Ông Tới cho biết, Việt Nam hiện có nguồn tài nguyên làm nguyên liệu để
sản xuất xi măng rất dồi dào với trữ lượng đá vôi trên 12,5 tỷ tấn. Hiện tại, công suất toàn ngành xi măng đang vượt nhu cầu sử dụng trong nước từ 20-25%.
Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù tiêu thụ trong nước vẫn tăng, nhưng cần xem xuất khẩu không chỉ là giải pháp trước mắt mà phải là kế hoạch lâu dài để giúp cân bằng lượng hàng sản xuất dư thừa khoảng 20 triệu tấn mỗi năm.
Theo ông Tới, khi điều chỉnh quy hoạch xi măng cần tính toán kỹ các yếu tố tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ảnh minh họa.
Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 (Quy hoạch 1488) đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả cho ngành xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 đến nay.
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Quy hoạch 1488, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa 14
dự án xi măng quy mô công suất nhỏ dưới 2.500 tấn clanhke/ngày tương đương 0,91 triệu tấn
xi măng/năm ra khỏi Quy hoạch phát triển xi măng, hoãn triển khai 9 dự án, giãn tiến độ đầu tư 7 dự án. Đồng thời, cho phép nâng công suất, bổ sung 6 dự án xi măng.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc lập Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2017-2025 và định hướng đến năm 2035 thay thế Quy hoạch 1488.
Mục tiêu đặt ra là phải bám sát tình hình kinh tế - xã hội, cung - cầu của thị trường, thực tế triển khai các dự án trong quy hoạch.
Đặc biệt là điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án bảo đảm tính khả thi và rà soát điều chỉnh tiến độ các dự án trong quy hoạch được duyệt nhằm đáp ứng cân đối cung cầu.
Điều chỉnh quy hoạch xi măng cần phải tính đến hiệu quả và yếu tố bền vững, tránh phung phí tài nguyên và xuất khẩu xi măng bằng mọi giá.
Hiện một số nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng mua lại nhà máy sản xuất xi măng hiện đại của Việt Nam để xuất khẩu về nước họ.
Theo tính toán, các doanh nghiệp này được lợi thế nhờ miễn thuế xuất nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng… Mặt khác, họ vừa không mất tài nguyên mà còn tránh được ô nhiễm và còn có sản phẩm tốt, giá rẻ.
Bởi vậy, quy hoạch xi măng thời gian tới cần đặt mục tiêu rõ ràng, phù hợp với chiến lược lâu dài; trong đó có tính toán kỹ lưỡng đến các yếu tố tiêu thụ nội địa phục vụ phát triển kinh tế và xuất khẩu. Đây chính là bài toán cần giải quyết khi điều chỉnh quy hoạch xi măng.
TH (Bnews)