50% DN than niêm yết thua lỗ
Không phải là ngành có khả năng tăng trưởng đột biến, nhưng vài năm trước, các DN ngành than có lợi nhuận khá ổn định. Thậm chí, năm 2011, có tới 6/8 DN ngành than niêm yết báo cáo thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt trên 7.000 đồng. Nhưng khó khăn của nền kinh tế đã bắt đầu tác động đến kết quả kinh doanh của các DN trong ngành từ năm 2012 và càng rõ rệt hơn trong 6 tháng đầu năm 2013.
Lỗ lớn nhất trong số các DN than niêm yết trong nửa đầu năm nay là CTCP Than Cao Sơn (TCS), với số lỗ 66,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty này báo lãi 80 tỷ đồng. Vị trí tiếp theo thuộc về CTCP Than Đèo Nai (TDN) với khoản lỗ 56,5 tỷ đồng; CTCP Than Cọc Sáu (TC6) với số lỗ 54,1 tỷ đồng và CTCP Than Mông Dương (MDC) lỗ 11,8 tỷ đồng.
Trong số 4 DN than niêm yết còn lại báo lãi thì CTCP Than Núi Béo (NBC) chỉ đạt LNST 2,49 tỷ đồng, giảm trên 90% so với cùng kỳ năm 2012; CTCP Than Hà Tu (THT) cũng chỉ đạt lợi nhuận 4,9 tỷ đồng, giảm 53,55% so với cùng kỳ. Điểm sáng nhất trong nhóm này là CTCP Than Vàng Danh (TVD), có LNST 25,5 tỷ đồng; CTCP Than Hà Lầm (THL) với LNTT 34,43 tỷ đồng.
Hàng tồn kho tăng cao
Trong báo cáo giải trình nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, TCS cho biết, trong năm 2013, do giá bán than của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) giảm mạnh, thấp hơn so với giá thành kế hoạch, nên giá bán than của TCS giảm 7%. Doanh thu từ nguồn bán sản phẩm ngoài than của TCS cũng giảm mạnh do không có khách hàng. Bên cạnh đó, giá bán than của Vinacomin được điều chỉnh giảm từ 7 - 9% so với hồi đầu năm, cũng khiến lợi nhuận thuần của các DN trong ngành giảm mạnh.
Giá than giảm có nguyên nhân từ nhu cầu nhập khẩu than từ Trung Quốc, thị trường nhập khẩu than chính của Việt Nam giảm mạnh. Tồn kho của ngành than vì thế trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh. Tại thời điểm 30/6/2013, TC6 có tới 501 tỷ đồng hàng tồn kho, trong đó có tới 107 tỷ đồng hàng tồn kho thành phẩm. THT cũng tồn kho tới 374 tỷ đồng; TDN tồn kho 347 tỷ đồng; TCS tồn kho 276 tỷ đồng (tăng tới 122% so với cùng kỳ). HLC tồn kho gần 150 tỷ đồng.
Sức ép nợ vay
Giá giảm, hàng tồn kho tăng cao, khiến tình hình tài chính của các DN ngành than khá căng thẳng. Tỷ lệ nợ phải trả của một số DN trong ngành ở thời điểm cuối tháng 6 đã cao gấp cả chục lần vốn chủ sở hữu. Chẳng hạn, THL có tổng nợ phải trả lên tới trên 1.616 tỷ đồng, gấp gần 10 lần vốn chủ sở hữu (165 tỷ đồng). Trong đó, nợ vay ngắn hạn với các ngân hàng lên tới 456,5 tỷ đồng; nợ dài hạn của Công ty lên tới trên 771 tỷ đồng.
Hay tại TC6, tổng nợ phải trả cuối kỳ kế toán bán niên 2013 là 1.708 tỷ đồng; trong đó, khoản vay và nợ ngắn hạn của Công ty là 117 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính của TC6 tại thời điểm này âm tới 244 tỷ đồng. TDN cũng có khoản nợ ngắn hạn tới 817 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn với các ngân hàng lên tới 589,7 tỷ đồng.
Với TVD, dù trên bảng cân đối kế toán không có vay và nợ ngắn hạn, nhưng số nợ dài hạn của Công ty lên tới 847,6 tỷ đồng. Trên báo cáo soát xét bán niên của TVD, công ty kiểm toán đã lưu ý về việc khoản vay dài hạn đến hạn trả 30/6/2013 là 115 tỷ đồng, Công ty đã không thực hiện phân loại sang chỉ tiêu “Vay và nợ ngắn hạn”. Điều này có nghĩa là khoản nợ vay ngắn hạn sẽ tăng lên số tương ứng nếu như các DN này thực hiện hạch toán khoản nợ vay đến hạn sang nợ vay ngắn hạn.
Tương tự, tại BCTC bán niên 2013 của NBC, đơn vị kiểm toán có lưu ý về khoản vay dài hạn đến hạn phải trả 30/6 là 42,56 tỷ đồng nhưng Công ty không thực hiện phân loại sang "Vay và nợ ngắn hạn" trên bảng cân đối kế toán. Trong khi đó, BCTC bán niên của Công ty ghi nhận khoản nợ phải trả tới 905 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 585 tỷ đồng, cao hơn mức tài sản ngắn hạn là 492,8 tỷ đồng.
Khoản nợ vay này sẽ là gánh nặng lớn cho các DN ngành than, trong khi đầu ra của ngành chưa thấy tín hiệu sáng sủa. Bên cạnh đó, do than là mặt hàng đặc biệt, Vinacomin định đơn giá bán than và trữ lượng khai thác của nhiều mỏ than không còn nhiều do có tuổi đời khai thác hàng trăm năm, các DN ngành than đang đứng trước những thách thức không nhỏ.
Theo InfoTV