DOITHUONG247 - CỔNG THÔNG TIN TRÒ CHƠI ĐỔI THƯỞNG

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Thời cơ đã đến

18/05/2011 - 09:01 SA

Năm 2011 là năm có ý nghĩa quan trọng - năm mở ra giai đoạn phát triển mới 2011 – 2015, do vậy, các ngành, các cấp của tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh không ngừng tăng trưởng. Việc đầu tiên cần làm là điều chỉnh chiến lược kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển đô thị đi đôi với bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội…


Điều chỉnh chiến lược kinh tế - xã hội

Do quy hoạch kinh tế - xã hội đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 chỉ lấy mốc hiện trạng đến năm 2005 nên việc điều chỉnh chiến lược kinh tế - xã hội là tất yếu, nhằm cân đối lại các yếu tố đầu vào của quy hoạch phát triển như: Hệ thống hành lang giao thông (đường cao tốc, QL1A mở rộng gắn với cầu Mỹ Lợi, dự án mở rộng kênh Chợ Gạo và trong tương lai xa hơn là tuyến xe lửa Sài Gòn - Cần Thơ - Cà Mau, đường vành đai phía bắc QL50...); mở rộng các khu vực hành chánh mới như huyện Tân Phú Đông, TP Mỹ Tho, thị xã Cai Lậy và các thị trấn mới theo quy hoạch đô thị được duyệt); hình thành các dự án cấp vùng, trước mắt là khu giáo dục đại học và cơ sở y tế.

Mặt khác, địa bàn Tiền Giang lại gắn kết với cả 2 quy hoạch vùng: Quy hoạch vùng kinh tế TP.HCM, trong đó Mỹ Tho là đô thị cực Nam của vùng; Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Mỹ Tho - Cần Thơ - Cà Mau là tam giác đô thị hạt nhân của vùng. Đặc biệt, sự phát triển các đô thị mới chung quanh như các TP Bến Tre, Vĩnh Long, Tân An với các cầu Rạch Miễu, Mỹ Thuận, QL1A nối liền, làm thay đổi các lợi thế tương quan vùng.

Ngoài ra, với 5 quan hệ vùng kinh tế: Vùng kinh tế TP.HCM ở phía tây bắc, vùng biển Đông, vùng Bến Tre ở phía nam, vùng Tây Nam bộ ở phía Tây Nam; 2 vùng sẽ kết nối chặt, đó là vùng Campuchia ở phía tây và vùng Đông Nam bộ ở phía tây bắc nên kinh tế - xã hội tỉnh trong những năm tới cần phải nghiên cứu khai thác triệt để các vùng động lực, nhất là khu tứ giác QL1A, đường cao tốc Thân Cửu Nghĩa và vùng biển Đông... Trong quá trình phát triển, có xem xét các quá trình suy giảm kinh tế và biến đổi khí hậu tác động đến nền kinh tế của Tiền Giang. Do đó, cần xây dựng các mục tiêu phát triển, hệ thống động lực và giải pháp tăng trưởng kinh tế.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Những năm qua, bằng nhiều giải pháp tích cực, tỉnh Tiền Giang đã có bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tuyến tính, nhưng gia tốc không lớn. Vì vậy cần phải tập trung vào những giải pháp toàn vùng như: Về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cần tăng năng suất các vùng chuyên canh, phát triển loại hình rau sạch và trái cây an toàn; thúc đẩy mô hình liên kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ; đào tạo về sản xuất, quản lý nông nghiệp cho các hộ nông dân; đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật xã hội nông thôn, xây dựng nông thôn mới, trước mắt chọn mỗi huyện một xã để làm thí điểm. Về thực hiện quá trình công nghiệp hóa, trên cơ sở mở rộng thêm 3 khu công nghiệp, năm 2010 tỉnh đã lập quy hoạch điều chỉnh các vùng công nghiệp. Tăng cường công tác quản lý các khu, cụm công nghiệp: Rà soát quỹ đất đã giao, cho thuê; kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường; quản lý lao động người nước ngoài. Về phát triển thương mại và hiện đại hóa hoạt động dịch vụ, nên định hướng các sản phẩm thương mại chủ lực để phối hợp với các ngành công nghiệp thực hiện. Phát triển các trung tâm thương mại cấp vùng; song song tiến hành sắp xếp, chỉnh trang lại các chợ ở huyện, thành, thị. Gia tăng nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất và dịch vụ. Quản lý tốt giá cả sản phẩm, nhất là những tháng đầu năm 2010 có nhiều yếu tố gây biến động.

Kiện toàn và chương trình kinh tế xã hội

Thực tế hiện nay cho thấy, muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải nhanh chóng kiện toàn và phát triển hệ thống động lực, bao gồm 8 vấn đề:

Thứ nhất, căn cứ quy hoạch, tỉnh sẽ sớm ban hành cơ chế tạo quỹ đất phục vụ đầu tư; ban hành chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng và tăng giá đất năm 2011. Trước mắt, thực hiện điều phối dần quỹ đất thuộc “diện công sản”, gia tăng tính hiệu quả sử dụng đất; kiện toàn công tác cổ phần hóa doanh nghiệp, nhất là về giá trị sử dụng quỹ đất. Quan tâm xây dựng quỹ nhà tái định cư, để chủ động trong di dời dân cư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Thứ hai, quy hoạch và nâng cao hệ thống cơ sở đào tạo nghề với 3 nội dung chủ yếu: Kiện toàn, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật; đổi mới nội dung giảng dạy và nâng cao trình độ của cán bộ giảng dạy; đa dạng hóa ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu sản xuất - kinh doanh sắp tới.

