Gặp Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) Bùi Hồng Minh trong những ngày cuối cùng của năm 2017. Trước thềm xuân mới nhưng vị “thuyền trưởng” – người tổng chỉ huy điều hành sản xuất kinh doanh của một thương hiệu XM lớn nhất cả nước vẫn không một phút ngơi nghỉ, bận rộn hàng núi việc bởi con đường đưa VICEM vượt qua khó khăn khi thị trườngxi măng dư cung cao và khi sát nhập Xi măng Hạ Long - Xi măng Sông Thao đang bên bờ vực phá sản, kinh doanh thua lỗ về với VICEM, mục tiêu đưa VICEM phát triển mạnh mẽ và bền vững vẫn đang chờ phía trước...
Trên vai “Vị tư lệnh” ấy là cả gánh lo toan, làm sao sản xuất và cung ứng xi măng tốt nhất với chất lượng tốt nhất, dịch vụ bán hàng hoàn hảo nhất trên thị trường để tăng tính cạnh tranh và uy tín của thương hiệu VICEM; làm sao đảm bảo việc làm cho 18.000 lao động trên khắp cả nước từ Bắc tới Nam, làm sao để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động; đảm bảo đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn và làm tốt công tác an sinh xã hội… Là một người có tư duy nhanh nhạy, thông minh, quyết đoán, Tổng Giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh luôn nghĩ mới làm mới. Nhất định anh sẽ đưa VICEM vượt qua khó khăn, hướng VICEM phát triển bền vững, cổ phần hóa gắn với tái cấu trúc thành công để VICEM thêm “sức bật” trong giai đoạn mới – nơi mà sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt.
Năm 2017 chính thức khép lại, một năm ngành xi măng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi thị trường xi măng tiếp tục tăng cung nhưng cầu không tăng nhiều, thị trường xuất khẩu nhiều biến động, ngay cả Philippines – một thị trường xuất khẩu truyền thống của nước ta - thì xuất khẩu xi măng cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi hàng rào thuế quan, chính sách kiểm soát chặt chẽ hàng hóa vào Philippines; trong nước thời tiết không thuận lợi, mưa bão nhiều, gây khó khăn cho xây dựng công trình nói chung và khó khăn cho sản xuất, kinh doanh xi măng nói riêng. Tuy nhiên, ngành xi măng lại tiếp tục đón “sóng lớn” khi than và điện cùng tăng giá. Đầu năm 2017, giá than với mức tăng 10% khoảng 200.000 đồng/tấn, cuối năm giá điện lại tăng… trong khi chi phí năng lượng chiếm 50 - 53% giá thành xi măng nhưng giá bán xi măng không tăng, thậm chí còn giảm 100.000 đồng/tấn, đặc biệt giá bán XM rời giảm khá… Năm 2017, cũng là năm biến động tỷ giá ngoại tệ, đặc biệt Euro khá lớn.
Bao khó khăn, bất lợi cho sản xuất kinh doanh là thế nhưng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó và khát khao cháy bỏng tiếp tục phát triển VICEM trên tầm cao mới, người VICEM đã vượt qua khó khăn của năm 2017 thành công. Sản xuất kinh doanh của toàn Tổng Công ty VICEM vẫn giữ tiến độ; tiếp tục chương trình tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh; điều chỉnh lại thị trường; phân bố lại các nguồn lực sản xuất, phân bố và cân bằng lại thị trường, đưa xi măng từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam; gia tăng thị phần và kiểm soát chi phí; thực hiện tái cấu trúc toàn diện VICEM.
Tổng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ toàn VICEM gần 27 triệu tấn; trong đó sản xuất trên 22 triệu tấn xi măng; tiêu thụ xi măng nội địa hơn 21 triệu tấn và xuất khẩu hơn 1 triệu tấn xi măng, chưa kể clinker; doanh thu 35 nghìn 500 tỷ đồng; nộp ngân sách trên 1.500 tỷ đồng… Toàn VICEM không có đơn vị nào nợ lương, không có đơn vị nào nợ bảo hiểm xã hội, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng, tăng 36,8% so với năm 2013.
Nếu không nhận thêm nhà máy Xi măng Hạ Long và Sông Thao thì toàn VICEM “sống khỏe”. Là doanh nghiệp nhà nước, có lợi thế về sản xuất và tiêu thụ, có thể hỗ trợ cùng nhau trong toàn hệ thống VICEM, nhưng khi nhận thêm 2 “khối nợ” khổng lồ hàng nghìn tỷ đồng của Xi măng Hạ Long và Sông Thao đã khiến VICEM đau đầu. Ngay sau khi nhận bàn giao 2 nhà máy trên, VICEM và các đơn vị thành viên vào cuộc quyết liệt, tái cơ cấu toàn diện với quyết tâm để hai nhà máy này thoát lỗ.
Sản phẩm của Xi măng Hạ Long đã được chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn của VICEM Hoàng Thạch và Hà Tiên. Sản phẩm của Xi măng Sông Thao được mang thương hiệu VICEM Hải Phòng. Kể từ ngày bàn giao đến nay, 2 nhà máy đã sản xuất và kinh doanh ổn định, bước đầu Xi măng Hạ Long trả nợ được 20 triệu EURO cho Bộ Tài chính đợt 1. Mặc dù duy trì hoạt động sản xuất và tiêu thụ nhưng năm 2017 sự chênh lệch tỷ giá khá lớn của Euro đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Xi măng Hạ Long và Tổng Công ty.
