DOITHUONG247 - CỔNG THÔNG TIN TRÒ CHƠI ĐỔI THƯỞNG

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Ngành Thép vẫn trong khó khăn

19/03/2013 - 10:55 SA

Tập trung tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, chăm sóc các đại lý để xây dựng hệ thống phân phối… là những giải pháp mà các DN ngành thép sẽ áp dụng nhằm thoát khỏi khủng hoảng.

Sản xuất tại Công ty Thép Bắc Việt. Ảnh: TRẦN VIỆT

Khó khăn chưa được “tháo”


Theo đánh giá của nhiều DN, năm 2013 vẫn tiếp tục có nhiều khó khăn và áp lực lớn đối với các DN thép bởi những “nút thắt” của năm 2012 vẫn chưa tháo gỡ được như: Thị trường bất động sản “đóng băng”, nhu cầu tiêu dùng giảm, cung vượt xa cầu…

Ông Vũ Bá Ổn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNsteel) dẫn chứng, trong năm 2012, tất cả các công ty sản xuất kinh doanh thép trong hệ thống phải tiết giảm sản xuất, điều chỉnh kế hoạch phù hợp với nhu cầu thị trường. Có những tháng, phần lớn nhà máy chỉ chạy 40-50% công suất, thậm chí 30% công suất để duy trì sản xuất và giữ chân lao động.

Bổ sung cho những khó khăn trên, ông Tạ Thanh Hiếu, Giám đốc Công ty Thép miền Nam chia sẻ, thị trường có nhiều biến động khó lường, các sản phẩm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng trong thời gian ngắn nhưng lại giảm giá trong thời gian dài và không ổn định. Bên cạnh đó, nhu cầu sụt giảm đáng kể khiến cho Công ty Thép miền Nam đã phải điều chỉnh sản xuất, cắt giảm 10 ngày sản xuất và ngưng tồn kho hơn 30 ngày.

Còn theo ông Trần Văn Khâm, Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, mặc dù vẫn duy trì được nhịp độ sản xuất, tạo việc làm ổn định cho công nhân nhưng thu nhập của người lao động tại Công ty trong năm qua giảm sút nghiêm trọng. Không chỉ gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên còn phải đối mặt tình trạng thiếu vốn cho các dự án tại các nhà máy. “Công ty tiếp tục phải triển khai Dự án mở rộng sản xuất Giai đoạn 2 trong điều kiện khó khăn về nhà thầu, vốn cho dự án giải ngân chậm và thiếu”, ông Khâm nói.

Chưa kể đến tình trạng thép ngoại tràn vào khiến cho thép nội phải cạnh tranh gay gắt, nhất là tình trạng một lượng thép hợp kim lớn của Trung Quốc nhập vào Việt Nam đã được “phù phép” thành thép xây dựng để hưởng thuế suất 0%, từ đó bán với giá thấp hơn giá thép xây dựng của Việt Nam cũng đã gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất trong nước.

Tiết giảm chi phí

Với những khó khăn này, không còn cách nào khác, các DN phải tự tìm cách khắc phục ngay từ những ngày đầu năm 2013. Đối với Công ty Thép miền Nam, ông Hiếu cho biết, công ty sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, lập kế hoạch linh hoạt từng tháng, quý phù hợp với thị trường. Cụ thể, nâng cao nhận thức tiết kiệm chống lãng phí, công khai minh bạch vật tư vật liệu, phân tích chi phí sản xuất lượng thép cán thép và chi phí tài chính định kỳ hàng tháng…

Không chỉ cắt giảm sản xuất, điều chỉnh kế hoạch để phù hợp với nhu cầu thị trường, hầu hết các DN trong ngành thép đều phải tính đến phương án cắt giảm chi phí giá thành sản phẩm và thực hành tiết kiệm. Ông Khâm cho biết, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã phải rà soát lại mọi hoạt động để cắt giảm những chi phí không cần thiết và giao khoán tiết kiệm bắt buộc với các đơn vị thành viên. Ngoài ra, cơ chế khuyến khích áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng các công nghệ hiện đại cũng được áp dụng, bước đầu giúp công ty tiết giảm được 1,5% chi phí giá thành.

Một biện pháp nữa được một số DN áp dụng, đó là tập trung quản lý đầu ra sản phẩm thông qua việc xây dựng hệ thống phân phối. Ông Hồ Văn Thiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty Tôn Phương Nam cho biết, công ty luôn chú trọng xây dựng mối quan hệ tốt với các nhà phân phối như hỗ trợ đại lý tăng cường quảng bá thương hiệu, tổ chức các hội nghị khách hàng khu vực, chính sách giá cả thị trường linh hoạt và được kiểm soát minh bạch. Nhờ vậy, đến nay DN này đã có 11 đại lý “trung thành” chỉ bán sản phẩm Tôn Phương Nam.

Nỗ lực từ chính bản thân DN là điều không thể thiếu trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, các DN cũng kiến nghị rằng, cần có giải pháp tiếp tục giảm lãi suất cho vay và mở rộng lĩnh vực được ưu tiên vay vốn để giúp DN thoát khỏi khó khăn vì lãi suất tín dụng còn quá cao so với khả năng sinh lợi của DN. Mặt khác, Chính phủ, Bộ Tài chính, các ngân hàng bố trí, thu xếp vốn bổ sung để các dự án hoàn thành theo tiến độ, ví dụ như Dự án mở rộng sản xuất Giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Theo HQ Online

 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng