Các nhà khoa học Đài Loan phát minh ra công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng bền vững như gạch lát đường, tái chế từ các bảng mạch in phế thải (PCB), giúp bảo vệ môi trường và tạo nền kinh tế vòng tròn.
Những viên gạch hoặc đá lát đường có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau, là sản phẩm trí tuệ của Li Yeou-fong, GS kỹ thuật dân dụng tại NTUT và Cheng Ta-wui, Lee Wei-hao, giảng viên tại Viện Kỹ thuật Tài nguyên Khoáng sản của NTUT.
Là một phần trong quy trình nghiên cứu sản xuất chưa được công bố chi tiết, 3 nhà khoa học đã trộn chất thải PCB do công ty Super Dragon Technology Co. (SDTI) cung cấp, bột thủy tinh tái chế và polyme vô cơ để tạo thành vật liệu cơ bản, từ đó chế tạo ra những viên gạch thân thiện với môi trường. Các nhà khoa học Đài Loan đã mất khoảng một năm để xác định "tỷ lệ vàng" phối hợp các vật liệu với nhau.
Các nhà khoa học Đài Loan với sản phẩm gạch lát đường từ PCB.
GS Li là thành viên của Hiệp hội Composite Đài Loan, nhóm các nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu phát triển các giải pháp tái chế các chất thải nhựa gia cố dạng sợi (FRP). Ông đã lấy ý tưởng từ cách xử lý chất thải FRP bằng cách thêm những vật liệu có độ bền thấp được kiểm soát khác.
Ông đã quyết định sử dụng một phương pháp tương tự để phát triển gạch tái chế hoặc đá lát cho các mục đích xây dựng, đòi hỏi số lượng lớn gạch, nhờ đó có thể tiêu thụ nhiều chất thải PCB và mảnh thủy tinh hơn, tăng cường hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Li cho biết, Đài Loan sản xuất hơn 100.000 tấn chất thải PCB mỗi năm, thường được các công ty như SDTI xử lý. Nhưng sau khi các công ty này tái chế kim loại quý từ rác thải PCB, những vật liệu cao phân tử như vải sợi thủy tinh và nhựa còn lại không thể tái chế, nếu tiêu hủy bằng nhiệt sẽ thải ra khói độc, đồng thời có những giới hạn luật pháp về lượng rác thải PCB một Công ty có thể đổ ra bãi rác ngoài trời.
Phát biểu với kênh CAN, GS Li nói, do đó, các công ty tái chế phải xử lý lượng rác thải này, vật liệu được sử dụng để làm gạch tái chế gần như không tốn kém và không lấy từ tự nhiên” đồng thời chỉ ra rằng, loại gạch này thúc đẩy nền kinh tế vòng tròn đồng thời đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rác thải của các Công ty.
GS Li cho biết, một viên gạch hoặc đá lát bê tông tiêu chuẩn có thể chịu được áp suất gần 3.000 pound (1360 kg) trên mỗi inch vuông (2,5 cm²) (psi), nhưng gạch tái chế có thể chịu được ít nhất 6.000 psi.
Những viên gạch này đã nhận được Giải thưởng Huy chương Vàng tại Triển lãm Innotech Đài Loan 2022 và SDTI đang đàm phán ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với nhóm nghiên cứu.
Hơn thế nữa, phát minh của nhóm nghiên cứu có giá trị không chỉ ở phương pháp mới để sản xuất gạch mà còn trong những ứng dụng mới đối với polyme vô cơ, phương pháp sử dụng vật liệu phế thải này cũng có thể dùng để sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn như chậu cây, ghế đá, giá cắm ô và rất nhiều ứng dụng ngoài trời khác.
VLXD.org (TH/ Focus Taiwan)