt của Mỹ sẽ càng làm tồi tệ thêm cuộc tranh chấp siêu cường giữa Washington và Bắc Kinh, có thể gây nên những ảnh hưởng tiêu cực.
Đối với nội bộ các nước ASEAN, có thể bản thân các nước ASEAN sẽ bị chia rẽ, vì chỉ 4 trong số 10 nền kinh tế thành viên tham gia TPP, các nước còn lại thì không. Các tác động của TPP có thể ảnh hưởng đến sự cố kết và động lực của ASEAN xét về khía cạnh Cộng đồng chung. Việt Nam và Malaysia có thể sẽ chứng kiến các lợi ích thương mại do thương mại mang tới trong nhiều ngành công nghiệp như ôtô, phụ tùng thiết bị và đồ điện tử, còn Thái Lan có thể sẽ sẽ chịu thiệt. Singapore thì lại quá tự do về thương mại để có thể hưởng lợi hơn nữa.
TPP về cơ bản đã mang tính chia rẽ và nhiều rắc rối. (Nguồn:Nation of Change) Không chỉ toàn lợi íchTham gia TPP, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên sẽ “gặt hái” được nhiều lợi ích nhất. TPP có thể mang lại nhiều lợi thế cho ngành sản xuất Việt Nam. Đặc biệt, nhiều chuyên gia dự báo về khả năng dòng vốn đầu tư sẽ tăng mạnh và một số nhà đầu tư cho rằng, Việt Nam sẽ trở thành địa điểm sản xuất lý tưởng.
Tuy nhiên, không ít người cũng cho rằng, chi phí sản xuất tại Việt Nam cũng từ đó mà nhanh chóng bị đẩy lên, đặc biệt là áp lực về chi phí lao động. Ngoài ra, yêu cầu về quy mô sản xuất lớn hơn ở các nhà máy của Việt Nam sẽ không phải là vấn đề có thể nhanh chóng giải quyết.
Theo tính toán của tạp chí Economist, trong một thập kỷ qua, chi phí tiền lương lao động sản xuất tại Việt Nam đã tăng hơn 3 lần, lên mức 1,96 USD/giờ. Mặc dù vậy, con số này hiện vẫn vẫn thấp hơn so với mức 3,27 USD/giờ tại Trung Quốc và 37,96 USD/giờ tại Mỹ.
Ảnh hưởng trực diện nhất có thể là ngành nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt về chăn nuôi được dự báo sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn nước ngoài, có lợi thế về quy mô và hiệu quả hoạt động.
Xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với dược phẩm hiện đang ở mức 2,5% cũng khiến thị trường này trở nên khốc liệt hơn. TPP cũng sẽ tăng cường quyền sở hữu trí tuệ, khiến khả năng tiếp cận các sản phẩm mới, cũng như công nghệ sản xuất thuốc mới của các công ty Việt Nam bị giới hạn.
Cuối cùng, TPP cũng gây sức ép buộc Việt Nam phải nhanh chóng đẩy mạnh cải tổ các doanh nghiệp nhà nước.
Theo Thế giới và Việt Nam