Gạch bê tông khí chưng áp có thể giúp giảm tới 15% chi phí kết cấu và 7-10% tổng mức đầu tư xây dựng công trình, theo tính toán của nhà sản xuất.
Xu hướng vật liệu xanh
Trên thế giới, xu hướng sử dụng gạch AAC đã trở nên phổ biến từ cách đây vài chục năm. Những công trình tiêu biểu thế giới như khu phát triển hỗn hợp trung tâm Illovo, gần Sandton, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2020, các thiết kế đô thị kết hợp giữa không gian văn phòng và các đơn vị dân cư của Nam Phi từ nhà phát triển FWJK...
Nắm bắt xu thế đó, nhiều hãng vật liệu xây dựng trong nước đã đầu tư nhà máy sản xuất gạch bê tông chưng khí áp từ hơn 10 năm trước. Tổng công ty Viglacera là một trong số những doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam.
Năm 2017, doanh nghiệp xây dựng nhà máy bê tông khí chưng áp công nghệ xanh, sau đó tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất tấm panel có lõi thép theo dây chuyền của Hess ACC System (Đức).
Trên thị trường hiện nay, bê tông khí chưng áp được sản xuất dưới nhiều dạng kích thước.
"Việc nghiên cứu và đầu tư sản xuất tấm panel bê tông khí chưng áp theo công nghệ Đức đã giúp tốc độ thi công được rút ngắn đến mức tối đa 7 ngày mỗi sàn", đại diện Viglacera cho biết.
Sản phẩm tấm panel bê tông khí chưng áp của Viglacera có chiều dài tối đa 4,8m, độ dày linh hoạt từ 80mm đến 150mm tùy theo kiến trúc và công năng của từng dự án, chiều rộng ALC cố định 0,6m. Thiết kế rãnh âm dương giúp tăng tính liên kết giữa các tấm, tăng độ vững chắc cho công trình.
"Việc sử dụng tấm panel bê tông khí chưng áp mang lại rất nhiều lợi ích cho cả chủ đầu tư lẫn người sử dụng. Trước hết, đó là việc tiết kiệm các loại chi phí trong xây dựng, tăng diện tích sử dụng, giảm tác động xấu đến môi trường tự nhiên...", đại diện nhà sản xuất khẳng định.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực Vật liệu xây dựng Việt Nam, sản phẩm tấm panel của Viglacera khi sử dụng trong xây dựng các công trình chung cư có thể giúp chiều dày hoàn thiện của tường giảm hơn so vật liệu khác từ 2 đến 3 cmm tạo ra thêm diện tích sử dụng của các căn hộ.
Hiệu quả kinh tế
Một trong những ưu điểm của gạch AAC đó là trọng lượng nhẹ. Theo nhà sản xuất, gạch AAC nhẹ hơn so với gạch đất nung và gạch bê tông thông thường. Điều này giúp giảm tải trọng công trình, giảm nhẹ phần kết cấu nền móng, dầm sàn, khung trụ thép...
Theo tính toán của các chuyên gia, việc sử dụng gạch AAC giúp giảm 15% chi phí kết cấu móng, dầm, sàn trong khi đó, chi phí này chiếm tới 20% giá trị toàn bộ công trình.
Quy trình sản xuất tấm panel bê tông khí theo dây chuyền của Đức tại Nhà máy Bê tông khí chưng áp Viglacera.
Ngoài ra, bê tông khí thường được sản xuất dưới dạng gạch với kích thước lớn hoặc tấm có chiều dài và rộng theo nhu cầu đặt hàng may đo của các công trình, giúp tiết kiệm tối đa chi phí nhân công và đẩy nhanh thời gian hoàn thiện.
Gạch bê tông khí được sản xuất trên dây chuyền hoàn toàn tự động. Thành phẩm ra đời với hình dạng kích thước đồng nhất, bề mặt mịn đạt chuẩn mang tính thẩm mỹ cao.
Bên cạnh đó có khả năng cách nhiệt tốt, có thể giữ mát vào mùa hè và ấm áp hơn vào mùa đông, nhờ đó giảm việc tiêu thụ điện năng của điều hòa không khí. Đây cũng là lý do sản phẩm được sử dụng phổ biến ở cả nơi có khí hậu lạnh như châu Âu và khí hậu nóng ẩm như tại châu Á.
Bê tông khí chưng áp cũng là một loại vật liệu xây dựng có khả năng chống cháy tốt. Các thí nghiệm thực tế đã chứng minh rằng 150mm tường AAC dày có thể chịu đựng lửa với nhiệt độ lên đến 1200oC, tương đương với sức nóng của một đám cháy kéo dài liên tục từ 4 - 6 giờ đồng hồ.
Với tính năng ưu việt và hiệu quả kinh tế vượt trội, Viglacera kỳ vọng gạch bê tông AAC sẽ thay đổi ngành vật liệu xây dựng và thay thế vật liệu truyền thống trong tương lai gần.
VLXD.org (TH/ VnExpress)
Ý kiến của bạn