DOITHUONG247 - CỔNG THÔNG TIN TRÒ CHƠI ĐỔI THƯỞNG

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Quy định pháp luật

Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2013

12/09/2013 - 11:09 SA

4 trường hợp được gia hạn nộp thuế; quy định kinh doanh trò chơi có thưởng dành cho người nước ngoài,...là chính sách mới có hiệu lực từ 9/2013.
4 trường hợp được gia hạn nộp thuế

Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế có hiệu lực từ 15/9/2013, việc gia hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế theo một trong 4 trường hợp.

Thứ nhất, bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ. Thiệt hại vật chất là những tổn thất về tài sản của người nộp thuế, tính được bằng tiền như: Máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư, hàng hoá, nhà xưởng, trụ sở làm việc, tiền, các giấy tờ có giá trị như tiền. Trong trường hợp này, thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 2 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.

Thứ hai, phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán ngân sách nhà nước.

Thứ tư, không có khả năng nộp thuế đúng hạn trong trường hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu có chù kỳ sản xuất, dự trữ dài hơn 275 ngày; các trường hợp gặp khó khăn đặc biệt khác.Trong 3 trường hợp còn lại, thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 1 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.

Người nhập cảnh được mua hàng miễn thuế

Theo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về kinh doanh bán hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định 24/2009/QĐ-TTg, người nhập cảnh ngay sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh được mua hàng miễn thuế ngay tại cửa khẩu quốc tế sân bay nhập cảnh; không được mua hàng miễn thuế sau khi đã ra khỏi khu vực quản lý, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan Hải quan tại cửa khẩu quốc tế sân bay nhập cảnh.

Người nhập cảnh khi mua hàng miễn thuế phải xuất trình hộ chiếu có đóng dấu nhập cảnh, thẻ lên tàu bay -Boarding pass. Cửa hàng miễn thuế phải sao chụp lưu một trong những chứng từ này.Người nhập cảnh được mua hàng miễn thuế theo định mức hành lý miễn thuế quy định tại Nghị định số 66/2002/NĐ-CP ngày 1/7/2002 của Chính phủ quy định về định mức hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh và quà biếu, tặng nhập khẩu được miễn thuế.Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2013.

9 nhóm đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập


Theo Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập có hiệu lực từ ngày 5/9/2013, có 9 nhóm đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm: Một là, Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Hai là, cán bộ, công chức từ Phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ba là, sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó tiểu đoàn trưởng, người hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó tiểu đoàn trưởng trở lên trong Quân đội nhân dân; sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó tiểu đoàn trưởng, Phó trưởng công an phường, thị trấn, Phó đội trưởng trở lên trong Công an nhân dân.

Bốn là, người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên tại bệnh viện, viện nghiên cứu, cơ quan báo, tạp chí, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Năm là, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề của Nhà nước.

Sáu là, thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soán, kiểm soát viên, người giữ chức danh quản lý tương đương từ Phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp Nhà nước, người là đại diện phần vốn của Nhà nước, phần vốn của doanh nghiệp Nhà nước và giữ chức danh quản lý từ Phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp nNà nước.

Bảy là, Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên UBND xã, phường, thị trấn; Trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự, cán bộ địa chính, xây dựng, tài chính, tư pháp-hộ tịch xã, phường, thị trấn.

Tám là, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thẩm phán, thư ký toà án, kiểm toán viên Nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên Nhà nước.

Chín là, người không giữ chức vụ quản lý trong các cơ quan Nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong các lĩnh vực theo quy định như tổ chức cán bộ, tài chính, ngân hàng, công thương, xây dựng, giao thông, y tế...

Quy định 5 hình thức đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp

Chính phủ đã ban hành Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó quy định 5 hình thức đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp.Nghị định nêu rõ, doanh nghiệp được quyền sử dụng tài sản thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp đã được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

5 hình thức đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp gồm:

Thứ nhất, góp vốn, mua cổ phần để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, góp vốn hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân mới;

Thứ hai, mua cổ phần hoặc góp vốn tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh đang hoạt động;

Thứ 3, mua lại một doanh nghiệp khác để hình thành một pháp nhân mới;

Thứ 4, mua công trái, trái phiếu để hưởng lãi;

Thứ 5, các hình thức đầu tư khác ra ngoài doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.Việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc doanh nghiệp không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là lĩnh vực bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Doanh nghiệp đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực quy định nêu trên không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư phải có phương án cơ cấu lại và thực hiện thoái hết số vốn đã đầu tư theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/9/2013.

