Bất cập vùng nguyên liệu
Nhà máy gạch tuynel Chiềng Pha, bản Tạng Phát, xã Chiềng Pha (Thuận Châu) công suất thiết kế 15 triệu viên gạch/năm (tương ứng tiêu thụ 15.000m³ đất), đã có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 1 vào ngày 25/2/2011, đến ngày 16/6/2020 đã thay đổi đăng ký đến lần thứ 7. Song 10 năm qua, nhà máy vẫn chưa có vùng nguyên liệu sản xuất mà chỉ đi thu gom đất tại các xã, thị trấn trong huyện Thuận Châu, qua nhiều năm, đất mua về đổ sau nhà máy cao như 1 quả đồi. Thời điểm chúng tôi đến thực tế thì nhà máy đang tạm ngừng dây chuyền sản xuất được hơn 1 tháng do dịch Covid-19. Hàng triệu viên gạch tuynel đã ra lò được xếp kín một bãi đất rộng.
Một góc khu đất nguyên liệu sản xuất của Nhà máy gạch tuynel Chiềng Pha (Thuận Châu) đổ cao như quả đồi.
Theo ông Lò Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pha, nguồn nguyên liệu để sản xuất gạch không có, nên nhà máy thỏa thuận mua đất của các hộ dân có đất nương, đất vườn có khả năng làm được gạch. Tự xúc, ủi, đào bới để lấy đất làm nguyên liệu sản xuất gạch đã làm biến dạng các thửa đất, gây nguy cơ sạt lở vào mùa mưa, làm ảnh hưởng đến môi trường và công tác quản lý đất đai, tài nguyên trên địa bàn xã...
Tương tự, Nhà máy gạch tuynel Phù Yên thuộc Công ty Cổ phần Thanh An Sơn La được khảo sát xây dựng năm 2014 tại bản Tân Ban, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên. Nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2016 với công suất 30 triệu viên gạch/năm. Năm nay, nhà máy đang lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất ngói với công suất 3 triệu viên/năm, nhưng cũng không có vùng nguyên liệu.
Ông Nguyễn Quang Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Thành An, phân trần: Trong 2 năm 2016 và 2017, Công ty khai thác, sử dụng hơn 43.212m³ đất làm nguyên liệu sản xuất gạch là đất san gạt mặt bằng mà chưa được cấp phép khai thác. Do vi phạm hành chính về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, ngày 27/7/2020, UBND tỉnh đã quyết định xử phạt Công ty 614 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Hiện, chúng tôi đang đề xuất bổ sung quy hoạch vùng mỏ tại bản Chài, xã Huy Thượng, mong sớm được UBND tỉnh cấp giấy phép vùng mỏ để ổn định sản xuất.
Theo quy định của pháp luật, để được cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ hoạt động của các nhà máy sản xuất gạch tuynel thì phải có: Vùng nguyên liệu nằm trong quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được HĐND tỉnh phê duyệt. Vùng nguyên liệu được công nhận là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh hoặc trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận. Lập đề án thăm dò được UBND tỉnh phê duyệt; thi công đề án và được phê duyệt kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng; lập dự án đầu tư, thiết kế cơ sở; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường và được UBND tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư và cấp giấy phép khai thác khoáng sản...
Như vậy, phải trải qua một quy trình nghiêm ngặt mới có được giấy phép khai thác vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, một số nhà máy khi được cấp phép lại không khai thác vì nhiều lý do khác nhau. Công ty cổ phần vật liệu xây dựng 1 có vùng nguyên liệu của nhà máy được cấp phép ở bản Hẹo và bản Thẳm Mạy, phường Chiềng Sinh (Thành phố) với tổng diện tích 4 ha, song phải dừng khai thác từ năm 2000 do phía trên mỏ có một công ty khác được cấp phép nổ mìn phá đá, đá rơi lẫn vào đất khu mỏ nên Công ty không khai thác được, đành bỏ không. Còn diện tích mỏ tại bản Thẳm Mạy, Công ty không có tiền đền bù đất nông nghiệp cho người dân. Tuy có hai điểm mỏ được cấp phép khai thác, nhưng nhiều năm qua, nguyên liệu để sản xuất gạch, chủ yếu mua lại từ đất của người dân đào ao, san nền nhà, các dự án tại Thành phố...
Còn Doanh nghiệp tư nhân Sơn Hưng Trung (Thành phố), mỗi năm xuất ra thị trường từ 18 - 20 triệu viên gạch. Doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ đất sét với tổng diện tích hơn 1,2 ha, khối lượng khai thác 22.000 m³/năm và được khai thác đến năm 2028. Theo ông Nguyễn Huy Bẩy, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Sơn Hưng Trung: Để được cấp quyền khai thác, Công ty đã nộp gần 3 tỷ đồng các loại phí, thuế về giải phóng mặt bằng, quỹ bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, doanh nghiệp mới chỉ khai thác được khoảng 2/10 diện tích, do chi phí khai thác đắt, khoảng 20.000/m³ đất, trong khi tận dụng mua đất bên ngoài giá rẻ hơn, chủ yếu là mất tiền xăng xe đi chở...
Có thể thấy những bất cập về vùng nguyên liệu các nhà máy gạch sản xuất gạch trên địa bàn: Một số nhà máy gặp khó khăn trong việc xin cấp phép nguồn nguyên liệu; ngược lại, các doanh nghiệp có giấy phép khai thác, lại biện dẫn nhiều lý do, không khai thác, dẫn đến tình trạng khai thác nguyên liệu “chui” diễn ra nhiều năm, gây hệ lụy và làm thất thu thuế tài nguyên môi trường.
