DOITHUONG247 - CỔNG THÔNG TIN TRÒ CHƠI ĐỔI THƯỞNG

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Văn bản - Chính sách

Quy hoạch xây dựng đô thị từ cơ chế đặc thù được xác lập trong Luật Thủ đô

04/03/2013 - 08:12 CH

Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ tư (tháng 11/2012). Đây không chỉ là sự kiện quan trọng cho Thủ đô mà còn có ý nghĩa với cả nước. Từ đây, Hà Nội được xác lập vị thế mới, được thể chế hóa các cơ chế đặc thù.


1. Vai trò của Quy Hoạch xây dựng đô thị


Quá trình phát triển đô thị Việt Nam đã khẳng định vai trò của công tác quy hoạch xây dựng. Đó là bước đi đầu, là công tác thường xuyên và quan trọng. Luật Quy hoạch đô thị ban hành năm 2009 cùng với các văn bản hướng dẫn đã xác lập rõ khung pháp lý cho cả quá trình hoạt động quy hoạch đô thị. Song Luật Thủ đô vừa ban hành (với 27 điều trong đó có tới 11 điều liên quan trực tiếp tới quy hoạch xây dựng đô thị) cho thấy đã nâng tầm vai trò của Quy hoạch xây dựng. Quy hoạch chung được xác định là cơ sở, là căn cứ để kết nối với vùng, với cả nước và không chỉ với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Trong Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội (năm 2000) đã đề cập đến việc yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để xây dựng các quy hoạch chuyên ngành và quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch đã được duyệt. Lần này, trong Luật Thủ đô đã quy định nâng tầm cao hơn của Quy hoạch chung. Cụ thể là quy hoạch ngành, quy hoạch chuyên ngành HTKT cấp quốc gia liên quan trực tiếp đến Thủ đô phải được lấy ý kiến của UBND thành phố Hà Nội và phải bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đặt vấn đề như vậy để thấy khi nghiên cứu quy hoạch chung đô thị phải có tầm nhìn xa, có chất lượng và tính khả thi đa ngành. Phải chăng, đã đến lúc phải có cơ quan đầu mối quản lý về cả hệ thống quy hoạch ở cấp tỉnh thành phố?

2. Quản lý dân cư, phân bố dân cư trong quy hoạch Xây dựng

Trong nghiên cứu quy hoạch xây dựng, dự báo dân số là yếu tố quan trọng. Hiện nay, ngoài việc tính toán theo lý thuyết còn tính đến yếu tố đặc thù… để dự báo quỹ đất, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, tổ chức không gian đô thị… song hầu như chưa quan tâm nhiều đến xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện. Lấy ví dụ Hà Nội để minh họa. Trong điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2020 được phê duyệt tại Quyết định 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định khu hạn chế phát triển (từ vành đai 2 trở vào trung tâm) khống chế dân số khoảng 0,8 triệu người nhưng do thiếu đề xuất cơ chế quản lý nên thực tế dân số lúc đó là 0,96 triệu, đã không giảm được mà còn tăng dân số tới 1,2 triệu người (thống kê 2008). Khu vực phía Bắc sông Hồng (Đông Anh, Long Biên) quy hoạch dự kiến khoảng 1 triệu người nhưng thực tế không thu hút được như dự kiến. Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô và nhất là từ sau Quy hoạch chung Hà Nội được duyệt năm 1998 cho thấy tốc độ tăng dân số của Hà Nội là khá cao. Ví dụ giai đoạn 2006-2010 tăng tới gần 2,3%/năm, nội thành tăng mạnh hơn tới 4,6%/năm. Để phù hợp với tăng trưởng kinh tế thì tốc độ tăng dân số phải giảm dần chỉ còn khoảng 2%/năm giai đoạn 2011-2015, khoảng 1,8%/năm giai đoạn 2016-2020 và khoảng 1,4%/năm giai đoạn 2012-2030. Để thực hiện được như dự báo trên cũng như chỉ tiêu khống chế đã xác định trong Quy hoạch chung đòi hỏi trong quá trình triển khai Quy hoạch chung phải xác định vùng ưu tiên phát triển, vùng quản lý chặt và vùng phải giảm dân số. Từ thực tiễn của Hà Nội cho thấy trước hết cần phải sớm có điều chỉnh Nghị định 02/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế khu Đô thị mới để có khung pháp lý nhằm quản lý chặt chẽ hơn.

Trước mắt, để giải quyết được quản lý dân số trong Luật Thủ đô lần này đã phải có riêng một điều quy định về quản lý dân cư trong nội đô có đặc thù so với Luật cư trú. Đây là vấn đề trao đổi nhiều trong quá trình biên soạn và cũng là vấn đề có ý kiến khác nhưng rất mừng là đã được Quốc hội thông qua. Phải chăng từ kết quả này cho thấy khi nghiên cứu quy hoạch xây dựng phải có sự đồng bộ giữa xây dựng chỉ tiêu với đề xuất cơ chế chính sách để thực hiện.