Thứ ba, thu hút các nguồn tài chính hỗ trợ đầu tư. Để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh ngày càng cao, cần khai thác tốt các nguồn vốn khác nhau, ngoài nguồn vốn ngân sách, chương trình mục tiêu, trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách tỉnh, cần huy động hệ thống các ngân hàng, quỹ đầu tư, quỹ tín dụng... hoạt động trên địa bàn tỉnh. Hướng tới thành lập một khu phố tài chính tại khu vực trung tâm của tỉnh.

Thứ tư, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và thương mại. Các Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Thương mại tỉnh nên tổ chức thường xuyên các hội nghị xúc tiến đầu tư và thương mại. Tiếp tục liên kết hợp tác đầu tư với TP.HCM, trong đó điều chỉnh cơ chế phối hợp, mở rộng lĩnh vực hợp tác đầu tư và chuẩn bị quỹ đất đầu tư. Đồng thời, tỉnh ban hành chính sách điều chỉnh về ưu đãi đầu tư, có xem xét đến các quy định của Chính phủ mới ban hành, các chính sách của tỉnh lân cận và các điều kiện ưu đãi riêng của Tiền Giang.

Thứ năm, cải cách hành chánh, trong đó tập trung vào nghiên cứu điều chỉnh các chức năng quản lý. Thúc đẩy nhanh quá trình cải cách thủ tục hành chánh, mối quan hệ trong hệ thống cơ quan hành chánh và cơ sở vật chất kỹ thuật hành chánh. Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp trong cả hệ thống chính trị. Nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, thủ tục hành chánh 1 cửa liên thông cấp huyện, thành, thị và ngày làm việc thứ bảy.

Thứ sáu, nâng cao dịch vụ khoa học - kỹ thuật. Trên cơ sở phát huy nội lực và liên kết với các cơ sở nghiên cứu bên ngoài, cần tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm chủ lực; nghiên cứu các nguy cơ của biến đổi khí hậu chi phối đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống con người; những tiềm năng tự nhiên, các yếu tố động lực phục vụ cho sự phát triển. Chú trọng thực hiện phản biện khoa học, xác định hướng giải quyết tối ưu của các giải pháp kinh tế - xã hội.

Thứ bảy, áp dụng mô hình xã hội hóa. Nghiên cứu thực hiện xã hội hóa trên tất cả các lĩnh vực, kể cả y tế và giáo dục. Xem xét, vận dụng 2 phương thức xã hội hóa chủ yếu là có thu tự trang trải và đổi đất lấy hạ tầng.

Thứ tám, kiện toàn hệ thống Liên hiệp hội các Hội Khoa học - kỹ thuật trên địa bàn tỉnh với mục tiêu là thu hút, khuyến khích và hỗ trợ đầu tư. Nâng cao nội dung và hình thức hoạt động của Liên hiệp hội. Tạo điều kiện cho Liên hiệp hội tỉnh giao lưu với các Liên hiệp hội địa phương khác và hợp tác quốc tế.

Chỉnh trang và phát triển đô thị

Về chỉnh trang và phát triển đô thị, tỉnh sẽ tiến hành quy hoạch lại đô thị với mục tiêu phát triển bền vững: Phát triển kinh tế trên cơ sở nâng cao đời sống xã hội và bảo vệ môi trường. Trong quản lý xây dựng đô thị, chú ý với 2 nội dung: Kiến trúc đô thị có tính đến tầng cao đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị. Tổ chức xử lý chất thải đô thị với giao thông đô thị, trong đó thực hiện chuyển đổi xe cơ giới 3, 4 bánh thô sơ, tự tạo. Chú trọng xây dựng các khu phố, xã, phường văn hóa.

Đi đôi với những chương trình mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội như vừa nêu trên, tỉnh sẽ hết sức quan tâm đến vấn đề trật tự xã hội, an toàn giao thông và tội phạm xã hội. Đây là những chủ đề đã có chương trình giải quyết, cần tập trung cao trong thời gian tới. Ngoài ra, cần làm tốt công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm cũng như chăm lo giải quyết nhà ở cho các hộ nghèo, diện chính sách, nhất là huyện Tân Phú Đông và Tân Phước. Đồng thời, phải tập trung giải quyết các khiếu nại, tố cáo, các vụ khiếu kiện tập trung đông người, kéo dài, trên cơ sở phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ TN&MT; phối hợp các ngành, đoàn thể trong tỉnh; đi sâu giải quyết từng trường hợp cụ thể.

Với những thành quả kinh tế - xã hội khả quan mà Tiền Giang đã đạt được trong những năm qua, năm 2011 chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng rằng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết nhất trí, đồng tâm hiệp lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tận dụng thời cơ, năng động, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đưa Tiền Giang phát triển ở tầm cao mới.

NQ_Theo,baoxaydung

Thương hiệu vật liệu xây dựng