Tiêu thụ giảm sút mạnh
Khảo sát các cửa hàng kinh doanh thiết bị sứ vệ sinh tại phố Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) cho thấy, lượng khách hàng không nhiều như thời điểm này của 3 năm trước. Bà Lý Thục Anh, chủ một tổng đại lý thiết bị vệ sinh trên đường Hoàng Quốc Việt cho biết, từ đầu năm đến nay, lượng khách đến mua hàng rất thấp. Trong khi đó, giá một số dòng sản phẩm nhập ngoại lại tăng vì hạn chế nhập do dịch bệnh càng khiến việc tiêu thụ chậm hơn. Lượng tiêu thụ từ đầu năm đến nay rất chậm, so với cùng kỳ năm ngoái doanh số của tổng đại lý chỉ bằng khoảng 30%, bà Lý Thục Anh cho hay.
Nhu cầu về thiết bị vệ sinh giảm đáng kể do tình hình dịch bệnh kéo dài.
Anh Nguyễn Quang Minh (Mai Dịch, Cầu Giấy), khách hàng đi tham khảo giá sản phẩm sứ vệ sinh tại Hoàng Quốc Việt cho biết, anh muốn tìm một sản phẩm bồn sứ vệ sinh mới để thay thiết cũ đã bị xuống cấp. Có thời gian rảnh vào cuối tuần thì tôi đi qua vài cửa hàng để khảo giá, đồng thời xem có sản phẩm nào được thiết kế mới lạ không. Tôi sẽ chờ thêm một đợt giảm giá sau mới mua, anh Minh chia sẻ.
Phó Tổng Giám đốc Công ty BĐS Videc Nguyễn Quốc Dũng cho biết, từ đầu năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, trước sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ. Thậm chí một số công trình đang triển khai xây dựng bị chậm lại, công trình chuẩn bị triển khai phải tạm dừng. Thời gian gần đây, việc nhập mới sản phẩm vật liệu xây dựng cơ bản như sắt thép, xi măng hay thiết bị nội thất, vệ sinh... đều phải dừng lại, ông Nguyễn Quốc Dũng cho hay.
Chưa có dấu hiệu khởi sắc
Bà Lý Thục Anh thông tin, trước những khó khăn của thị trường, phía nhà sản xuất và đại lý đã thực hiện các chiến dịch quảng cáo để tiếp cận khách hàng tiềm năng, đưa ra khuyến mãi ưu đãi, nhiều đơn vị phát triển kênh bán hàng trực tiếp cùng với đội ngũ giao nhận hàng chuyên nghiệp. Nhưng thực tế, doanh số cũng không gia tăng nhiều, vì dòng sản phẩm này phụ thuộc vào số lượng công trình đi vào hoàn thiện. Trong khi đó vẫn phải chi trả nhiều khoản như lương nhân viên, thuê mặt bằng, điện, nước... khiến nhiều đại lý phải "gồng gánh" một khoản lỗ lớn. Đại lý của tôi cũng như nhiều đại lý kinh doanh thiết bị vệ sinh khác đã phải vay vốn ngân hàng để duy trì hoạt động. Nhưng do tình hình kinh doanh giảm sút nên phải cắt giảm nhân viên, thậm chí một số đại lý còn đóng cửa hàng tạm dừng kinh doanh, bà Lý Thục Anh cho biết thêm.
Theo KTS Trần Huy Hoàng, Văn phòng KTS Trần Hoàng, do kinh tế khó khăn nên thời gian gần đây thiết bị sứ vệ sinh không những giảm về sản lượng, mà người tiêu dùng còn có xu hướng ít lựa chọn hơn đối với thương hiệu hàng ngoại nhập cao cấp, thay vào đó là những nhãn hàng Việt Nam như Viglacera, Đồng Tâm... với mức giá vừa phải nhưng mẫu mã, chất lượng được đánh giá cao. Nhìn chung, doanh nghiệp sản xuất thiết bị vệ sinh sẽ vẫn còn khó khăn trong năm nay, khi thị trường BĐS chưa thực sự hồi phục mạnh. Kỳ vọng từ năm 2022, khi kinh tế trở lại mức tăng trưởng 6 - 7%, các dự án BĐS mới đi vào triển khai sẽ giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thiết bị vệ sinh tăng trưởng trở lại, KTS Trần Huy Hoàng nhận định.
VLXD.org (TH/ KTĐT)