Trùm xây dựng Thái Lan mang tiềm lực Quốc tếĐược thành lập tại Thái Lan vào năm 1993, SCG là nhà sản xuất xi măng lớn nhất Thái Lan, đồng thời là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Thái Lan. Năm 2012, tạp chí Forbes xếp SCG đứng thứ 633 trong danh sách 2000 tập đoàn lớn nhất thế giới.
Vốn hóa thị trường của SCG hiện đạt hơn 16,3 tỷ USD, lớn gấp 3 lần doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Việt Nam là PV Gas.
Hệ thống của SCG hiện tại bao gồm hơn 100 công ty con hoạt động trong 5 lĩnh vực chính: Hóa dầu, xi măng, bao bì, vật liệu xây dựng và phân phối. Trong đó, 3 mảng sản xuất chính là Hóa dầu, bao bì và xi măng - VLXD.
Năm 2012, mảng hóa dầu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu của tập đoàn (48%, tương đương với 6,3 tỉ USD), còn ngành xi măng, vật liệu xây dựng chỉ chiếm 38%. Tuy nhiên, nếu xét về lợi nhuận, vật liệu xây dựng mới là ngành đem lại lợi nhuận lớn nhất cho SCG khi chiếm tới 33% tổng lợi nhuận.
Doanh thu năm 2012 của SCG đạt 13,1 tỉ USD, tăng 11% so với năm 2011. Bên cạnh thị trường nội địa, gần 40% doanh thu của SCG đến từ xuất khẩu.
Với tiềm lực tài chính mạnh, SCG không ngần ngại đặt muc tiêu trở thành người thống lĩnh thị trường gạch men và VLXD Đông Nam Á. Tuy nhiên, với mỗi thị trường khác nhau, SCG lại có những "chiêu thức" khác nhau.
Chân dung đại gia Thái Lan muốn xưng bá thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam (1)
Bành trướng tại Việt Nam: Lựa lúc thị trường "nguội"Bắt đầu Việt Nam từ khá sớm, ngay từ năm 1992, tuy nhiên mãi tới năm 2008, SCG mới thành lập công ty xây dựng đầu tiên, Cty TNHH Cốt Liệu và Bê Tông, chuyên sản xuất bê tông trộn sẵn dưới thương hiệu SCG Concrete tại nhà máy trộn đầu tiên tại Long An. Kể từ đó, SCG liên tục mở rộng thêm những nhà máy mới. Năm 2010, công ty thiết lập thêm 2 nhà máy trộn tại Tp. Hồ Chí Minh.
SCG mở các nhà máy tại Việt Nam vào thời điểm thị trường trong nước không thuận lợi. Sự đi xuống của bất động sản khiến thị trường xây dựng trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân mặt hàng vật liệu xây dựng cũng lâm vào tình trạng tồn kho, không có đầu ra.
Tuy nhiên, chọn lúc thị trường đang xuống dốc cũng có cái hay. Nhận thấy các DN xây dựng trong nước đang gặp khó, SCG nhanh chóng bành trướng hoạt động thông qua các thương vụ M&A.
Cuối năm 2011, SCG Cement mua lại 99% cổ phần của xi măng Bửu Long. Tổng đầu tư cho việc mua lại và nâng cấp nhà máy ước tính khoảng 116 tỉ đồng. Thương vụ này giúp SCG Cement bổ sung thêm 200.000 tấn xi măng mỗi năm.
Đình đám nhất trong năm 2012 là thương vụ trị giá tới 240 triệu USD (hơn 5.000 tỉ đồng) mua lại 85% cổ phần của doanh nghiệp sản xuất gạch men lớn nhất nước ta – Prime Group. Prime có công suất 75 triệu m2/năm, chiếm 33% sản lượng tại Việt Nam. Thương vụ này đưa SCG thành nhà sản xuất gạch men lớn nhất thế giới.
SCG nhận định, hiện tại thị trường xi măng Thái Lan thời gian qua cũng chịu ảnh hưởng bởi việc nhập khẩu các loại xi măng giá rẻ. Để có thể cạnh tranh được với các loại xi măng này, công ty đã tiến hành mở rộng việc phát triển ra các quốc gia có nhân công rẻ trong khu vực, đặc biệt là tại Indonesia và Việt Nam. Tập trung 3 yếu tố thuận lợi: nhân công rẻ, ngay cạnh Thái Lan và tài nguyên sẵn có, Việt Nam là lựa chọn hoàn hào của SCG.
Không lâu trước khi thực hiện thâu tóm Prime, SCG thông qua đơn vị thành viên là Thai Plastic & Chemicals (TPC) đã âm thầm gom cổ phần của 2 doanh nghiệp sản xuất ống nhựa lớn nhất Việt Nam là Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh. Không hài lòng với tỷ lệ nắm giữ chỉ hơn 20%, công ty này cho biết sẽ tăng tỷ lệ nắm giữ lên 49% khi điều kiện cho phép.
Mặc dù thị trường bất động sản trầm lắng, kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong vẫn rất ấn tượng.
Một số thương vụ lớn của SCG tại Việt Nam
Ngoài mảng xi măng và vật liệu xây dựng, mảng bao bì của SCG cũng phát triển mạnh. Năm 2011, SCG Paper đã tiến hành thâu tóm 100% của công ty sản xuất bao bì và thùng carton Việt Nam là Alcamax Packaging với giá 430 tỉ đồng.
Giữa năm nay, SCG còn tiến hành nâng cấp nhà máy sản xuất bao bì Vina Kraft Paper để tăng công suất từ 220.000 tấn lên 250.000 tấn/năm.
Những dự án mà SCG triển khai tại Việt Nam cũng đem lại những kết quả tích cực. Quý I/2013, doanh thu của SCG tại Việt Nam đạt 83 triệu USD (1,7 nghìn tỉ), tăng 14% so với cùng kỳ năm trước do kết quả kinh doanh tốt hơn trong các mảng hóa chất, giấy, xi măng vật liệu xây dựng. Tài sản của tập đoàn tại Việt Nam cũng tăng từ 6,6 nghìn tỉ cuối năm 2011 lên 8,5 nghìn tỉ vào cuối năm 2012.
Bên cạnh việc được mua lại với giá "hời", các doanh nghiệp nội sau khi bị SCG thâu tóm còn tìm được đầu ra cho sản phẩm. Như trường hợp của Prime, sau khi về tay SCG, gạch của công ty sẽ được dùng để tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Trong tình cảnh ngành xây dựng đang khó khăn như hiện nay, chắc chắn sẽ có thêm những doanh nghiệp nội khác đang nằm trong tầm ngắm. Câu chuyện người Thái tìm mua "tài sản tốt" ở Việt Nam vì vậy vẫn sẽ tiếp diễn.
Theo Trí thức trẻ