DOITHUONG247 - CỔNG THÔNG TIN TRÒ CHƠI ĐỔI THƯỞNG

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Đầu tư - Chứng khoán

Ba kịch bản của thị trường chứng khoán năm 2013

11/03/2013 - 09:46 CH

Thị trường chứng khoán muốn tăng trưởng phải có điều kiện về sự phục hồi tốt hơn của kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, thị trường chứng khoán vẫn luôn xuất hiện những cơ hội đầu tư có thể đem lại lợi nhuận tốt hơn so với các kênh đầu tư khác.


Đó là nhận định của ông Phạm Đức Thắng - Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán FLC (FLCS) tại hội thảo “Chia sẻ cơ hội đầu tư trong khủng hoảng” do công ty này tổ chức với sự tài trợ của Tập đoàn FLC, vừa diễn ra tại Tp HCM.


Tại diễn đàn này, ông Thắng đã đưa ra ba kịch bản của kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm 2013 mà sự tác động của nó sẽ đưa đến các diễn biến khác nhau của thị trường chứng khoán.

Kịch bản thứ nhất: Kỳ vọng cơ hội đầu tư đem lại lợi nhuận rõ ràng nhất dựa trên giả định Chính phủ sẽ đưa ra những quyết sách tác động để giảm giá các tài sản chính như chứng khoán, bất động sản, đồng thời chứng khoán hóa bất động sản và các khoản nợ xấu để bán ra cho các nhà đầu tư.

Ông Thắng phân tích: Khi luồng tiền được khơi thông, nợ xấu có xu hướng giảm, nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh hơn hiện nay. Đó là cơ hội cho một sự hồi phục vững chắc của thị trường chứng khoán và cũng là của nhà đầu tư, do tại thời điểm giảm giá, nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ thu được lợi nhuận tốt hơn trong tương lai.

Dù vậy, ông Thắng cũng cho rằng trong kịch bản này, nếu nhìn lại bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam, “giai đoạn hiện nay khá đặc biệt và không dễ để đưa ra những chính sách kích thích nền kinh tế. Nếu tiếp tục bơm tiền thông qua các gói kích cầu có thể dẫn đến tái lạm phát. Mặt khác, dư địa chính sách hạn hẹp khiến Chính phủ đưa ra gói kích cầu kinh tế là không nhiều”. Với nỗ lực thành lập công ty Mua bán Nợ Quốc gia (VAMC) nhằm giải quyết nợ xấu ngân hàng, trong trường hợp nếu Chính phủ triển khai ứng dụng chứng khoán hóa, đồng thời tác động lên thị trường để giảm giá các tài sản chính thì cơ hội thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân là rất lớn. Nhờ đó, dòng tiền vận hành và không tạo ra lạm phát sẽ giải quyết được các bài toán nợ xấu, tồn kho bất động sản…Điều quan trọng của kịch bản này là khi nền kinh tế đã tháo các điểm nghẽn, phục hồi tốt thì giá các tài sản cũng phải giảm đến mức kỳ vọng của nhà đầu tư, cơ hội sinh lời mới đủ thu hút mạnh nhà đầu tư. Theo kịch bản này, ông Thắng dự đoán thị trường chứng khoán có thể giảm điểm và bất động sản sẽ giảm tiếp 20-30%, nhưng đây sẽ là nền tảng cho mức tăng bền vững các năm tiếp theo.

Trong tình huống kịch bản 1 không xảy ra, kịch bản thứ hai sẽ là: Quá trình thành lập VAMC diễn ra mạnh mẽ song song với quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính được thực hiện triệt để, hiệu quả sản xuất toàn nền kinh tế được cải thiện. Nhờ đó, VN-Index cũng sẽ tăng điểm cao trong năm và chứng khoán sẽ là kênh đầu tư tốt cho dài hạn. Dù vậy, vị Tổng giám đốc FLCS cũng đánh giá kịch bản này nhiều khả năng ít xảy ra trên thực tế.

Ở kịch bản thứ ba, các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ không đủ mạnh, việc triển khai mờ nhạt và tác động đến doanh nghiệp không nhiều. Hoạt động tái cấu trúc thị trường và nền kinh tế không mang lại hiệu quả như mong muốn. Theo đó, thị trường sẽ chỉ tăng nhẹ trong dài hạn và nhà đầu tư sẽ chỉ có cơ hội lướt sóng ngắn hạn. Với kịch bản này thì chứng khoán nhìn trong trung hạn sẽ có khả năng xuất hiện những đợt giảm điểm.

Ông Thắng cho rằng, do thị trường đã tăng mạnh 2 tháng trước, nhiều cổ phiếu hiện nay đã ở mức giá khá cao so với trước, do vậy không thuận lợi cho kế hoạch đầu cơ tăng giá. Có nhiều yếu tố cho thấy diễn biến sắp tới vẫn sẽ nghiêng về giảm điểm. Tuy nhiên, cơ hội đầu tư trong năm 2013 sẽ xuất hiện rõ nét hơn khi VN-Index giảm về quanh vùng 400 điểm và HNX-Index về quanh vùng 54 điểm. Những biến động tăng giá lớn có thể xuất hiện vào quý III, quý IV do thị trường hiện đang trong giai đoạn điều chỉnh giảm sau giai đoạn tăng giá mạnh. Mặt khác, vào thời điểm cuối năm, nhiều khả năng sẽ xuất hiện các chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Những kịch bản mà đại diện FLCS đưa ra đã phác thảo khá đầy đủ các dự báo gần đây của các chuyên gia, các nhà kinh tế về kỳ vọng các chính sách điều hành vĩ mô sẽ tác động lên nền kinh tế, trong đó, có sự tác động lên các thị trường tài sản. Đồng thuận với quan điểm này, TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên HĐ Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng quý III, quý IV sẽ là thời điểm mà các thị trường tài sản có thể tăng thanh khoản.

Theo TS Trần Du Lịch - Thành viên HĐ Tư vấn Chính sách Tiền tệ Tài chính Quốc gia, năm 2013, bức tranh kinh tế vĩ mô tuy chưa thể dự đoán là khởi sắc và phục hồi mạnh nhưng đã có nhiều tín hiệu lạc quan. “Trong bức tranh tiêu cực đã xuất hiện nhiều điểm sáng tích cực. Tuy nhiên, thách thức đan xen cơ hội ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Đặc biệt, đây cũng là thời kỳ mở ra những cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt tái cơ cấu và phát triển bền vững. Thị trường sẽ trở nên lành mạnh hơn”, ông Lịch nói.

Theo DDDN

 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng