>>
Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với khung chính sách cho phát triển VLXKN ở Việt Nam (P1)
2. Kinh nghiệm quốc tế
2.1. Tại Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách quyết liệt hạn chế và cấm phát triển gạch đất sét nung và đồng thời sử dụng giải pháp truyền thông để tuyên truyền tác hại của gạch đất sét nung. Cuối năm 2010, hơn 600 đô thị của Trung Quốc đã cấm hoàn toàn sử dụng gạch đất sét nung và đồng thời tăng cường sử dụng các vật liệu tái chế lên đến 28% thị phần vật liệu xây.
Chính phủ Trung Quốc thực thi chính sách “cây gậy và củ cà rốt”, song song có ưu đãi và phạt để phát triển các sản phẩm vật liệu xanh trong đó có VLXKN. Các chính sách ưu đãi, khuyến khích được thông qua các ưu đãi về thuế cho các nhà sản xuất VLXKN, phát triển thị trường VLXKN, đồng thời tạo các ưu đãi cho các chủ đầu tư sử dụng VLXKN để xây dựng công trình. Nhiều loại VLXKN thân thiện môi trường, đặc biệt các loại sản phẩm nhẹ, chống thấm nước tốt, cách nhiệt được nhiều ưu đãi hơn. Sử dụng tro bay cho các sản phẩm gạch bê tông chưng áp là hướng phát triển của nhiều nhà sản xuất Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đồng thời cung cấp nguồn tài chính cho các chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ và khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các loại vật liệu xanh chất lượng cao bao gồm nhiều sản phẩm VLXKN, đồng thời thực hiện các chính sách chặt chẽ về thuế, phạt nặng các doanh nghiệp, nhà sản xuất không tuân thủ các chính sách về phát triển vật liệu xanh, thân thiện môi trường.
Trong các năm 2010 - 2015, Trung Quốc triển khai các chương trình “Hội nhập và tái cơ cấu ngành công nghiệp gạch đất sét nung” và đã dừng hoạt động 486 cơ sở khai thác đất sét, làm giảm khoảng 14 tỷ viên gạch đát sét nung quy tiêu chuẩn, tương ứng với giảm 42,3% sản lượng gạch đất sét nung. Cũng trong thời gian nay, nhiều cơ sở sản xuất với công nghệ hiện đại, sản xuất các sản phẩm VLXKN chất lượng cao đã được hình thành và phát triển. Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn còn hiện tượng sản xuất và buôn bán các sản phẩm gạch đất sét nung, vì vậy chính phủ Trung Quốc đã phải tăng nặng mức xử phạt (200 Yuan/m
3 gạch đất sét nung) để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Cũng trong giai đoạn này, 26.177 dự án sản xuất, thương mại và xây dựng đã bị thanh tra, cơ quan quản lý nhà nước đã xử phạt 736 trường hợp, 137 dự án đã bị tạm dừng hoạt động vì có các vi phạm liên quan đến việc không tuân thủ các quy định nhà nước về phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN.
Năm 2013, Trung Quốc ban hành “Kế hoạch hành động xây dựng xanh”, trong đó đề cập đến nội dung VLXKN, vật liệu xanh là một trong các giải pháp tích cực, khả thi để triển khai các công trình xanh trên toàn quốc.
Từ năm 2016 đến nay, Trung Quốc tiếp tục các chương trình “phát triển vật liệu xây dựng theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, giảm thiểu phát thải cacbon, bảo vệ môi trường, tối ưu hóa cấu trúc công nghiệp, cấm phát triển sản xuất các sản phẩm không thân thiện môi trường” đồng thời tập trung vào “chất lượng, an toàn và các tiêu chuẩn kỹ thuật” đã tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các sản phẩm vật liệu xanh bao gồm VLXKN. Khoảng 70% kết quả nghiên cứu được áp dụng vào sản xuất các sản phẩm vật liệu xây mới, VLXKN. Bộ Công nghiệp Trung Quốc cũng đã triển khai “Kế hoạch hành động về ứng dụng và phổ biến các sản phẩm vật liệu xây mới”, trong đó yêu cầu các địa phương tăng cường truyền thông về kế hoạch này, tập trung nói rõ các lợi ích phát triển vật liệu xanh và phải loại bỏ các công nghệ sản xuất VLXD cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính. Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đã được thay thế bằng các cơ sở sản xuất lớn, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng.
2.2. Tại Hàn Quốc
Trong những năm gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất và sử dụng các sản phẩm vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, bao gồm các sản phẩm VLXKN. Một trong các giải pháp Hàn Quốc làm rất tập trung là phát triển và đưa vào hoạt động bộ tiêu chuẩn xanh cho thiết kế môi trường và năng lượng “Green Standards of Energy and Environment Design – G-SEED” để giúp tái định hình ngành công nghiệp xây dựng theo hướng công trình xây dựng xanh hơn, năng lượng hiệu quả và bền vững. G-SEED đồng thời là một hệ thống chứng nhận công trình xanh sử dụng tiêu chí “đánh giá vòng đời - LCA” để khuyến khích giảm thiểu khí thải cacbon.
Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai “Kế hoạch 5 năm về tăng trưởng xanh” để thực thi đồng thời với Luật khung về tăng trưởng xanh và cacbon thấp, trong đó có các chương trình thúc đẩy sản xuất và sử dụng các sản phẩm VLXKN, vật liệu xanh. Các công trình xanh ban đầu chủ yếu là các tòa nhà làm việc, văn phòng, công trình công cộng… nhưng dần dần các dự án nhà ở thương mại đã tham gia nhiều hơn và hiện nay đến 77% các công trình xanh là nhà ở thương mại.
Chính phủ Hàn Quốc đồng thời đã đẩy mạnh nhiều chương trình đào tạo kỹ năng, nâng lương cho giảng viên tại các trường đào tạo nghề, các trường đại học để thu hút và nâng cao số lượng và chất lượng giảng viên. Công nhân bắt buộc phải được đào tạo kỹ năng và có chứng chỉ nghềđể tham gia thị trường lao động.
2.3. Tại Thái Lan
Sản xuất và sử dụng VLXKN ở Thái Lan ngày càng phổ biến kể từ năm 1992 sau khi Thái Lan gặp khủng hoảng về môi trường, nhiều công trình xanh sử dụng VLXKN đã được xây dựng. Các sản phẩm VLXKN chủ yếu là các loại gạch và khối bê tông có kích thước lớn hơn kích thước viên gạch đất sét nung, đồng thời gạch bê tông khí chưng áp cũng được sử dụng phổ biến.
Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia lần thứ 9 (2007 - 2011) của Thái Lan đã đưa trọng tâm về sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Do đó, sử dụng các nguyên vật liệu tái chế trong sản xuất VLXKN bằng bê tông đã tăng lên đáng kể do các quy định pháp luật về môi trường thực thi triệt để hơn.
Chính phủ Thái Lan đã ban hành “Kế hoạch phát triển năng lượng hiệu quả” có mục tiêu giảm năng lượng tiêu thụ quốc gia đến năm 2030. Trong đó, các công trình thuơng mại lớn phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về thiết kế tuần hoàn năng lượng; dán nhãn hiệu quả năng lượng đối với các tòa nhà mới xây dựng có sử dụng ngân sách nhà nước; nâng cao số lượng và chất lượng các chuyên gia về thẩm định thiết kế liên quan mức độ hiệu quả năng lượng trong tòa nhà. Kế hoạch hành động về sử dụng hiệu quả năng lượng đã tập trung lượng hóa các vấn đề chủ yếu bao gồm: quản lý nhà máy sản xuất VLXD, tiêu chuẩn xây dựng, dán nhãn hiệu quả năng lượng, hỗ trợ tài chính, đẩy mạnh giáo dục, nghiên cứu về năng lượng tuần hoàn, phát triển nhân lực về các lĩnh vực năng lượng tuần hoàn và nâng cao nhận thức cộng đồng xã hội về tuần hoàn năng lượng.
Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia lần thứ 12 (2017 - 2021) của Thái Lan đã đưa ra chương trình khung chiến lược quốc gia 20 năm về các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó đã có cam kết mạnh mẽ về trách nhiệm giảm khí thải nhà kính trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm VLXD, đồng thời tăng cường tiết kiệm và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Nhiều sản phẩm VLXKN có giá trị gia tăng cao được ưu tiên phát triển.
Chính phủ Thái Lan đã thực thi chặt chẽ việc thẩm định thiết kế công trình (chú trọng rà soát kỹ các quy định bắt buộc đã ghi trong luật và tiêu chuẩn, quy chuẩn) và dán nhãn hiệu quả năng lượng các tòa nhà sử dụng ngân sách nhà nước thông qua các công cụ kỹ thuật đánh giá công trình phát triển bền vững TREES (Thailand’s Rating Energy and Environmental Sustainabilirty) và và dán nhãn hiệu quả năng lượng TEEAM (Thailan Energy and Environmental Assessment Method). Các VLXKN như tấm panel AAC chiếm ưu thế so với các vật liệu xây truyền thống khác khi áp dụng các công cụ đánh giá này, vì vậy đã thúc đẩy sản xuất và sử dụng các VLXKN tương tự như tấm tường bê tônng nhẹ AAC.
2.4. Tại Italia
Nước Italia và châu Âu nhìn chung có tỷ lệ thấp về xây dựng các tòa nhà mới so với các nước đang phát triển khác. Tuy nhiên, luật pháp Italia và châu Âu rất chú trọng về tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững và đã ban hành nhiều quy định về công trình “hiệu quả năng lượng - low energy” và “xanh - green”. Một điểm quan trọng nữa tại thị trường Italia và châu Âu là tất cả các bên liên quan đến phát triển xây dựng bao gồm chính quyền, nhà cung cấp VLXD, tư vấn thiết kế, chủ đầu tư, ngân hàng và doanh nghiệp xây dựng đều có ý thức muốn ghi điểm so với các tổ chức cùng kiểu về sự tiến bộ trong hàm lượng “phát triển bền vững, hiệu quả năng lượng, bảo vệ sức khỏe” trong các dự án và các quyết định của mình. Vì vậy, sản xuất và sử dụng VLXKN theo hướng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường tại Italia có điều kiện thuận lợi để phát triển.
