Trên Thế giới, giá than luyện cốc (sử dụng trong sản xuất thép) của Úc sau khi điều chỉnh giảm gần 2 tháng và chạm mức thấp nhất trong 1 năm là 190 USD/tấn vào tuần đầu tiên của tháng 8/2022 đã tăng lên 270 USD/tấn vào ngày 6/9/2022, tương đương tăng hơn 40%, gần lấy lại mức đỉnh lịch sử là 275 USD/tấn ngày 28/2/2022. Theo CoalMint, giá than luyện cốc được dự báo sẽ tiến lên vùng 300 - 330 USD/tấn. Đối với than nhiệt (dùng trong sản xuất phân bón và điện), mức giá ngày 6/9/2022 là 457 USD/tấn, lập kỷ lục mới.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho rằng, tình trạng thiếu khí đốt ở EU đã làm tăng nhu cầu nhiệt điện than và thúc đẩy giá than đi lên. Trong đó, Đức đã cho khởi động lại một số nhà máy điện than để đối phó với sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt.
Tại Việt Nam, theo SSI Research, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá than trộn của Vinacomin tăng 30 - 35% so với cùng kỳ. Qua trao đổi với Genco 2, Genco 3, Nhiệt điện Quảng Ninh và Nhiệt điện Hải Phòng, SSI Research chưa nhận thấy giá than trộn tăng thêm, nhưng nhiều khả năng giá sẽ được nâng lên trong thời gian tới do giá than Thế giới tăng cao.
Giá than leo dốc tác động không nhỏ đến ngành sản xuất xi măng, vì than là nhiên liệu chiếm đến 40 - 45% giá thành sản xuất clinker, mà loại nguyên liệu này chiếm 60% chi phí nguyên liệu đầu vào của xi măng, khiến lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành biến động lớn theo giá than.
Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, trong tháng 8/2022, tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu đạt khoảng 8,86 triệu tấn, tăng 3 triệu tấn so với tháng 7, song giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, lượng tồn kho trong cả nước còn khoảng 5,9 triệu tấn nguyên liệu, tương đương 25 - 30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.
Do tình hình tiêu thụ xi măng suy giảm, tồn kho cao, giá than tăng mạnh, các doanh nghiệp sản xuất xi măng phải giảm sản lượng để tránh tình trạng càng làm càng lỗ.
VLXD.org (TH)