Trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng leo thang, Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 11/5/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ đặc thù thực hiện kê khai giá trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Quyết định số 18) được xem là giải pháp thiết thực, ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp tự nâng giá bán, giải quyết nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn. Theo đó, quyết định này đã đưa đất san lấp đạt K (K90, K95, K98), đất san lấp thông thường; cát xây, trát, cát bê tông, cát nền; đá xây dựng, sỏi; sản phẩm đá tự nhiên, đá nhân tạo (đá ốp, lát, đá xẻ các loại) vào danh mục hàng hóa đặc thù phải thực hiện kê khai giá bán. Giá kê khai được thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư 56/2014/TT-BTC ngày 28/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6 Điều 1 Thông tư số 233/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục phải thực hiện kê khai giá thực hiện kê khai giá đầy đủ khi có thay đổi giá và bán theo giá niêm yết... Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán không đúng giá niêm yết, kê khai thì lập biên bản vi phạm và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp trên địa bàn xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân không thực hiện kê khai giá, bán không đúng giá niêm yết. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan: Cục Quản lý thị trường tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Qua đó, phát hiện và xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện kê khai giá, niêm yết giá hoặc bán với giá không đúng giá đã công khai, niêm yết theo quy định.
Quyết định số 18 ra đời đã nhanh chóng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ dư luận, nhất là các doanh nghiệp đang triển khai thi công dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, doanh nghiệp vận tải và người dân xây dựng nhà ở... Bởi đơn giản, quyết định này đã góp phần đáng kể ngăn chặn tình trạng tự nâng giá bán, thậm chí là bán với giá “trên trời” đối với một số loại vật liệu: cát, đất san lấp,... như đã từng xảy ra trong những tháng đầu năm nay.
Trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có 26 mỏ khai thác đá vật liệu xây dựng thông thường và 1 mỏ cát có giấy phép khai thác còn hiệu lực. Ông Phạm Anh Tuấn,Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, cho biết, thực hiện Quyết định số 18, UBND huyện đã hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu quản lý chất lượng và niêm yết công khai giá bán đối với từng loại vật liệu xây dựng. Việc công khai giá bán phải rõ ràng, dễ hiểu, ở vị trí dễ quan sát, để tổ chức, cá nhân đến mua vật liệu xây dựng được biết và giám sát.
Tại các mỏ đất vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Độ Quý và Công ty TNHH Liên Việt (xã Lộc Thịnh, huyện Ngọc Lặc), việc niêm yết giá bán đã được doanh nghiệp thực hiện công khai. Bên trong khai trường mỏ, các doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường... Theo tìm hiểu của phóng viên, 5 doanh nghiệp khai thác đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn xã Lộc Thịnh đã niêm yết chung một giá bán cùng một mặt hàng theo khung giá quy định của Bộ Tài chính. Điều này đã góp phần làm minh bạch, tạo môi trường lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đá vật liệu xây dựng tại đây.
Tương tự, tại huyện Nông Cống, sau khi xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản, hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn đã dần đi vào nền nếp. Ông Lê Hồng Tới, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 8 mỏ đá vật liệu xây dựng thông thường và 8 mỏ đất có giấy phép khai thác còn hiệu lực. Sau khi có hướng dẫn của UBND huyện, các doanh nghiệp đã thực hiện việc kê khai giá, niêm yết và bán vật liệu xây dựng theo giá niêm yết. Huyện sẽ tiến hành kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp không chấp hành quy định của Nhà nước.
Nhìn chung, sau chưa đầy 3 tháng thực hiện Quyết định số 18, việc kê khai, niêm yết và bán vật liệu xây dựng theo giá niêm yết đã được hầu hết doanh nghiệp chấp hành, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý giá bán vật liệu xây dựng. Song vẫn còn tình trạng số ít doanh nghiệp chưa thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Ví như, tại huyện Ngọc Lặc, thời điểm đầu triển khai việc kê khai, niêm yết giá các loại vật liệu xây dựng, vẫn còn một số công ty, doanh nghiệp khai thác chưa phối hợp cung cấp hóa đơn, báo giá hàng tháng, quý về UBND huyện theo yêu cầu. Hay trên địa bàn tại phường Tào Xuyên (TP. Thanh Hóa), theo ghi nhận, tại bãi cát của Công ty TNHH Nga Sơn Phát vẫn chưa công khai niêm yết giá...
Rõ ràng, việc kê khai, niêm yết và bán theo giá niêm yết đối với hàng hóa nói chung và các loại vật liệu xây dựng nói riêng đã góp phần minh bạch thị trường, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Do vậy để tiếp tục đảm bảo công bằng, minh bạch trong sản xuất, kinh doanh vật liêu xây dựng, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương.
VLXD.org (TH/ Báo Thanh Hóa)