Theo chủ đại lý vật liệu xây dựng trên đường Ngô Gia Tự, thành phố Bắc Ninh cho biết, vài tuần trở lại đây,
gạch xây dựng các loại đồng loạt tăng 20 - 30%. Nguyên nhân chính do lượng gạch sản xuất tại các nhà máy trong và ngoài tỉnh không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Tại đại lý của tôi, hàng phụ thuộc vào các
doanh nghiệp sản xuất nên thời điểm này tôi phải gọi điện thường xuyên, nhưng hàng về vẫn không đủ bán. Nhiều người muốn đặt trước nhưng tôi cũng không dám nhận vì giá thay đổi từng ngày”.
Tại Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Bắc Hưng (Tân Chi, Tiên Du) chuyên sản xuất gạch xây dựng, với các sản phẩm chủ yếu là gạch đặc, gạch 2 lỗ, công suất trung bình 3 triệu viên/tháng. Ông Trần Đông Xuân, Phó Giám đốc Công ty cho biết, gạch khan hiếm và tăng giá mạnh trong thời gian gần đây do nhiều nguyên nhân. Trước hết phải kể đến yếu tố khách quan là do thời tiết ẩm ướt kéo dài nên lượng gạch sản xuất tại hầu hết các nhà máy đều có xu hướng giảm trong khi đó nhu cầu xây dựng đầu năm nay lại tăng cao.
Phần nữa phải kể đến là do nhiều năm liên tiếp tình hình kinh tế suy giảm, thị trường
bất động sản khó khăn kéo theo thị trường
vật liệu xây dựng trầm lắng, trong khi nhiên liệu, giá nhân công, điện đều tăng dẫn đến nhiều nhà máy gạch ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Năm 2015 khi thị trường xây dựng và bất động sản phát triển mạnh, thì các sản phẩm gạch xây dựng trở nên hút hàng, các nhà máy không kịp trở tay nên thời điểm này giá gạch tăng cao cũng không có hàng để bán”.
Không chỉ gạch xây dựng mà
cát sỏi,
xi măng, đá chẻ, thép... cũng đồng loạt tăng giá ở mức 7 - 15% gây khó khăn cho người dân. Bà Lê Thị Hiệp đang xây nhà ở Lạc Vệ (Tiên Du) chia sẻ: “Theo dự toán ban đầu của gia đình tôi thì toàn bộ chi phí phần thô của căn nhà 2 tầng khoảng 700 triệu đồng, nay phát sinh lên hơn 800 triệu đồng mà vẫn chưa xong. Nhưng điều tôi lo nhất hiện nay là
VLXD không những tăng mà còn khó mua. Nhiều hôm thợ phải nghỉ làm vì không mua được
vật liệu, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng”.
Trước nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng tăng cao như hiện nay khiến thị trường
sắt thép, xi măng, cát, sỏi... bị tác động nhiều, dẫn đến biến động mạnh về giá. Đây là quy luật chung bởi khi “cung” không đáp ứng được “cầu” chắc chắn thị trường sẽ tự điều chỉnh giá. Tuy nhiên, mức độ điều chỉnh như thế nào và đến đâu lại là một vấn đề cần được các cơ quan chức năng quan tâm, giám sát, từ đó có sự can thiệp kịp thời, tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá tùy tiện gây nhiều thiệt thòi cho người dân nói riêng và nền kinh tế nói chung.