Ngay sau khi tiếp nhận, VICEM thực hiện tái cấu trúc Xi măng Sông Thao và có lãi, cân đối trả nợ trong năm. Nhưng lỗ lũy kế trước khi chuyển về VICEM vẫn còn tồn tại. Do chênh lệch tỷ giá nên VICEM phải trích lập khoản dự phòng đầu tư theo quy định của pháp luật làm giảm 700 tỷ đồng lợi nhuận năm 2017 (nếu không VICEM có lãi gần 2.500 tỷ đồng) để giúp 2 đơn vị Hạ Long và Sông Thao cân đối được dòng tiền trả nợ. Hiện VICEM tiếp tục thực hiện tái cấu trúc 2 đơn vị này, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Xi măng Hạ Long và Sông Thao đang từng bước gắn kết trong “cơ thể sống” của Tổng Công ty VICEM, hòa cùng nhịp sản xuất và kinh doanh của toàn VICEM.
Câu chuyện với vị tổng giám đốc Bùi Hồng Minh về dự định cho năm mới 2018 với 3 trọng tâm là cổ phần hóa gắn với tái cấu trúc VICEM; tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh và phân bổ lại nguồn lực thị trường đã khẳng định đường đi chiến lược của VICEM giai đoạn tới.
Nhiệm vụ đầu tiên và cũng là công việc trọng tâm năm 2018 của VICEM là thực hiện tái cấu trúc Tổng Công ty xi măng gắn công tác cổ phần hóa; tái cấu trúc Công ty mẹ và các đơn vị thành viên, tập trung phát triển năng lực cốt lõi, phát triển thành doanh nghiệp chủ chốt của ngành xi măng Việt Nam, thoái hóa và bán những ngành nghề không phù hợp… VICEM xác định đây là việc chính của năm 2018, gắn tái cấu trúc xử lý tồn tại về tài chính của giai đoạn trước ở hai nhà máy Xi măng Hạ Long Và Sông Thao, cơ cấu ngành nghề cho phù hợp chức năng.
Thứ 2 là chủ động các hoạt động sản xuất kinh doanh trên tinh thần tối ưu hóa hoạt động sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng quản lý, kỹ thuật; đầu tư giải quyết các nút thắt công nghệ; đầu tư chiều sâu giảm tác động đến môi trường; giảm giá thành sản phẩm; nghiên cứu thêm sản phẩm xi măng phục vụ thị trường tiêu dùng và phục vụ an ninh quốc phòng.
Thứ 3 là phân bổ nguồn lực thị trường. Tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, từng bước đầu tư chiều sâu công nghệ, giảm tác động môi trường, phân bố nguồn lực xi măng và clinker cho 3 miền; giảm áp lực logictic lên đường bộ.
“Tiếp tục cơ cấu sản phẩm tiêu thụ là tập trung sản phẩm chủ lực hiệu quả, phục vụ cho công trình xây dựng và cơ sở hạ tầng; cơ cấu tái cấu trúc tài chính, đảm bảo đủ vốn điều lệ giải quyết tồn tại trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đưa lại hiệu quả sử dụng đồng vốn; Cắt và dừng những dự án không hiệu quả; tái cấu trúc các khoản mục đầu tư phục vụ phát triển; nâng cao hệ thống quản trị doanh nghiệp; tập trung tinh giảm bộ máy theo tinh thần của Nghị quyết TW 6; nâng cao năng suất lao động, đổi mới công nghệ, tạo thế thi đua phong trào kỷ niệm 88 năm truyền thống ngành xi măng và 60 năm ngành Xây dựng”, Tổng Giám đốc Bùi Hồng Minh khẳng định.
Mùa xuân đã về với VICEM! Trước thềm năm mới 2018, mặc dù còn bộn bề công việc và ấp ủ bao dự định cho năm mới, ngọn lửa truyền thống của ngành xi măng lại tiếp tục lan tỏa về VICEM Hoàng Thạch như tiếp thêm sức mạnh để người VICEM vững tin bước lên chặng đường mới thành công.
Tái cấu trúc doanh nghiệp
Trong bối cảnh xi măng cung vượt xa cầu với sản lượng sản xuất toàn ngành 95 triệu tấn, tiêu thụ trong nước đạt 60 triệu tấn, chi phí đầu vào cho sản xuất xi măng lại không ngừng tăng nhưng giá xi măng 4 năm nay không tăng, thậm chí đến nay còn giảm thì yêu cầu giữ ổn định, hướng VICEM phát triển bền vững, 5 năm qua, VICEM phải đảm bảo ổn định, phát triển sản xuất, đi từ hơn 1 nghìn tỷ lợi nhuận với 22 triệu tấn đến nay lên đến 2,5 nghìn tỷ lợi nhuận/năm. Để đạt được con số và kết quả nêu trên là sự nỗ lực của toàn VICEM, trong đó lãnh đạo VICEM ghi nhận vai trò của công đoàn VICEM các cấp và trực tiếp là người lao động. VICEM đứng vững trước khó khăn, thử thách, đưa sản lượng, doanh thu và lợi nhuận trước thuế không ngừng tăng, đưa 1 dự án mới vào hoạt động, thêm 1 dây chuyền sản xuất clinker, tiếp nhận 2 nhà máy xi măng là Sông Thao và Hạ Long và hiện đang nỗ lực cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp để đảm bảo VICEM phát triển ổn định, bền vững.
“Đã là sản xuất kinh doanh và thị trường là không dễ dàng nhưng khó đến đâu chúng ta cũng tìm đường, tìm cách để vượt qua. Tôi tin với truyền thống lịch sử hơn 100 năm, với tinh thần đoàn kết là sức mạnh, chúng ta toàn VICEM sẽ tiếp tục “giữ đất”, “giữ dân”, tiết kiệm chi phí, phát triển sản xuất, phía trước còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta quyết tâm đi lên, hướng đến sự phát triển bền vững”, ông Khải nhấn mạnh.
VLXD.org (TH/ Xây dựng)