Vẫn đau đầu vì hàng tồn kho nhiềuVới sự nỗ lực chung của toàn ngành, 6 tháng đầu năm 2013, một số lĩnh vực trong ngành VLXD đã có những chuyển biến. Xi măng tiêu thụ trong nước đạt 100,9%, xuất khẩu tăng 67% so với cùng kỳ 2012. Tương tự, ngành sản xuất thép sản lượng tăng 9,24%, tiêu thụ tăng 6,8%. Một số nhà máy sản xuất AAC cũng tăng sản lượng 60 -70% công suất thiết kế nhờ xuất khẩu được sản phẩm. Gạch gốm ốp lát và sứ vệ sinh xuất khẩu cũng tăng 12% và 6% so với cùng kỳ.
Dẫu vậy, các DN VLXD nói chung vẫn còn nhiều khó khăn. Theo thống kê của Hội VLXD Việt Nam, tổng công suất các dây chuyền xi măng lò quay đã hoàn thành xây dựng là 70 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, sản lượng của các nhà máy chỉ đạt xấp xỉ 25 triệu tấn, tương đương 70,5% công suất. Thậm chí, một số dây chuyền dừng hoạt động như xi măng Thanh Liêm, Áng Sơn 1, X77… Tiêu thụ xi măng tuy tăng nhờ xuất khẩu (chiếm 23% tổng lượng tiêu thụ) nhưng giá xuất khẩu clanhke 36 -37 USD/tấn, xi măng 50 – 55 USD/tấn, thấp hơn giá bán trong nước cho nên cả DN và cả nhà nước đều bị thiệt hại kinh tế.
Lĩnh vực XSKD gốm – sứ xây dựng cũng không sáng màu hơn. Hiện nay, tổng công suất gạch ốt lát các loại khoảng 435 triệu m2, sứ vệ sinh khoảng 13 triệu sản phẩm song 6 tháng đầu năm, sản lượng chỉ đạt 70% công suất. Hơn thế, sản phẩm tiêu thụ chậm, lượng tồn kho khoảng 1,5 tháng sản xuất. Trong khi đó, hàng nhập lậu vẫn không giảm, cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho DN sản xuất trong nước.
Tương tự, sản lượng kính xây dựng cũng chỉ đạt 50% trong tổng công suất khoảng 188 triệu m2, hàng tồn kho lên đến 2 – 2,5 tháng sản xuất, trong khi kính nhập khẩu vẫn gia tăng.
Ngay cả vật liệu xây không nung – một loại sản phẩm đang được Nhà nước khuyến khích sản xuất và sử dụng – tính đến hết năm 2012, có tổng công suất khoảng 5,4 tỷ viên QTC/năm, chiếm 25% tổng sản lượng vật liệu xây thì trung bình cũng chỉ đạt khoảng 30 -40% công suất đối với dây chuyền sản xuất gạch cốt liệu, dưới 20% đối với dây chuyền bê tông khí chưng áp. Các cơ sở sản xuất bê tông bọt hầu như dừng sản xuất.
Không đầu tư mới các dây chuyền sản xuất xi măngTrên cơ sở cân đối cung cầu thị trường trong nước, thị trường khu vực và thế giới, trên cơ sở nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD, Hội VLXD Việt Nam khuyến nghị: Trước mắt không đầu tư mới các dây chuyền sản xuất xi măng, gạch ceramic, granite, sứ vệ sinh, kính tấm xây dựng thông thường mà nên đầu tư dây chuyền sản xuất kính Low E, kính cường lực.
Hội VLXD Việt Nam đồng thời đề nghị: Không đầu tư nhà máy gạch đất sét nung, tấp lợp amiang – xi mắng, cán thép xây dựng, lý do các dây chuyền sản xuất hiện có đã đủ năng lực cung cấp cho nhu cầu thị trường đến năm 2015; không đầu tư lò vôi thủ công thay vào đó đầu tư lò vôi hiện đại, chất lượng cao.
Đối với các nhà máy xi măng có công suất lò nung từ 2.500 tấn clanhke/ngày trở lên cần gấp rút đầu tư dây chuyền thu hồi khí thải lò nung để phát điện, tiết kiệm 25% điện năng cho sản xuất xi măng.
Cũng theo Hội VLXD Việt Nam, từ nay đến năm 2018, năng lực sản xuất VLXD còn vượt nhu cầu sử dụng trong nước từ 20 – 30%, do vậy phải đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó xi măng từ 10 – 15 triệu tấn, gạch ốp lát ceramic, granit 120 – 130 triệu m2, sứ vệ sịnh 3 – 4 triệu sản phẩm, kính xây dựng từ 40 – 50 triệu m2, đá ốp lát 5 – 6 triệu m2…, đưa kim ngạch xuất khẩu lên 2 tỷ USD, tạo điều kiện để khai thác hết năng lực sản xuất. Ngành VLXD cũng cần có chiến lược, tổ chức mạng lưới xuất khẩu VLXD vào các thị trường lớn, có tiềm năng lâu dài. Các hiệp hội nên chủ động xây dựng mạng lưới, chủ động tổ chức cho các DN hợp tác xuất khẩu, chấm dứt tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạng, làm thiệt hại SXKD.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, Hội VLXD Việt Nam kiến nghị: Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để đưa nghị quyết 01/NQ-CP và nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ vào cuộc sống. Chính phủ cần tăng cường đầu tư công, khai thông thị trường BĐS, phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng… để tăng thị trường cho VLXD.
Ngoài ra, Hội cũng đề xuất cơ quan quản lý nhà nước chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt chỉ thị số 24/CT – TTg ngày 17/9/2012 của Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Công trình xây dựng Việt Nam sử dụng VLXD sản xuất trong nước”, tạo điều kiện để khai thác hết năng lực sản xuất trong nước, tiết kiệm được kim ngạch nhập khẩu hàng tỷ USD mỗi năm. Nhà nước cần sớm nghiên cứu ban hành chính sách “phòng vệ thương mại”, chống bán phá giá và cạnh tranh không lành mạnh, tạo điều kiện cho các DN Việt Nam cạnh tranh, sòng phẳng với DN nước ngoài... đồng thời xây dựng các hàng rào kỹ thuật để loại bỏ nhập khẩu hàng kém chất lượng, hàng nhái, háng giả để bảo vệ người tiêu dùng.
Cũng theo Hội VLXD, cần sửa đổi Luật đấu thầu, nhất là tổng thầu EPC nhằm thực hiện mục tiêu, yêu cầu của cuộc vận động. Nên tách gói thầu EPC thành 2 gói thầu tư vấn, cung cấp thiết bị và xây lắp để tạo điều kiện cho các nhà thầu trong nước tham gia xây lắp, cung cấp VLXD như chỉ thị 734/CT- TTg ngày 7/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ…
Theo BXD