Sản xuất phải đi đôi với an toàn môi trường
Không thể phủ nhận một thực tế, trong số các nhà máy gạch tuynel hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, có nhiều nhà máy được cấp chứng nhận đầu tư trước thời điểm năm 2014, giai đoạn đó, việc đầu tư các dự án xây dựng nhà máy gạch tuy nel thực hiện theo Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 (không quy định về vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất của nhà máy mà chỉ quy định chung về công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm...).
Thực tế tại các địa phương có nhà máy gạch tuynel hoạt động, nhất là những nhà máy không có nguồn nguyên liệu, dễ dàng bắt gặp những quả đồi hoang hóa quá nửa từ việc tư nhân khai thác đất sét lén lút bán cho các nhà máy. Theo một số “đầu nậu” thì khai thác đất trái phép vừa dễ, ít tốn kém lại thu lời cao. Mỗi xe đất có giá từ 250.000-300.000 đồng và đầu ra là các nhà máy sản xuất gạch hay các cơ sở san lấp mặt bằng.
Để khắc phục tình trạng này, ngày 18/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1266/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2020 - 2030, định hướng đến năm 2050, trong đó nêu rõ định hướng phát triển các dự án sản xuất gạch tuynel: “không đầu tư mới, mở rộng các dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung khi không có vùng nguyên liệu trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên của các tỉnh, thành phố đã được phê duyệt”. Như vậy, các nhà máy gạch tuynel, bên cạnh việc đầu tư dây chuyền công nghệ tiến tiến, phù hợp với quy hoạch phát triển, còn buộc phải có vùng nguyên liệu đáp ứng các quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Năm 2021, Sở sẽ tiến hành kiểm tra đối với các nhà máy đang hoạt động nhưng chưa có vùng nguyên liệu được cấp giấy phép khai thác, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, hướng dẫn, yêu cầu các nhà máy khắc phục, lập hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định, trường hợp các nhà máy không thực hiện sẽ đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật...
Giải pháp cho vùng nguyên liệu
Trong số 11 nhà máy gạch tuynel đang hoạt động trên địa bàn tỉnh (9 nhà máy đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất theo công nghệ lò tuynel trần phẳng và 2 nhà máy đầu tư dây chuyền, công nghệ lò xoay tuynel tiên tiến, hiện đại), nhưng có tới 7 nhà máy chưa có giấy phép khai thác khoáng sản (vùng nguyên liệu).
Nhà máy gạch Mường Bon Mai Sơn là một trong hai nhà máy đầu tư công nghệ tiên tiến trên địa bàn tỉnh, việc vận hành xếp gạch được điều hành qua các robot tự động. Ông Đặng Xuân Phúc, Giám đốc Công ty cổ phần gạch Mai Sơn, thông tin: Nhà máy có dây chuyền đầu tư gần 70 tỷ đồng với công suất thiết kế 40 triệu viên/năm. Hiện đơn vị đang thực hiện khai thác tận thu đất san ủi mặt bằng khi xây dựng nhà máy. Công ty mong muốn được cấp phép khai thác vùng nguyên liệu lâu dài, để hoạt động ổn định.
Trao đổi về tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý, khai thác vùng nguyên liệu của các nhà máy gạch tuynel trên địa bàn, ông Nguyễn Tiến Dương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ: Sở tiếp tục tham mưu đôn đốc và hướng dẫn các nhà máy chưa có vùng nguyên liệu hoàn thiện hồ sơ thủ tục đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản, đảm bảo tuân thủ theo Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng trong thẩm định hồ sơ cấp chủ trương đầu tư đối với các nhà máy phải gắn với vùng nguyên liệu; với UBND các huyện, thành phố thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn...
Quản lý các nhà máy được cấp phép vùng nguyên liệu hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, ông Hà Văn Chung, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương rà soát, điều chỉnh bổ sung các điểm mỏ sét gạch ngói đảm bảo yêu cầu về trữ lượng khoáng sản, chất lượng làm nguyên liệu sản xuất gạch theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành... Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc tham mưu cho UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư, giấy phép khai thác đối với các dự án xây dựng nhà máy sản xuất gạch tuynel trên địa bàn tỉnh theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước. Đẩy mạnh nghiên cứu và hướng dẫn sử dụng các chất thải (tro xỉ nhiệt điện, đá xít...) làm nguyên liệu, nhiên liệu để thay thế nguồn nguyên liệu truyền thống.
Ngày 24/3/2020, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 520/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản đối với 3 điểm mỏ đất sét làm gạch, ngói trên địa bàn các huyện Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã. Quyết định này chính là “chìa khóa” để gỡ khó khăn, vướng mắc về vùng nguyên liệu cho các nhà máy gạch tuynel. Song, bên cạnh việc chủ động phối hợp với cơ quan chức năng hoàn thiện các thủ tục quy định về pháp luật, các nhà máy gạch tuynel cần thực hiện các hoạt động sản xuất trên vùng nguyên liệu được quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tốt yêu cầu về môi trường và an ninh trật tự tại khu vực thực hiện dự án, đưa các nhà máy sản xuất gạch tuynel trên địa bàn hoạt động ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
VLXD.org (TH/ Báo Sơn La)