Tổng hội Xây dựng Việt Nam tiền thân là Hội Khoa học Kỹ thuật Xây dựng Việt Nam được thành lập vào ngày 24/8/1982; là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện tập hợp của các tổ chức Hội Chuyên ngành về xây dựng, Hội Xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội viên tập thể, Chi hội và một số hội viên là công dân Việt Nam là chuyên gia về xây dựng.
Tính đến nay, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam đã trải qua 7 kỳ Đại hội. Tổng Hội hiện có 12 Hội chuyên ngành Trung ương, 45 Hội Xây dựng tỉnh, thành phố, 12 tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc, 50 hội viên tập thể và 1 Chi hội trực thuộc bao gồm các tổng công ty, các công ty, viện nghiên cứu, các trường đại học… trong phạm vi cả nước. Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã tập hợp được trên 2 vạn hội viên, trong đó trên 95% hội viên có trình độ đại học và trên đại học.
Theo Báo cáo tại Đại hội, nhiệm kỳ 2012 - 2017 dù còn nhiều khó khăn, song Tổng hội và các Hội thành viên đã nỗ lực đẩy mạnh các mặt hoạt động. Đặc biệt là công tác tư vấn, phản biện, nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo khoa học. Nhờ đó, các hoạt động của Tổng hội đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đóng góp hiệu quả cho ngành Xây dựng nói riêng, cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước nói chung.
Tổng Hội và các đơn vị thành viên đã tham gia nhiều dự thảo đề án, chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển của các ngành, các địa phương trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, giao thông, thủy lợi,...
Tổng Hội và các Hội thành viên đã tập hợp nhiều chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực xây dựng, tham gia phản biện các dự án, các dự thảo luật, pháp lệnh các văn bản pháp quy của Nhà nước, như: Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đất đai,...; Tham gia tham luận luận trong các hội thảo, phản biện các chương trình đề án xây dựng, trả lời phỏng vấn và phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những ý kiến này đã có tác dụng tích cực cho cơ quan lập dự án và cho việc lập các chính sách về xây dựng. Các Hội chuyên ngành với tư cách là Hội thành viên của Tổng Hội đã thực hiện chức năng tư vấn phản biện bằng những hình thức như: đóng góp ý kiến cho chương trình tư vấn phản biện của Tổng Hội và chương trình dự án của Nhà nước trong lĩnh vực thuộc chuyên ngành của mình.
Hoạt động khoa học công nghệ luôn được Tổng Hội và các Hội chuyên ngành coi trọng và đã đạt được nhiều kết quả. Tổng Hội đã đóng góp nhiều ý kiến cho các dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng và đã đăng ký các nhiệm vụ khoa học hàng năm theo kênh của Bộ Xây dựng và kênh của Liên hiệp Hội Việt Nam; Chủ trì triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có tính thời sự, như các đề tài: “Nghiên cứu đánh giá mức độ thất thoát trong các dự án đầu tư xây dựng và những giải pháp ngăn ngừa khắc phục“, “Các chế tài hạn chế, phòng ngừa chống thất thoát trong đầu tư xây dựng“, “Phát triển đô thị bền vững thông qua chính sách đất đô thị“,“Cơ sở khoa học xây dựng mô hình xã hội hoá dịch vụ công cộng đô thị“, dự án “Điều tra khảo sát sự phát triển đô thị của các khu vực ngoại thị với mối liên hệ các khu vực nội thị và đề xuất các giải pháp khắc phục”, “Sự cố công trình, thực trạng và giải pháp”... Nhiều thành viên của các Hội chuyên ngành đã tích cực tham gia viết bài cho các tạp chí chuyên ngành, các báo cáo chuyên đề và tham gia làm cộng tác viên các đề tài nghiên cứu khoa học.
Hàng năm Tổng Hội thường tổ chức hội thảo với chủ đề lớn mang tính thời sự cần quan tâm về mặt khoa học hoặc xã hội được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì như: Hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 7 Bê tông bền vững cho hiện tại và tương lai của Liên đoàn Bê tông Châu Á tại Hà Nội (2016); Hội thảo “Nguồn nhân lực ngành xây dựng trong thời kỳ hội nhập quốc tế” (2016); Hội thảo "Xây dựng và Phát triển Huế - Đô thị di sản văn hóa đặc sắc khu vực Đông Nam Á" do Tổng Hội XDVN phối hợp với UBND Thừa Thiên – Huế tổ chức (2014); Hội thảo "Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi)" do Bộ Xây dựng phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đồng chủ trì, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam được sự ủy nhiệm của Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức (2013)... Các Hội thảo đã giúp cho xã hội có cái nhìn tổng quan về thực tế xây dựng và quản lý xây dựng ở Việt Nam, từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội, không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư và khắc phục khó khăn trong đầu tư xây dựng.
Trong công tác đối ngoại, trong nhiệm kỳ 2012-2017, Ban Đối ngoại của Tổng Hội tiếp tục các mối quan hệ đối ngoại sẵn có đối với các đối tác khu vực như: Hội đồng Phối hợp kỹ thuật Châu Á (ACECC), Tổ chức kỹ sư Đông Nam Á (AFEO) và các đối tác song phương. Các Hội chuyên ngành đã làm tốt công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, thông qua tổ chức các hội thảo khoa học, tổ chức tham quan học tập, tham dự hội nghị quốc tế và tranh thủ được tài trợ cho các hội thảo khoa học có liên quan.
Hàng năm, Hội đồng Giải thưởng Loa Thành với quy chế Chủ tịch Hội đồng luân phiên gồm Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Ban Tổ chức do Tổng Hội Xây dựng Việt Nam làm thường trực đã chấm, xét chọn và quyết định khen thưởng các đồ án tốt nghiệp của sinh viên ngành xây dựng và kiến trúc. Việc tổ chức được tiến hành hàng năm đã đóng góp cho việc chọn nhân tài và thúc đẩy phong trào học tập ở các trường đại học.
Với những nỗ lực và thành tựu trong 35 năm hoạt động, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Lao động hạng Hai, 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, 2 lần Huân chương Độc lập hạng Ba và đang đề nghị Nhà nước xem xét tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Hai.
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2022 gồm 156 thành viên, bầu Ủy ban kiểm tra và bầu Đoàn Chủ tịch gồm 21 thành viên. Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhiệm kỳ 2012 - 2017 được tín nhiệm bầu tái giữ chức Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2022. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng được Đại hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Theo kế hoạch, sau khi kết thúc Đại hội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam sẽ nhanh chóng củng cố, lập quy chế làm việc của Đoàn Chủ tịch, Thường trực Đoàn Chủ tịch, đồng thời thành lập các Ban chuyên môn, Hội đồng Khoa học, Hội đồng thi đua khen thưởng để giúp việc Đoàn Chủ tịch với các chức năng nhiệm vụ cụ thể, nhanh chóng đưa hoạt động có hiệu quả và phù hợp với thực tiễn. Song song với đó, Tổng hội sẽ tiến hành củng cố, tổ chức các Hội thành viên, bao gồm các Hội chuyên ngành và các Hội Xây dựng tỉnh thành phố hiện có để có mối quan hệ chặt chẽ với Tổng hội và để hoạt động theo đúng Điều lệ và có hiệu quả trong công tác tư vấn phản biện và nghiên cứu khoa học, đào tạo và phổ biến kiến thức…
Mạnh Thân - VLXD.org