Nếu so với giá Nhà nước công bố, nhiều loại vật liệu xây dựng có giá chênh lệch 10 - 20%, thậm chí có những mặt hàng như cát san lấp, đá xây dựng các loại tới chân công trường tăng lên đến 40%. Giá vật liệu xây dựng tăng cao, tăng liên tục, trong khi đó việc điều chỉnh giá của cơ quan chức năng lại chậm dẫn tới nhiều doanh nghiệp xây dựng có tâm lý thi công cầm chừng, chờ hướng dẫn điều chỉnh bù giá vật liệu xây dựng. Các doanh nghiệp trong ngành kiến nghị Nhà nước sớm có chính sách bình ổn giá vật liệu xây dựng và khi công bố giá có sự điều chỉnh linh hoạt theo giá thị trường. Đây cũng là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành Xây dựng.
Ông Hán Thành Công, chỉ huy trưởng công trường thi công đường nối 2 đền Trần (Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN.E&C) cho biết, đơn vị đang thi công đường nối 2 đền Trần bao gồm điểm đầu ở khu vực xã Trần Hưng Đạo, điểm cuối ở xã Hòa Hậu (Lý Nhân). Tổng mức đầu tư 3.600 tỷ đồng do ngân sách Trung ương hỗ trợ kết hợp với vốn địa phương, thực hiện trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025. Về quy mô tuyến đường nối 2 đền Trần có chiều dài 14,6 km, trong đó có 9,6 km mặt cắt 68 m (gồm 22 m đường và dải phân cách…), còn lại 5 km có mặt cắt mặt đường 11 m. Đến thời điểm này, nhà thầu đang tập trung 4 mũi thi công gồm: từ Km0 - Km4; Km4 - Km6+600; Km6+600 - Km10+800; Km10+600 - Km14+600. Ba mũi thi công đầu đã cơ bản làm xong nền đường lớp K95, còn lại mũi 4 từ Km10+600 - Km 14+600 nhà thầu đang tiếp cận mặt đường. Về cơ bản chủ đầu tư bàn giao mặt bằng đến đâu nhà thầu cho thi công ngay đến đó.
Tuy nhiên, hiện nay đơn vị gặp khó khăn về mặt bằng, vật liệu cát để đắp nền do thiếu nguồn và giá vật liệu xây dựng tăng cao so với giá Nhà nước quy định. Để giúp nhà thầu thi công hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch, đề nghị chủ đầu tư nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công và có giải pháp tính toán giá vật liệu cho phù hợp.
Nhà thầu thi công nút giao Phú Thứ (xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý).
Cùng quan điểm trên, ông Trần Văn Lực, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Lý Nhân cho biết, trong thời gian vừa qua, nguồn thu ngân sách bị giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đã tác động mạnh mẽ đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng, nhất là những doanh nghiệp thi công công trình bằng vốn ngân sách nhà nước. Cụ thể, sau khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư lại chậm trả vốn, có những công trình thanh toán 5 - 7 lần chưa xong, dẫn tới càng khó khăn thêm.
Hơn nữa, doanh nghiệp xây dựng còn chịu tác động của giá vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi đó giá công bố của Nhà nước lại thấp hơn so với giá thị trường. Chúng tôi kiến nghị, Nhà nước sớm có chính sách bình ổn và điều chỉnh giá vật liệu xây dựng sao cho phù hợp với giá thị trường để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình. Đối với các công trình đã làm xong, đưa vào sử dụng, chủ đầu tư cũng cần bố trí nguồn vốn cho nhà thầu, tránh tình trạng nợ đọng vốn kéo dài, khó khăn cho doanh nghiệp.
Cùng với các doanh nghiệp thi công công trình, nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng đang gặp phải không ít khó khăn. Nếu so với cùng kỳ đầu năm trước, năm nay sản phẩm gạch nung, gạch không nung tiêu thụ chậm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, số lượng hộ xây dựng nhà giảm mạnh. Giai đoạn này, doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí hoạt động, linh hoạt kế hoạch bán hàng.
Tại một số doanh nghiệp sản xuất gạch, số lượng sản phẩm tồn lại trong bãi nhiều, khi mùa mưa đến để lâu sẽ mọc rêu, rất khó khi tiêu thụ trên thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp càng sản xuất càng thua lỗ. Sản phẩm xi măng sản xuất ra tiêu thụ chậm (cả trong nước lẫn xuất khẩu), chi phí sản xuất tăng, thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5 lên 10%, sức ép môi trường với ngành ngày càng lớn… Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang nỗ lực thực hiện các chiến lược nhằm duy trì hoạt động ổn định và thúc đẩy tăng trưởng, đầu tư ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường công tác quản lý, cắt giảm chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất, mở rộng sản phẩm ra các thị trường mới.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, việc tăng cường công tác quản lý khởi công xây dựng các công trình mới là hết sức quan trọng. Khi xây dựng công trình, chủ đầu tư cần xác định rõ nguồn vốn đầu tư, tránh tình trạng cứ xây dựng rồi lại nợ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và công trình thi công, làm giảm hiệu quả vốn đầu tư. Bên cạnh đó, các ngành chức năng xây dựng đơn giá vật liệu xây dựng cần bám sát việc tăng giá của thị trường vật liệu xây dựng, bảo đảm công bố mức giá của Nhà nước phù hợp với giá trị trường, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu.
Về lâu dài, cần có giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng và có thể cấp bù giá hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, tránh tình trạng, khi giá vật liệu xây dựng tăng cao, chủ đầu tư nợ đọng vốn kéo dài, nhiều nhà thầu thi công cầm chừng, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng rất cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng, đặc biệt là ngân hàng trong việc cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
VLXD.org (TH/ Báo Hà Nam)