Cuối tuần qua, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát đã
nhập 55.000 tấn tinh quặng từ Nam Phi để phục vụ cho quá trình sản xuất.
Đây là lần đầu tiên đơn vị này nhập tinh quặng.
"Lô hàng này
giúp Hòa Phát khơi thông được nguồn nguyên liệu từ thế giới trong bối
cảnh nguồn quặng trong nước thiếu thốn", đại diện đơn vị này cho biết.
Căn cứ vào diễn biến thị trường và nhu cầu sản xuất, Hòa Phát sẽ tiếp
tục nhập khẩu quặng trong thời gian tới.
55.000 tấn tinh quặng của Hòa Phát vừa được nhập về nước để phục vụ sản xuất.
Cũng
như Hòa Phát, nhiều doanh nghiệp thép thời gian qua phản ánh tình trạng
nguồn cung nguyên liệu đạt tiêu chuẩn trong nước thiếu thốn. Báo cáo
của Hiệp hội Thép cho hay tổng sản lượng của các lò cao đang hoạt động
tại Việt Nam mới đạt hơn 2 triệu tấn và dự kiến sẽ tăng lên 10 triệu tấn
sau khi các lò cao đang xây dựng đi vào hoạt động. So với nhu cầu hơn
20 triệu tấn quặng sắt từ năm 2016, con số này chỉ đáp ứng 50%.
"Việt
Nam đang rất thiếu nguồn quặng sắt bởi các mỏ đều rằm rải rác ở các
tỉnh và đa số chất lượng thấp", ông Nguyễn Văn Sưa - Phó chủ tịch Hiệp
hội Thép chia sẻ với VnExpress. Do đó, ông đồng tình với việc các doanh
nghiệp thép nhập khẩu quặng từ nước ngoài, bởi giá thế giới hiện nay ở
mức thấp và chất lượng tốt. "Quặng của Việt Nam dù có khai thác được thì
vẫn cần nhập thêm để trung hòa chất lượng", vị này nói.
Số liệu
từ Bloomberg cho hay giá quặng thế giới đã giảm 47% trong năm 2014 do
nguồn cung từ các ông lớn ngành mỏ là BHP, Rio Tinto tăng lên. Citigroup
nhận định giá quặng sắt sẽ tiếp tục giảm, tính bình quân, giá thế giới
năm 2015 khoảng 45 USD một tấn, thấp hơn một nửa so với giá trung bình
năm 2014. Sang năm 2016, tổ chức này dự đoán giá quặng sẽ tiếp tục giảm
về mức 40 USD và 39 USD vào năm 2017.
Để đảm bảo phục vụ cho các
nhà máy sản xuất trong nước, từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành chỉ thị
về việc cấm xuất khẩu các loại khoáng sản, trong đó có quặng sắt để dành
cho việc chế biến sâu trong nước. Theo lãnh đạo Hiệp hội Thép, với trữ
lượng còn lại của quặng sắt chỉ khoảng 1,3 tỷ tấn, không tính quặng sắt
Tây Nguyên chất lượng thấp, chủ trương này của Chính phủ hoàn toàn nhất
quán với tình trạng doanh nghiệp trong nước thiếu nguồn nguyên liệu.
Từ
năm 2007, Việt Nam đã tính tới việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà
Tĩnh) với mục tiêu cung ứng nguyên liệu quặng sắt cho nhà máy thép tại
Hà Tĩnh và các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu. Đây được đánh giá là
mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, tổng sản lượng quặng khai thác có
thể đạt mức 370 - 400 triệu tấn.
Sau hơn 7 năm, tiến độ khai thác
mỏ sắt này vẫn dậm chân tại chỗ do những cổ đông của chủ đầu tư dự án -
Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) không góp đủ số vốn pháp định 2.400
tỷ đồng.
"Đây là nguồn tài nguyên lớn, rất tiềm năng đang bị ngủ
say dưới lòng đất cần được đánh thức. Mỏ Thạch Khê đi vào hoạt động
không chỉ là nguồn cung quan trọng cho doanh nghiệp luyện kim bằng công
nghệ lò cao hiện đại trong nước, mà còn giúp hạn chế nhập siêu, không
tốn ngoại tệ cho nhập khẩu quặng sắt", đại diện một doanh nghiệp thép
cho hay.
Trong bối cảnh này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có
văn bản tháo gỡ khó khăn để dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ
Thạch Khê sớm đi vào hoạt động. Theo đó, đến hết ngày 15/7 tới, nếu các
cổ đông của TIC vẫn không góp đủ vốn thì cho phép cổ đông hiện hữu điều
chỉnh tỷ lệ góp vốn để bảo đảm nguồn huy động cho dự án. Trường hợp các
cổ đông hiện hữu không góp đủ, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam
(Vinacomin) sẽ tăng phần vốn góp.
Hiện TIC có 9 cổ đông, trong đó
Vinacomin là cổ đông chính với tỷ lệ góp 30%, Công ty Khoáng sản thương
mại Hà Tĩnh 24%, Tổng công ty Thép Việt Nam 20%, Tổng công ty Sông Đà
(5%), Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin 5%, Ngân
hàng Đầu tư và Phát triển - BIDV 5%, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông -
VNPT 4%, Công ty TNHH Sản xuất XNK Bình Minh 4%, Công ty cổ phần Khoáng
sản Luyện kim Thăng Long 3%.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đồng ý lựa
chọn đơn vị tư vấn nước ngoài có đủ năng lực, kinh nghiệm để thẩm định
thiết kế kỹ thuật theo hình thức chỉ định thầu. Theo ông Sưa, do nằm ở
địa hình không thuận lợi, sát biển và quặng ở sâu hơn mặt nước biển từ
30m đến vài trăm mét nên việc khai thác là điều không dễ dàng, cần có sự
nghiên cứu kỹ lưỡng.
VLXD.org (TH)