Từ cuối năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng liên tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thị trường xây dựng ảm đảm. Điều này làm ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong 9 tháng qua, sản lượng tiêu thụ một số sản phẩm vật liệu xây dựng chính của tỉnh giảm so với cùng kỳ năm trước như: Gạch xây dựng 3,4 triệu viên, giảm 35,7%; sắt thép các loại 113.500 tấn, giảm 2,9%...
Ông Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng La Hiên cho biết, tính đến hết quý III/2024, sản lượng xi măng tiêu thụ của đơn vị chỉ đạt hơn 430.000 tấn (bằng 64,3% kế hoạch năm); tương đương với doanh thu trên 433 tỷ đồng (bằng gần 64,2%).
Bà Phạm Thị Huệ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Thái Nguyên, chia sẻ, từ đầu năm đến nay, sản lượng bê tông thương phẩm của doanh nghiệp giảm mạnh từ 50 - 70% so với cùng kỳ các năm trước.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường xây dựng phát triển như đẩy mạnh triển khai các dự án xây dựng trọng điểm, giải ngân nguồn vốn đầu tư công; Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8/2024 (sớm hơn 5 tháng so với thời điểm đã được quyết định trước đó là ngày 1/1/2025)... Tuy vậy, thị trường vật liệu xây dựng vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn do thị trường bất động sản chưa có nhiều khởi sắc, lạm phát kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua khiến nhu cầu xây dựng của người dân và doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực bị suy giảm.
Do đó, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng chủ động thích ứng bằng nhiều giải pháp như hạ giá bán sản phẩm, tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường cũng như ngành nghề sản xuất, kinh doanh mới...
Đơn cử như tại Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường (TP. Thái Nguyên), nhiều năm gần đây, đơn vị không chỉ duy trì sản xuất vật liệu xây dựng mà còn mở rộng lĩnh vực thi công xây lắp các công trình, kinh doanh bất động sản. Nhờ mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm lĩnh vực mới, doanh nghiệp đã chủ động tiêu thụ được sản phẩm vật liệu xây dựng do chính mình sản xuất.
Cơ cấu lại sản phẩm cũng là biện pháp thích ứng của Công ty CP Xi măng La Hiên (Võ Nhai) và Nhà máy Xi măng Lưu Xá (TP. Thái Nguyên). Tại Nhà máy Xi măng Lưu Xá, đơn vị đã đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất sản phẩm gạch không nung, tấm lợp fibro xi măng. Còn Công ty CP Xi măng La Hiên đang chuyển hướng từ sản xuất xi măng bao sang xi măng rời.
Một điểm chung mà chúng tôi ghi nhận được ở hầu hết nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng là các doanh nghiệp đang tích cực bám sát diễn biến của thị trường trong và ngoài nước để điều tiết sản lượng sản xuất; đồng thời tăng cường giải pháp về đầu tư công nghệ theo hướng tự động hóa, kiểm soát và thắt chặt mọi chi phí đầu vào để hạ giá thành sản phẩm và nâng sức cạnh tranh trên thị trường...
Theo ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc Nhà máy Cán thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) đánh giá, ngay từ đầu năm nay, nhà máy đã tập trung đổi mới, cải tiến nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tính đến hết tháng 7 vừa qua, Nhà máy đã cán đích kế hoạch sản xuất năm với 70.000 tấn thép cán. Để hoàn thành vượt kế hoạch sản xuất năm ở mức cao nhất, nhà máy đang tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong người lao động; đầu tư các dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thép cán...
Dù vậy, đại diện các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cho hay những giải pháp trên cũng chỉ mang tính tạm thời. Để doanh nghiệp thực sự tháo gỡ được khó khăn, ổn định sản xuất và bảo đảm việc làm cho người lao động rất cần các chính sách vĩ mô của Nhà nước nhằm khơi thông thị trường bất động sản; thúc đẩy sản xuất kinh doanh...
VLXD.org (TH/ Báo Thái Nguyên)