Nhu cầu cao từ thị trường quốc tế
Chia sẻ tại hội thảo trực tuyến “Chiến lược phục hồi chuỗi cung ứng công nghiệp nội thất Việt Nam” tổ chức cuối tuần qua, bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam cho biết, hiện có tới 60% nhà sản xuất theo hợp đồng tại Việt Nam là đối tác của Mỹ. Khoảng thời gian thực hiện giãn cách để chống dịch vừa qua là thách thức rất lớn đối với các DN, trong đó có các nhà sản xuất đồ gỗ, nội thất của Mỹ tại Việt Nam với lượng lớn đơn hàng đã bị ảnh hưởng. Quý 4/2021 là quý rất quan trọng đối với thị trường Mỹ, đặc biệt trong dịp lễ Noel và Lễ Tạ ơn, do đó, các công ty đang nỗ lực hết sức để chuẩn bị đáp ứng các đơn hàng cho những dịp lễ này.
Bà Mary Tarnowka cũng thông tin, nhu cầu của thị trường Mỹ đối với các sản phẩm gỗ và nội thất của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng trong các năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, trong 6 tháng tới, các nhà sản xuất tại Việt Nam khó có thể phục hồi 100% công suất. “Điều này sẽ tác động tiêu cực tới các nhà mua hàng Mỹ, thêm vào đó là tình trạng tăng giá cước vận chuyển. Có một số DN Mỹ đã chuyển đơn hàng sang Trung Quốc và sẽ rất khó để kêu gọi họ quay trở lại Việt Nam. Điều quan trọng lúc này là phải nhanh chóng mở cửa trở lại, phục hồi hoạt động sản xuất, xây dựng lại chuỗi cung ứng và thúc đẩy tính bền vững, đổi mới sáng tạo của ngành” – bà Mary Tarnowka cho biết.
Đồng quan điểm, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham nhìn nhận: “Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là khoảng thời gian tồi tệ đối với các DN châu Âu tại Việt Nam, vì đây là thời điểm nhận được nhiều đơn hàng. Trong lúc các đơn hàng từ Đức, Pháp, Hà Lan đang “bùng nổ" thì mọi thứ tại Việt Nam lại dừng lại”. Theo đó, các DN đã mất hàng trăm triệu USD khi mất cơ hội ký các đơn hàng mới, đặc biệt là các DN ngoại thất do đặc thù của ngành hàng này chỉ có vài tháng để thực hiện đơn hàng, trong khi ngành nội thất thì có thể trải dài suốt 12 tháng trong năm. Điểm tích cực là các đơn hàng cũ vẫn ở lại và không bị chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức như tình trạng thiếu nguyên vật liệu, tăng giá nguyên vật liệu, lao động về quê chưa trở lại nhà máy, công suất nhà máy chưa được hồi phục 100%... Bên cạnh đó, vấn đề logistics cũng là thách thức lớn khi DN có nhu cầu xuất hàng nhưng không thể tìm được container rỗng.
Sẵn sàng phục hồi
Với thông điệp “Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đã sẵn sàng phục hồi và bứt tốc sau đại dịch Covid-19”, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chỉ ra 6 yếu tố then chốt hỗ trợ sự phục hồi của ngành gỗ. Theo đó, 95% công nhân ngành gỗ đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 và 60% đã tiêm mũi 2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nỗ lực phối hợp với Bộ Y tế chuẩn bị 136.000 liều vắc xin để tiêm tiếp cho công nhân nhằm đạt miễn dịch; UBND các địa phương cũng hỗ trợ các DN tuyển dụng lao động. Cùng với đó, Chính phủ và các địa phương cũng đã có các giải pháp hỗ trợ tích cực cho DN trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng, tìm đầu ra, xây dựng mô hình vận hành, phương án vận chuyển, đi lại và vấn đề tài chính cho các DN để khôi phục lại sản xuất.
Với các yếu tố này, chiến lược ứng phó và phục hồi của ngành gỗ sẽ chia thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn thích ứng sẽ diễn ra trong 3 tháng với việc duy trì lao động, mở cửa nhà máy và giữ chân khách hàng. Mục tiêu của giai đoạn này là khôi phục 70% nhà máy sản xuất, doanh số ước tính khoảng 900 triệu đến 1,2 tỷ USD/tháng.
Giai đoạn phục hồi sẽ kéo dài trong 3-6 tháng nhằm chuẩn bị cho mùa sản xuất mới với các đơn hàng mới. Mục tiêu của giai đoạn này là phục hồi 90% các nhà máy và dự kiến doanh thu 1,2 -1,4 tỷ USD /tháng. Giai đoạn tăng tốc dự kiến sẽ bắt đầu sau 6 tháng với việc đầu tư vào các cơ hội và phát triển với mức tăng trưởng dự kiến là 15% so với 2021.
Ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty Scansia Pacific (tỉnh Đồng Nai) cho biết, hiện tỉnh Đồng Nai đã cho phép người lao động sinh sống tại vùng xanh hoặc đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19 có thể đến nhà máy làm việc. Điều này giúp công ty có thêm nhiều công nhân hơn và công nhân cũng có thể trở về nhà thay vì ở lại nhà máy 24/24 như trước đây. “Tâm lý của công nhân sẽ được giải tỏa, từ đó giúp năng suất tăng lên và công suất sản xuất của DN sẽ được cải thiện trong thời gian tới” – ông Hoài Bảo cho biết.
Tương tự, ông Glover James Michael, Giám đốc Công ty CP Kiến trúc AA Tây Ninh cũng cho biết, với việc Tây Ninh cho phép mở cửa trở lại, công ty đã bắt đầu đón công nhân trở lại nhà máy. Hiện khoảng 90% công nhân sinh sống gần nhà máy đã đồng ý sẽ trở lại làm việc. Trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin của công ty đã đạt 40%, nên ông Glover James Michael đánh giá việc phục hồi sản xuất là khả quan.
Ở góc độ hiệp hội, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, dù có khó khăn nhưng cơ hội cho công nghiệp nội thất Việt Nam vẫn đang rộng mở. Bản thân các DN cũng nhận thức được cơ hội lớn đó nên đã không ngừng tìm kiếm phương án thích nghi với điều kiện mới, từ việc giữ chân người lao động, tìm kiếm ổn định nguồn cung nguyên liệu đến việc ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm… “Cùng với các chính sách cởi mở, hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành, sự ủng hộ đồng hành của các hiệp hội trong cả nước, tôi tin ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi, tiếp tục trở thành mũi nhọn phát triển của kinh tế cả nước” – ông Đỗ Xuân Lập tin tưởng.
Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh nhưng ngành gỗ vẫn có sức chống chịu cao và có thể phục hồi nhanh chóng. Tính đến hết tháng 9/2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam ước đạt 11,9 tỷ USD. Nếu từ nay đến cuối năm, mỗi tháng Việt Nam xuất khẩu được 800 triệu USD đến 1 tỷ USD thì ngành gỗ sẽ đảm bảo hoàn thành được mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.
VLXD.org (TH/ Hải quan)