Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết, bắt đầu từ 20/2/2003, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu ngừng thi công để xác định điểm dừng, cắt bỏ một số hạng mục chưa thi công và thì xin điều chỉnh giá những hạng mục đang dở dang theo quy định.
Giải thích về việc chuyển khống số lượng tiền gần 6 tỉ cho đơn vị thi công, ông Thu cho biết: “Sau khi nhà thầu kêu khó khăn và cam kết sẽ hoàn thành công trình theo đúng tiến độ nếu chủ đầu tư cho tạm ứng trước tiền, tôi đã xin ý kiến của Phó Chủ Tịch tỉnh Bắc Kạn – ông Triệu Đức Lân và đã được đồng ý.
Theo quy định, thì chủ đầu tư chỉ được cho nhà thầu tạm ứng 80% số tiền khối lượng đã thi công. Từ xưa đến giờ cũng chưa bao giờ có tiền lệ nhà thầu ứng số tiền lớn hơn khối lương công trình thi công. Công trình này, tôi cam đoan, thề là không có một tí phần trăm hoa hồng nào cả. Bản thân tôi nghĩ tôi không vi phạm hình sự. Tôi cho nhà thầu ứng trước chứ không phải quyết toán như kết luận của công an”.
Ông Thu cho hay, sắp tới sẽ đề nghị chấm dứt và phạt đơn vị thi công vì vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, khi được hỏi số tiền mà đơn vị thi công đã tạm ứng vượt quá khối lượng công trình đã thi công sẽ thu hồi bằng cách nào, đại diện chủ đầu tư khẳng định: Việc thu hồi kia dù biết rất khó khăn nhưng sẽ nhờ các cơ quan pháp luật vào cuộc.
“Cái sai của tôi là nghĩ đơn thuần, rằng đơn vị thi công sẽ hoàn thành công trình sau khi nhận được tiền tạm ứng. Mặt khác, chúng tôi cũng muốn giữ lại số tiền mà nhà nước đã giải ngân. Không có việc tôi thông đồng để trục lợi”- ông Thu giãi bày.
Ông Triệu Đức Lân, Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng thừa nhận, sau khi chủ đầu tư có văn bản xin ý kiến về việc tạm ứng số tiền gần 6 tỷ cho đơn vị thi công, ông đã bút phê với nội dung: “Thay mặt UBND tỉnh Bắc Kạn, đồng ý như đề xuất. Yêu cầu Sở LĐTB&XH quản lý chặt chẽ kinh phí được cấp. Nếu xảy ra thất thoát, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
“Tôi chỉ bút phê vào văn bản đề nghị của Sở LĐTBXH chứ không ra một văn bản nào yêu cầu Sở phải tạm ứng trước số tiền trên cho nhà thầu” - ông Lân cho hay.
Nhà thầu đá “bóng trách” nhiệm
Ông Nguyễn Đức Toàn – Phó Tổng GĐ Tổng công ty cổ phần sông Hồng cho hay, sau khi trúng thầu gói thầu số 7 của Dự án, Tổng Công ty đã giao cho Công ty Xây lắp Vật liệu xây dựng An Dương tiến hành thi công.
Sau một giai đoạn ì ạch, chậm tiến độ, cuối cùng, Tổng công ty “đá” sang cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng sông Hồng tiếp tục thi công.
Đại diện Tổng công ty cổ phần Sông Hồng cho rằng dự án đã hoàn thành tới 90% khối lượng (!?).
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các hạng mục dự án này vẫn ngổn ngang thế này.
Mặc dù, hiện toàn bộ công trình đang hết sức ngổn ngang và chưa biết bao giờ mới hoàn thành nhưng đại diện Tổng Sông Hồng lại cho rằng: Hiện đã hoàn thành được 90% khối lượng công trình. Và với khối lượng thi công đạt 90% công trình, đại diện đơn vị thi công cho rằng hiện tại, chủ đầu tư đang… “nợ tiền” của đơn vị thi công.
Trong khi đó, phía cơ quan điều tra khẳng định rất rõ: thời điểm hiện tại, khối lượng công trình đã thi công tương ứng với số tiền hơn 8 tỉ đồng (hơn 50% dự án); khối lượng chưa thi công nhưng vẫn nghiệm thu, thanh toán là gần 6 tỉ đồng.
Văn bản của cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn cũng khẳng định: Đơn vị thi công đã nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành không đúng thực tế thi công là trái với quy định của nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.
Đại diện Tổng Công ty Sông Hồng lý giải việc chậm tiến độ công trình là do phía chủ đầu tư chưa phê duyệt được hồ sơ điều chỉnh giá theo đúng những điều khoản trong hợp đồng. Việc chậm phê duyệt hồ sơ điều chỉnh giá và không bố trí vốn cho công trình nên đơn vị thi công không có cơ sở để chủ động nguồn vốn, kế hoạch vay vốn và trả nợ trong trường hợp tiếp tục đầu tư vốn để thi công xây dựng công trình.
Ông Toàn cũng cho rằng, không có việc đơn vị thi công bắt tay với chủ đầu tư để nghiệm thu khống khối lượng công trình.
“Nếu đơn vị thi công trực tiếp có chuyện làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chúng tôi cũng sẽ xử lý nghiêm các đơn vị trực thuộc Tổng công ty nếu phát hiện sai phạm” – ông Toàn nói.
Một dự án với mục đích ban đầu vô cùng tốt đẹp: giúp thanh niên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, tạo công ăn việc làm, thế nhưng sau 7 năm trở thành một đống phế tích bởi những sai phạm của chủ đầu tư và đơn vị thi công.
Trong khi người dân, nhất là những gia đình có con em nghiện ma túy đang mong chờ dự án này hoàn thành, đi vào hoạt động thì phía tỉnh vẫn đang loay hoay chưa biết để thúc đẩy tiến độ dự án. Gần 6 tỉ đồng mà chủ đầu tư nghiệm thu khống vẫn chưa được thu hồi và bị xử lý.
Theo: vietnamnet.vn