Khó khăn của doanh nghiệp
Theo Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2023, ngành khai khoáng theo giá so sánh 2010 đạt trên 3.895 tỷ đồng tăng 23% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu đạt khá so với kế hoạch, tăng cao so với cùng kỳ như: Felspat bột ước đạt 111.682 tấn, tăng 11,45%; đá CaCO3 hạt và bột ước đạt 1.221 nghìn tấn, tăng 5,02%; xi măng và clinker ước đạt 1.751 nghìn tấn, tăng 17,5%...
Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tạo được việc làm cho 7.865 lao động, với mức thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng, đóng góp ngày càng cao cho ngân sách. Ngoài nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã đóng góp, ủng hộ cho địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng tại nơi có mỏ và nhà máy hoạt động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đang gặp nhiều khó khăn.
Công nhân trong dây chuyền sản xuất đá trắng tại Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K quốc tế, huyện Lục Yên.
Ông Nguyễn Văn Toản, Giám đốc Công ty Cổ phần Luyện kim và Khai khoáng Việt Đức, huyện Lục Yên cho biết, sau ảnh hưởng của Covid-19 thì khủng hoảng nhiên liệu; dẫn đến, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, khiến nguồn thu thì thấp mà chi phí bị đội lên rất nhiều lần. Trên thực tế, bảng giá tính thuế tài nguyên và thuế suất của thuế xuất khẩu lại tăng chứ không giảm gây khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp đề nghị được áp dụng mức giá tính thuế tài nguyên đối với đá ốp lát sau chế biến được tạo ra từ đá không đạt tiêu chuẩn với mức giá thấp hơn mức giá quy định để phù hợp với điều kiện thực tế; áp dụng mức giá tính thuế không tăng theo từng năm.
Ông Nguyễn Ngọc Chỉnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Mông Sơn, huyện Yên Bình chia sẻ khó khăn của đơn vị mình, theo quy định tại Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quy định tiền cấp quyền từ tấn sang khối. Theo Luật Thuế tài nguyên, quy định khai thác ra bao nhiêu tính thuế bấy nhiêu, tuy nhiên thu thuế lại tính theo khối lượng bán ra. Đến khi xuất được thì lại tính thuế hiện tại; do đó, áp thuế cao và vượt công suất.
Cùng với khó khăn về thuế, thị trường, hiện tại nhiều doanh nghiệp còn thiếu chỗ đổ thải, khó khăn trong thực hiện hợp đồng thuê đất và công tác mở rộng hành lang an toàn tại các khu khai thác mỏ... Theo đại diện Công ty Cổ phần Luyện kim và Khai khoáng Việt Đức, huyện Lục Yên, trong quá trình khai thác mặc dù doanh nghiệp đã thực hiện đúng quy định an toàn, nhưng do tác động của thời tiết nên vẫn có nguy cơ xảy ra sạt lở vách núi tự nhiên gây nguy hại và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh nên doanh nghiệp mong được chính quyền địa phương, ngành chức năng hỗ trợ trong việc đàm phán và giải phóng mặt bằng, di dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Công ty Cổ phần Khoáng sản Simco Fansipan cho biết, Công ty được cấp giấy phép khai thác mỏ đá hoa khu vực Mông Sơn VII từ năm 2014, song đến năm 2018 mới thuê được 1/2 diện tích nên không bố trí được vị trí đổ thải. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét ký hợp đồng thuê đất để khai thác và đổ thải theo thiết kế.
Ngành chức năng gỡ khó
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 108 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, của 93 tổ chức, doanh nghiệp gồm 42 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, 66 giấy phép do tỉnh cấp. Tổng công suất khai thác gần 4,3 triệu m3/năm và trên 17,4 triệu tấn/năm, trên tổng diện tích khai thác mỏ là 1.421ha. Hiện tại, có 76 mỏ đang khai thác, 21 mỏ chưa khai thác.
Hoạt động khai thác đá của Công ty Cổ phần Khai khoáng Thanh Sơn, huyện Lục Yên.
Toàn tỉnh có 88 nhà máy chế biến khoáng sản đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc chủ trương đầu tư; trong đó, có 39 nhà máy đang hoạt động. Hầu hết các nhà máy đều gắn với các mỏ nguyên liệu được cấp phép và sử dụng công nghệ máy móc ở mức trung bình trở lên, một số nhà máy được đầu tư dây chuyền hiện đại, nhiều sản phẩm làm ra đạt chất lượng xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan để tổ chức gặp mặt lắng nghe kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương luôn đồng hành và kịp thời có giải pháp tháo gỡ.
Cụ thể, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản tỉnh Yên Bái năm 2023 do Sở Công Thương tổ chức ngày 15/9, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu xây dựng bảng tính thuế môi trường trong hoạt động khoáng sản. Liên quan đến hệ số quy đổi theo Nghị định 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tỷ trọng đất đá căn cứ trên hồ sơ dự án được lập và phê duyệt; việc kê khai thuế của doanh nghiệp phải tuân theo Luật thuế khai thác đến đâu kê khai thuế trong năm theo sản lượng khai thác hàng năm mà doanh nghiệp khai thác thì doanh nghiệp sẽ kiểm soát được sản lượng khai thác và sẽ không xảy ra tình trạng vượt công suất khai thác.
Về vấn đề khung tính phí bảo vệ môi trường cao, ông Đoàn Quốc Trường, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chia sẻ, do quan điểm khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, nên thu mức phí cao để đảm bảo tiết kiệm tài nguyên. Về vấn đề áp thuế đối với sản phẩm mới, Cục Thuế tỉnh sẽ đề xuất vào kỳ tới. Cục Thuế cũng đề nghị các doanh nghiệp tham gia ý kiến, chung tay với cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng bảng quy đổi tỷ lệ cho hợp lý.
Bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn của các ngành, chính quyền các cấp thì các doanh nghiệp cũng cần nắm rõ đầy đủ và tuân thủ các quy định trong các văn bản luật, các quy định trong các nghị định, thông tư, quy chế hiện hành, các quy định đã được thể hiện trong giấy phép khai thác khoáng sản, giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư để hoàn thiện các hồ sơ pháp lý trước và trong quá trình hoạt động khoáng sản.
Ông Vũ Vinh Quang, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Sở Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp tiếp thu, khắc phục triệt để các tồn tại đã được chỉ ra trong các cuộc thanh tra, kiểm tra, làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước; thường xuyên trao đổi, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để được giải đáp, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo đúng quy định.
Các cơ quan quản lý Nhà nước đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất phát triển.
Cùng đó, các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển, mở rộng sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ máy móc hiện đại, sản xuất đến sản phẩm cuối cùng, giá trị gia tăng cao, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, dịch vụ nổ mìn phải tuân thủ đúng thiết kế khai thác mỏ, thiết kế xây dựng; chỉ được phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại đúng vị trí cấp phép; áp dụng các biện pháp nổ mìn tiên tiến, sử dụng các loại vật liệu nổ công nghiệp ít gây tiếng ồn và khói bụi để không ảnh hưởng đến môi trường.
VLXD.org (TH/ Báo Yên Bái)