DOITHUONG247 - CỔNG THÔNG TIN TRÒ CHƠI ĐỔI THƯỞNG

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Doanh nhân “kể khổ” vì giá tăng

05/04/2011 - 09:56 SA

Trong câu chuyện cuối tuần rồi của một nhóm doanh nhân, những khó khăn vì sự thay đổi giá cả liên tục trở thành chủ đề chính.



Doanh nghiệp đang chịu chi phí đầu vào sản xuất tăng mạnh hơn mức độ tác động của tăng giá xăng và giá điện.

“Từ đầu năm đến giờ đã khó rồi. Việc tăng thêm vài nghìn tiền xăng vừa qua chỉ như con lừa chở thêm cái áo”, anh bạn của người viết, chủ một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành thiết bị sứ vệ sinh, sơn nội thất và phân bón tại Đồng Nai than thở.

Thông tin từ anh bạn cũng cho thấy cách phản ứng của doanh nghiệp đối với tăng giá điện, xăng dầu… có phần không giống nhau. Cụ thể là một bộ phận người kinh doanh nguyên, nhiên liệu đã tăng giá cao hơn tốc độ tăng của chi phí đầu vào, trong khi không ít nhà sản xuất sản phẩm cuối cùng đang cố gắng chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

“Chi phí đầu vào sản xuất hiện nay tăng mạnh hơn mức độ ảnh hưởng của tăng của giá xăng và giá điện. Nếu tính giá điện tăng khoảng 16% thì đầu vào bên này tăng hơn 30%”, anh cho biết.

Ở điểm này, một thuật ngữ quen dùng lâu nay tại các cơ quan quản lý giá cả là tăng giá tâm lý, với một hàm ý rõ ràng là các doanh nghiệp “lợi dụng” tăng giá nguyên liệu 1 để đẩy giá cao hơn 2-3. Nhưng, theo giải thích của anh bạn kể trên thì dường như việc tăng giá kể trên cũng có lý do của nó.

Là vì, không chỉ có điện xăng tăng giá mà chi phí văn phòng phẩm, tiền thuê nhà xưởng, lương công nhân, giá các loại dịch vụ… cũng đều tăng theo. “Cộng lại các thứ đó, có một điều chắc chắn nếu điện, xăng tăng 1% thì cộng hưởng lại các thứ lại, chi phí đầu vào tăng hơn 1%, có thể đến 2-3%”.

Nếu thế thì chỉ người kinh doanh các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào được lợi? Câu hỏi này nhận được trả lời, trong tính toán của người kinh doanh, dù tăng giá lớn hơn chi phí thì không hẳn đã được lợi.

“Bình thường mình phải tăng mạnh hơn chứ không chỉ là tăng kịp”, một doanh nhân khác cho hay. “Người làm ăn người ta tính, năm ngoái lãi 1 triệu/sản phẩm thì năm nay có khi phải 1,2 triệu mới bằng năm ngoái, tức là cũng còn chịu tác động từ giá tiêu dùng nữa. Như thế thì tất cả kéo theo giá tăng”.

Phản ứng theo kiểu dây chuyền trước biến động giá cả dường như ngày càng nhanh, nhạy hơn. Nhiều doanh nghiệp đã không thể kìm được giá bán. “Bây giờ phải chấp nhận phản ứng nhanh, hôm qua tăng giá xăng tăng 2.000 đồng/lít thì mình tính nó kéo giá cả theo bao nhiêu và phải tăng giá cao hơn để đón đầu tăng giá các loại chi phí khác nữa”, một người trong nhóm doanh nhân cho biết.

Các chủ doanh nghiệp tính toán thế này, ví dụ hôm nay xăng tăng giá, ngày mai cơm trưa công nhân có thể chưa tăng, nhưng thế nào 10 ngày tới cũng tăng. Thế thì tốt nhất mình tăng trước, vì doanh nghiệp không thể tăng giá một tháng 3 lần.

Soi vào các chỉ số giá cả vừa được Tổng cục Thống kê công bố cách đây ít ngày, dường như cách lập luận kể trên không phải là cá biệt.

Trong khi chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý 1/2011 so với cùng kỳ chỉ tăng 12,79%, chỉ số giá bán người sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng tương ứng ở mức 23,12%; chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 14,9%. Ngay cả chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu, chỉ số giá vận tải cũng vậy, đều tăng cao hơn chỉ số giá tiêu dùng tương ứng.

Theo lập luận của cơ quan thống kê, khi chỉ số giá bán người sản xuất tăng cao hơn giá tiêu dùng có nghĩa là giá tiêu dùng sẽ tăng ở “khúc sau”. Với điểm này, cảm nhận của doanh nghiệp có phần đúng.

Nhưng việc tăng giá cao hơn chi phí còn chịu một tác động khác, đến từ việc thu hẹp sản xuất, đặc biệt là với các sản phẩm nằm ngoài nhóm hàng phục vụ thiết yếu đời sống.

“Sản xuất khó khăn hơn trước rất nhiều. Hiện sản lượng của công ty đã giảm khoảng 30% so với cuối năm ngoái”, anh bạn nọ lại than thở. “Trước mình làm 100 tấn hàng chẳng hạn, thì nay chỉ còn 70 tấn. Mà nếu sản xuất 100 tấn thì e không tiêu thụ được”.

Khi sản lượng thu hẹp, để giữ được tỷ suất lợi nhuận trên vốn như năm trước, tăng giá thường được các chủ doanh nghiệp tính đến. Nhưng trong hoàn cảnh này, dù lợi nhuận có thể tăng trưởng cao hơn nhưng lạm phát cao sẽ thổi đi khá nhiều giá trị khoản tiền kiếm được.

“Nhưng biết làm sao được”, một doanh nhân kể khổ. “Năm nay tỷ suất lợi nhuận sẽ thấp hơn, cố lắm có thể chỉ bằng năm ngoái thôi. Vì giả dụ năm nay có được 3% lợi nhuận thì không chắc bằng 2% của năm ngoái”.

PT_Theo VnEconomy

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng