Sản lượng thép xây dựng giảm 2,85% so với cùng kỳ. Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, sản xuất thép 6 tháng đầu năm 2013 đạt 5,07 triệu tấn, tăng 9,24% so với cùng kỳ 2012.
Ngoài mặt hàng thép xây dựng, sản lượng đạt 2,53 triệu tấn, giảm 2,85% so với cùng kỳ năm trước, các mặt hàng thép khác sản lượng đều tăng như thép cuộn cán nguội đạt hơn 1 triệu tấn (tăng 14,5%); ống thép hàn đạt 245.000 tấn (tăng 24,14%); thép mạ và kim loại sơn phủ màu đạt 1,079 triệu tấn (tăng 36,5%) so với cùng kỳ 6 tháng năm 2012.
Về tình hình tiêu thụ thép, 6 tháng qua mức tiêu thụ của ngành thép tăng 6,84%, đạt 5,82 triệu tấn. Trong đó tiêu thụ sản phẩm dẹt tăng 5,7%; tiêu thụ các sản phẩm khác (cuộn cán nóng, tôn mạ màu, thép hình…) tăng 62,98%, đạt 1,23 triệu tấn.
Tuy nhiên, mặt hàng thép xây dựng vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng nặng nề từ sự giảm phát của ngành xây dựng, tiêu thụ sản phẩm dài (thép cây, thép dây cuộn) chỉ đạt 2,39% giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm, lượng thép cuộn nhập khẩu có chứa Bo được kê khai là thép hợp kim để hưởng mức thuế 0%, một số mặt hàng cuộn cán nguội, tôn mạ màu cũng có mức thuế suất 0% đã ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam lên tới 4,5 triệu tấn, tăng 18,58% so với cùng kỳ năm 2012. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm cho lượng tiêu thụ của sản phẩm thép dẹt cao bất thường, cũng như lượng tiêu thụ của thép xây dựng giảm cao hơn so với thực tế.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép cho biết, mặc dù tình hình tiêu thụ thép trong nước ảm đạm, song lượng tiêu thụ của ngành thép 6 tháng đầu năm vẫn tăng là do doanh nghiệp sản xuất trong nước đã đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN. Một số doanh nghiệp đã tìm được thị trường xuất khẩu mới như Malaysia, Indonesia.
Tuy nhiên, mặt trái của việc đẩy mạnh xuất khẩu đó là khi sản phẩm thép của Việt Nam xuất rất mạnh sang các nước ASEAN và Hoa Kỳ thì chúng ta đang phải đối diện với những vụ kiện chống bán phá giá.
Theo ông Phạm Chí Cường, sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam vào Malaysia, Indonesia chưa nhiều. Song vì trước đó chúng ta chưa xuất khẩu sang bạn nên chỉ với số lượng hàng nghìn tấn đã khiến số lượng nhập khẩu từ Việt Nam tăng 500-600%, một con số khổng lồ, và điều này khiến các nước trên cảm thấy ngành sản xuất thép của họ đang bị đe dọa.
Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ trong nước vẫn ảm đạm, thép nhập khẩu núp bóng hợp kim ồ ạt vào Việt Nam đánh bại hàng trong nước nhờ mức giá rẻ thì 6 tháng cuối năm ngành thép sẽ còn phải tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn do những vụ kiện chống bán phá giá từ phía Hoa Kỳ, Indonesia, Thái Lan…
Chưa kể, nếu tới đây ngành điện tăng giá thành điện kinh doanh lên từ 8-16% đối với ngành sản xuất thép, xi măng thì chắc chắn “ngành thép sẽ rơi vào diệt vong”, ông Phạm Chí Cường lo lắng.
Theo Chinhphu.vn