Năm 2016, Quốc hội Italia đã thông qua Luật phát triển “nền kinh tế xanh”, tiếp theo đó chính phủ Italia đã thông qua Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững (được cập nhật thường xuyên 3 năm/lần) và thành lập cơ quan phát triển công nghệ mới, năng lượng và kinh tế bền vững để cung cấp các dịch vụ pháp lý cho các tổ chức và cá nhân liên quan. Đồng thời, hệ thống pháp lý mới cũng yêu cầu các tổ chức chuyên môn thuộc chính phủ và các doanh nghiệp phải tập hợp toàn bộ dữ liệu liên quan đến năng lượng và môi trường, giúp chính phủ hỗ trợ các dự án mới tiến hành có liên quan đến các hoạt động kinh tế xanh. Các nhà thầu xây dựng đăng ký vào hệ thống kiểm toán và quản lý năng lượng EMAS sẽ được giảm các điều khoản cam kết khác khi đấu thầu dự án xây dựng của chính phủ. VLXKN, vật liệu thân thiện môi trường luôn là yếu tố được các nhà thầu xây dựng đưa vào hồ sơ để chứng minh cam kết áp dụng giải pháp xây dựng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững.
Chính phủ Italia ủng hộ các hoạt động của các thành viên Hội đồng công trình xanh Italia để phát triển liên kết các bên liên quan đến dự án xây dựng công trình theo chuỗi giá trị. Một trong các giải pháp hữu ích là sử dụng công nghệ thông tin để liên kết chặt chẽ các tổ chức có lợi ích và có liên quan đến xây dựng công trình. Vì các bên liên quan đến xây dựng công trình (chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà cung cấp VLXD, nhà thầu…) nắm được đầy đủ thông tin, lợi ích về xây dựng công trình hiệu quả năng lượng, phát triển bền vững nên các sản phẩm VLXKN, vật liệu phát triển bền vững đã ngày càng được khẳng định giá trị và chiếm tỷ lệ càng lớn trong xây dựng công trình. Phát triển các liên kết chiến lược, lâu dài giữa các bên tham gia thị trường xây dựng để gắn trách nhiệm cũng như lợi ích các bên với nhau là cách làm hiệu quả để thực thi chính sách thúc đẩy xây dựng bền vững, vật liệu xây dựng xanh, VLXKN.
2.5. Tại Canada
Sản xuất và sử dụng VLXKN tại Canada ngày càng phát triển và chủ yếu được quyết định từ nhu cầu của khách hàng xây dựng công trình. Nhiều nhà thầu xây dựng vẫn chưa thỏa mãn với các giải pháp VLXD xanh, thân thiện môi trường để đưa vào áp dụng xây dựng công trình theo yêu cầu của khách hàng.
Chính phủ Canada đã sử dụng chính sách thuế cacbon (Carbon Tax), trong đó đã có đơn giá áp cho đơn vị các bon phát thải. Chính sách thuế cacbon đã tạo áp lực làm thay đổi về xây dựng và vật liệu xây dựng truyền thống, đồng thời đã khuyến khích phát triển xây dựng xanh hơn, sạch hơn, ít phát thải hơn. Vì vậy, các sản phẩm VLXKN, vật liệu tiết kiệm năng lượng, ít phát thải đã ngày càng phong phú, đa dạng hơn trên thị trường
Các cơ quan chuyên môn tại Canada sử dụng công cụ đánh giá vòng đời (Life Cycle Assessments – LCA) để đánh giá tác động môi trường của VLXD gây ra trong 3 giai đoạn: sản xuất, sử dụng và xử lý sau khi sử dụng, khi thẩm định các dự án vốn ngân sách. Trong đó, VLXKN thường được đưa vào như là giải pháp tối ưu cho các dự án xây dựng vốn ngân sách.
Canada thực hiện nhiều chương trình đào tạo tại công trường cho công nhân xây dựng, đặc biệt xây dựng sử dụng các chủng loại VLXD mới, VLXKN. Đồng thời, các tài liệu hướng dẫn, các bài giảng thường cũng được phổ biến thường xuyên trực tuyến thông qua các khóa đào tạo hướng dẫn miễn phí hoặc tổ chức hội thảo trực tuyến cho học sinh, sinh viên các trường đào tạo nghề, các trường đại học có chuyên ngành liên quan.
(Còn nữa)
TS. Lê Trung Thành, Maranda Bennett, Lê Đức Thịnh, Lê Việt Hùng
Nhóm chuyên gia Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng
GKN ở Việt Nam” của Bộ KHCN được UNDP tài trợ