Quy định phát triển, quản lý nhà tái định cư

Theo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư có hiệu lực từ ngày 30/9/2013, hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án xây dựng công trình sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt có nhu cầu mua nhà ở tái định cư thì được mua nhà ở tái định cư.

Giá bán nhà ở tái định cư được thực hiện theo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của từng dự án, quy định của pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, trong giá bán căn hộ nhà chung cư phải bao gồm kinh phí bảo trì phần sở hữu chung bằng 2% tiền bán căn hộ nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Trường hợp các hộ gia đình, cá nhân được cấp có thẩm quyền quyết định giao đất đã xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật để làm nhà ở thì các hộ gia đình, cá nhân này phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định.Nghị định cũng nêu rõ, việc bán nhà ở tái định cư được thực hiện thông qua hợp đồng theo các nội dung và mẫu hợp đồng bán nhà ở thương mại do Bộ Xây dựng quy định.

Phạt tới 200 triệu đồng vi phạm về đo lường

Theo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa có hiệu lực từ ngày 15/9/2013, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cá nhân là 150 triệu đồng, đối với tổ chức là 300 triệu đồng, trừ một số trường hợp khác.

Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 4-8 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu hàng đóng gói sẵn: Không ghi lượng của hàng đóng gói sẵn trên nhãn hàng hóa hoặc ghi không đúng quy định; lượng của hàng đóng gói sẵn không phù hợp với thông tin ghi trên nhãn hàng hóa, tài liệu đi kèm, hoặc không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu công bố.

Còn hành vi buôn bán hàng đóng gói sẵn không ghi lượng trên nhãn hàng hóa hoặc ghi không đúng quy định; buôn bán hàng đóng gói sẵn có lượng không phù hợp với thông tin ghi trên nhãn hàng hóa, tài liệu đi kèm... thì bị phạt mức thấp hơn, từ 2-4 triệu đồng.

2 chế độ nâng bậc lương trước thời hạn

Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ áp dụng từ ngày 15/9/2013, chế độ nâng bậc lương trước thời hạn được áp dụng đối với 2 trường hợp: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ; và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã có thông báo nghỉ hưu.

Bộ Nội vụ cũng ban hành Thông tư 08/2013/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, được áp dụng từ 15/9/2013.

Theo đó, về chế độ nâng bậc lương thường xuyên, đối với chuyên gia cao cấp, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp thì được xét nâng một bậc lương.

Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.

Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.

Bộ Nội vụ cũng quy định rõ các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng lương thường xuyên gồm: thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động; thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc).

Điều chỉnh thuế một số mặt hàng nhập khẩu ưu đãi

Đây là nội dung Thông tư 107/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2707, 2902 và 3902 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, được áp dụng từ 26/9/2013.

Cụ thể, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của mặt hàng Benzen (mã 2707.10.00), Xylen (mã 2707.30.00) thuộc nhóm dầu và các sản phẩm khác từ chưng cất hắc ín than đá ở nhiệt độ cao, các sản phẩm tương tự có khối lượng cấu tử thơm lớn hơn cấu tử không thơm; mặt hàng Benzen (2902.20.00), p-Xylen (mã 2902.43.00) thuộc nhóm Hydrocacbon mạch vòng đều đang được áp thuế nhập khẩu 0% sẽ được điều chỉnh thành 1% năm 2013, 2% năm 2014 và 2015. Từ năm 2016 trở đi, các mặt hàng này chịu thuế suất 3%.

Với mặt hàng Polypropylen dạng phân tán (mã 3902.10.30) và loại khác (mã 3902.10.90) thuộc nhóm Polyme từ propylen hoặc từ các olefin khác, dạng nguyên sinh sẽ tiếp tục được áp thuế nhập khẩu 0% trong năm 2013. Mức thuế suất thuế nhập khẩu 2 mặt hàng này sẽ tăng lên 1% năm 2014, 2% năm 2015 và 3% từ năm 2016 trở đi.

Quy định sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

Theo Thông tư số 101/2013/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được sử dụng để trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại; trả tiền bồi thường bảo hiểm; hoàn phí bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài mất khả năng thanh toán, doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản.

Thông tư nêu rõ, Quỹ chỉ chi trả đối với hợp đồng bảo hiểm gốc và chi trả một lần đối với mỗi hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại; trả tiền bồi thường bảo hiểm; hoàn phí bảo hiểm.

Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, Quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng. Đối với hợp đồng bảo hiểm thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật, Quỹ chi trả tối đa 80% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2013.

Nguồn Chinhphu.vn

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng