Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 9/2013, lượng thép xây dựng của các doanh nghiệp (DN) thuộc VSA bán ra chỉ đạt 353.792 tấn, giảm 3,87% so với tháng 8, và giảm 2,29% so với cùng kỳ năm 2012.
Lượng thép xây dựng tiêu thụ trong nước giảm sút trong tháng 9 bởi thời tiết không mấy thuận lợi cho xây dựng, cùng với đó, một số chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường chưa phát huy tác dụng.
Đây là sức ép đè nặng lên vai DN sản xuất, kinh doanh thép bởi giá cả đầu vào đều có xu hương tăng nhẹ như: Phôi thép, thép phế, HRC, quặng sắt… cùng với đó là sức ép giá điện cũng tăng, rồi hàng Trung Quốc chưa nguyên tố Bo tràn về. Trong khi giá bán lại không có gì thay đổi, khiến DN khó càng thêm khó.
Ngược lại, với thép xây dựng, các DN sản xuất ống thép trong 9 tháng vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Lượng thép sản xuất tháng 9 đạt 68.734 tấn, giảm 9,47% so với tháng 8, nhưng tăng mạnh hơn so với cùng kỳ 2012 là 22,11%. Trong đó, mức tiêu thụ ống thép trong tháng 9 đạt 62.558 tấn, giảm trên 11% so với tháng 8, nhưng tăng 13,33% so với cùng kỳ năm 2012. Lượng tồn kho đến hết 30/9/2013 là 17.903 tấn, đây là con số hoàn toàn bình thường, đủ gối đầu cho tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, thép nhập khẩu vẫn quá lớn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng lượng thép và nguyên liệu sản xuất thép nhập khẩu vào Việt Nam, tính đến 31/8/2013 đạt trên 8,545 triệu tấn; kim ngạch nhập khẩu đạt trên 5,483 tỷ USD. Trong đó, phôi thép là 275.765 tấn, bằng 78% so với cùng kỳ năm 2012; thép tấm lá đen là 3.257.589 tấn, bằng 108% so với cùng kỳ; thép cuộn là 113.376 tấn... Lượng thép cuộn nhập khẩu giảm, nhưng thép cuộn hợp kim chứa nguyên tố Bo lại tăng mạnh - rất đáng lo ngại.
Trước thực tế này, nếu không có động thái tích cực, chắc chắn ngành công nghiệp thép nước ta còn rất nhiều khó khăn, nhiều DN kiệt sức, không có vốn quay vòng dẫn tới phá sản dù trước đó họ đã phải đầu tư khá lớn vào thiết bị, nhà xưởng, máy móc, dây chuyền sản xuất...
Theo Báo Công Thương (QT)