Ngày 1/7 vừa
qua, UBND tỉnh TT-Huế đã trao giấy chứng nhận đầu tư Nhà máy XM Long
Thọ II cho TCty Sông Hồng. Đây là nhà máy XM lò quay công suất 35 vạn
tấn/năm với tổng mức đầu tư ban đầu 763,675 tỷ đồng, được xây dựng tại
xã Hương Vân, huyện Hương Trà. Dự án này được tỉnh TT-Huế chuyển giao
từ TCty Bạch Đằng cho TCty Sông Hồng.
Việc
đầu tư nhà máy XM nằm trong định hướng phát triển VLXD
của TCty Sông Hồng (một trong 4 mũi nhọn là xây lắp, sản xuất VLXD, đầu
tư kinh BĐS và cơ khí). Ông Đặng Tiên Phong - Tổng giám đốc TCty Sông
Hồng cho biết, Sông Hồng đã có kế hoạch nâng công suất nhà máy này lên
khoảng trên 1 triệu tấn/năm, dự kiến việc đầu tư sẽ chia làm 2 giai
đoạn với tổng mức đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng. Giai đoạn 1 sẽ khởi công
vào tháng 7/2011 và hoàn thành vào tháng 2/2014, phấn đấu quý II/2014
sản phẩm XM mang tên Sông Hồng sẽ có mặt trên thị trường.
Trong khi TCty Sông Hồng đầu tư mới
Nhà máy XM Long Thọ II thì TCty Miền Trung (COSEVCO) lại nâng công suất
của Nhà máy XM Sông Gianh, một thương hiệu XM tại khu vực miền Trung -
Tây Nguyên. Ngày 28/4 tại Đà Nẵng, TCty COSEVCO và Tập đoàn Polysius AG
(CHLB Đức) đã ký kết biên bản ghi nhớ về đầu tư dây chuyền 2 XM Sông
Gianh. Theo đó, chủ đầu tư COSEVCO giao Tập đoàn Polysius AG là nhà
thầu cung cấp và thi công dây chuyền sản xuất clinker công suất 4.000
tấn/ngày theo hình thức EPC. Dây chuyền 2 sẽ có sự tương đồng sát nhất
với dây chuyền 1, nâng công suất nhà máy lên 2,8 triệu tấn sản
phẩm/năm.
Việc đầu tư một nhà máy XM rất tốn kém. Vì vậy cần phải tính kỹ đầu ra
cho sản phẩm này.
Và mới đây nhất, ngày 10/7 tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện
Nam Giang, UBND tỉnh Quảng Nam và Tập đoàn Xuân Thành đã tổ chức khởi
công xây dựng Nhà máy XM Thạnh Mỹ với công suất 2 triệu tấn/năm với 2
dây chuyền sản xuất, tổng nguồn vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, sẽ hoàn
thành trong thời gian 24 tháng.
Việc nhiều dự án XM xuất hiện khiến
không ít người lo ngại cho đầu ra của sản phẩm này. Tuy nhiên, phía chủ
đầu tư các dự án thì có lý riêng của mình. Việc đầu tư Nhà máy XM Long
Thọ II của TCty Sông Hồng xem ra rất khả quan vì có sự hậu thuẫn từ
phía Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam. “Việc phát triển VLXD của
TCty Sông Hồng cũng nằm trong chiến lược phát triển công nghiệp của Tập
đoàn. Đến năm 2015 Tập đoàn sẽ sản xuất khoảng 7 - 10 triệu tấn
XM/năm. Tập đoàn luôn ủng hộ TCty Sông Hồng về tài chính và đầu ra cho
các sản phẩm XM của đơn vị này”, ông Lê Văn Quế - Chủ tịch Tập đoàn
Công nghiệp Xây dựng Việt Nam khẳng định.
Bên cạnh đó, Sông Hồng đã và đang
thực hiện nhiều dự án phát triển đô thị - nhà ở đạt hiệu quả và có uy
tín nên nhu cầu về sản phẩm XM là rất lớn. Có thể kể ra vài dự án lớn
mà Sông Hồng đã và đang triển khai như KĐT tây nam Việt Trì (Phú Thọ)
78ha; khu nhà ở NXB Chính trị Quốc gia tổng mức đầu tư 1.250 tỷ đồng;
khu tập thể Kim Giang tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng... Sông Hồng cũng
đang thi công nhiều công trình quốc gia với khối lượng xây lắp lớn. Vì
vậy lợi thế cạnh tranh cho đầu ra XM không phải nhỏ, hơn nữa dù thị
trường XM được xác định là dư thừa trong những năm tới nhưng lại luôn
trong tình trạng thừa Bắc thiếu Nam, thị trường XM của Sông Hồng lại chủ
yếu cho các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Khi Nhà máy XM Long Thọ
II với nhãn hiệu Sông Hồng ra đời sẽ góp phần khắc phục tình trạng
thiếu nguồn cung tại thị trường này.
Còn với COSEVCO, phát huy hiệu quả to
lớn của thương hiệu XM Sông Gianh cùng nguồn nguyên vật liệu chất lượng
tốt, trữ lượng dồi dào, hạ tầng giao thông, mặt bằng của Nhà máy đã có
sẵn, nhân lực có kinh nghiệm qua vận hành dây chuyền 1, đơn vị này
mạnh dạn đầu tư dây chuyền 2. Theo lãnh đạo COSEVCO, việc đầu tư dây
chuyền 2 XM Sông Gianh sẽ tạo cho COSEVCO một thương hiệu về sản xuất
XM không chỉ trong nước mà còn cả khu vực.
Dù dự án mới được khởi động nhưng
lãnh đạo Tập đoàn Xuân Thành từ bây giờ đã tính đến đầu ra cho sản phẩm
của Nhà máy XM Thạnh Mỹ. Như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ khởi
công dự án này: “Ngoài việc đầu tư và giám sát xây dựng nhà máy đảm bảo
tiến độ, kỹ - mỹ thuật còn phải tính đến thị trường tiêu thụ sản phẩm
sau 24 tháng nữa, khi nhà máy đi vào hoạt động”.
CN_Theo BaoXaydung