3. Về áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch Kiến trúc với khu vực cải tạo


Đa số các đô thị Việt Nam hiện nay đều là đô thị đã có quá trình lịch sử phát triển. Không ít đô thị nội đô đã trải qua nhiều giai đoạn với quy hoạch xây dựng được duyệt. Việc xác định các chỉ tiêu kỹ thuật, các chỉ tiêu về tổ chức không gian trong khu đô thị cũ về cơ bản vẫn tuân thủ quy chuẩn hiện hành về quy hoạch xây dựng hoặc tuân thủ các chỉ đạo cụ thể của các nhà quản lý. Đây là vấn đề dễ gây bức xúc cho người dân khi cải tạo kể cả chung cư cũ và khi nhà đang là sở hữu tư nhân. Trong Luật Thủ đô được duyệt đã xác lập đối với các khu vực cải tạo, tái thiết thì UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối với Bộ Xây dựng để xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn đặc thù cho khu vực trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Thực tiễn này đã này sinh vấn đề khi lập quy hoạch xây dựng cho các khu đô thị cải tạo để xác lập chỉ tiêu về tổ chức không gian cần nghiên cứu, đề xuất cả quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch và kiến trúc. Công tác này được xem là bước đi đầu tiên cho nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng các đô thị có khu vực đô thị cần cải tạo.


Hà Nội được lịch sử giao trọng trách để xây dựng đô thị xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại và bền vững

4. Về Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị các trục đường giao thông mới


Chủ trương xây dựng các tuyến đường mới phải đồng bộ với hình thành không gian tuyến phố cả khu vực mở rộng hai bên ngoài chỉ giới đường đỏ không phải là vấn đề mới. Nhiều đô thị đã thực hiện và được sự đồng thuận của nhân dân song trong Luật Thủ đô đã cụ thể hóa về quy định này: Giao trách nhiệm cho HĐND thành phố quyết định trục đường mới mở; UBND thành phố quyết định ranh giới, mốc giới, diện tích đất hai bên đường phải thu hồi để xây dựng đường giao thông. Từ quy định này cho thấy cần điều chỉnh cải cách việc phê duyệt quy hoạch chi tiết hay thiết kế đô thị các tuyến đường mới mở. Công việc này phải chăng cần được quy định cụ thể từ các đơn vị nghiên cứu lập nhiệm vụ thiết kế đến lập và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng?

5. Về bảo tồn di sản đô thị


Trong đồ án quy hoạch xây dựng từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị luôn đặt vấn đề nhận diện, xác lập khu vực bảo tồn, công trình bảo tồn. Từ quy định bảo tồn và phát triển văn hóa trong Luật Thủ đô cho thấy, phải nâng tầm nghiên cứu và cụ thể hóa yêu cầu bảo tồn đối với các đơn vị nghiên cứu, lập, thẩm định quy hoạch. Trong đồ án quy hoạch xây dựng phải có đề xuất các dự án ưu tiên, các chính sách để huy động sự đóng góp của xã hội. Các đề xuất này phải cụ thể hóa trong quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc cảnh quan.

6. Biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch

Đây là vấn đề trong Luật Thủ đô đã đề cập đến một số quy định cụ thể,+ cả trong xác định các khu chức năng xác lập trong quy hoạch chung. Đó là trong nội đô không xây dựng mới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục Đại học, giáo dục nghề, một số bệnh viện, một số trụ sở Bộ, ngành Trung ương. Trong Luật cũng xác định quỹ đất sau di dời được ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.

Với những quy định đặc thù, cụ thể như trên cho thấy trong triển khai thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch các khu đặc trưng phải xác định rõ khu vực được chuyển đến và chức năng sử dụng các địa điểm phải di dời. Nhìn từ các quy định trên trong Luật Thủ đô cho thấy phải chăng nên áp dụng nguyên tắc này khi nghiên cứu, lập quy hoạch chung cho các đô thị khác và cả hướng dẫn thực hiện để cụ thể một số điều trong Nghị định số 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị.

Những quy định trong luật Thủ đô vừa ban hành với những quy định đặc thù về quy hoạch xây dựng cần được xem xét để áp dụng thích hợp trong nghiên cứu Luật đô thị và nghiên cứu các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị khác. Nhìn lại chặng đường đã qua, từ sau Quy hoạch chung được duyệt năm 1998, từ các chính sách riêng, đặc thù được quy định trong Pháp lệnh Thủ đô, các Nghị quyết của Bộ Chính trị, văn bản của Chính phủ đã là động lực để kinh tế xã hội Thủ đô có bước phát triển mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội giai đoạn 2001-2010 là 10,9% cao gấp 1,5 lần cả nước, riêng ngành công nghiệp xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao nhất với 13,1%, kết cấu hạ tầng đô thị bước đầu phát triển hiện đại. Bộ mặt thành phố kể cả khu vực đô thị và nông thôn có nhiều thay đổi, quản lý đô thị đã có nhiều khởi sắc. Giai đoạn tới, với Luật Thủ đô, Hà Nội lại được lịch sử giao trọng trách để xây dựng thành đô thị xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại và bền vững. Một đô thị đa cực, đa trung tâm, đa tầng bậc và bước chuyển đầu tiên cần đi trước đó là công tác quy hoạch và quản lý đô thị

Theo baoxaydung

 

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Thương hiệu vật liệu xây dựng