Theo đó, ngay từ những năm cuối của thế kỷ 20, Bộ Xây dựng đã nhận thấy việc đầu tư phát triển sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công tràn lan tại các địa phương gây hậu quả lớn: tiêu hao đất sản xuất nông nghiệp, sử dụng không hiệu quả nguồn nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí) và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo tính toán, để sản xuất ra 1 tỷ viên gạch đất sét nung theo kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75 ha đất nông nghiệp và 150,000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0.57 triệu tấn khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Như vậy hiện nay hàng năm chúng ta đang sản xuất và tiêu thụ khoảng 24 tỷ viên thì sẽ tiêu tốn khoảng 36 triệu m3 đất sét, tương đương 1.800 ha đất nông nghiệp và 3,6 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 14 triệu tấn khí CO2 và với 40 tỷ viên vào năm 2020 thì sẽ tiêu tốn khoảng 60 triệu m3 đất sét, tương đương 3.000 ha đất nông nghiệp, 6 triệu tấn than, đồng thời thải ra khoảng 23 triệu tấn khí CO2 và phải tốn một diện tích rất lớn để chứa tro xỉ thải ra.
Từng bước thay thế vật liệu xây nung
Để từng bước khắc phục tình hình nêu trên, năm 2000, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD ngày 24/7/2000 Quy định về đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung và đã đưa ra lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công sản xuất gạch nung.
Tiếp đó, năm 2001, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 115/2001/QĐ-TTg ngày 01/8/2001 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam giai đoạn 2001-2010 (gọi tắt là Quyết định 115) trong đó quy định đối với vật liệu xây: “Tổ chức lại sản xuất kinh doanh vật liệu xây thủ công ở các địa phương, nhằm giảm tối đa sử dụng đất canh tác và xây dựng các lò gạch thủ công không theo quy hoạch gây ô nhiễm môi trường tại các vùng ven đô thị, thành phố, thị xã, thị trấn. Từng bước phát triển sản phẩm gạch không nung ở những vùng không có nguyên liệu nung, tiến tới xoá bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công ở ven các đô thị trước năm 2005, ở các vùng khác trước năm 2010”.
Đến năm 2008, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 121, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp VLXD Việt Nam đến năm 2020 (gọi tắt là Quyết định 121), trong đó quy định về đầu tư sản xuất gạch đất sét nung: Đầu tư chiều sâu cải tiến công nghệ sản xuất gạch đất sét nung ở tất cả các cơ sở sản xuất hiện có, nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu và bảo vệ môi trường. …
Để triển khai có hiệu quả Quyết định 121, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 (gọi tắt là Quyết định 567 và Chương trình 567).
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Chương trình 567, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012về việc Tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung ( gọi tắt Chỉ thị 10).
Xây dựng lộ trình phát triển VLXKN
Sau một thời gian triển khai thực hiện Quyết định 567, hiệu quả đạt được tại các địa phương khá rõ rệt. Trước khi có Quyết định 567, số liệu thống kê năm 2009 trên toàn quốc đã sản xuất được khoảng 23 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC); trong đó VLXKN khoảng 8%, gạch đất sét nung 92% (trong số gạch nung có gạch sản xuất bằng công nghệ lò tuynel chiếm 57%, lò thủ công chiếm 38%, các loại lò khác chiếm 5%).
Số lượng lò gạch thủ công ở một số tỉnh vẫn còn cao như: An Giang, Quảng Ninh, Quảng Bình, Đồng Tháp, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Kon Tum, Vĩnh Long. Đặc biệt có một số tỉnh có số lượng lò đứng thủ công lớn nhất toàn quốc là Bắc Giang 2500 lò, An Giang 1551 lò, thành phố Hà Nội 1100 lò (theo số liệu báo cáo của các tỉnh năm 2009).
Ngay sau khi Quyết định 567 và Chỉ thị số 10 của Thủ tướng, Thông tư 09 của Bộ Xây dựng được ban hành, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện.
Hiện nay có 8 tỉnh đã xây dựng Lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trình Bộ Xây dựng thẩm định và ban hành là các tỉnh: Kon Tum, Quảng Ngãi, Bến Tre, Bắc Ninh, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Dak Nông và Lào Cai.
Theo báo cáo của Bộ xây dựng, đến hết năm 2012, trên phạm vi toàn quốc đã đầu tư các dây chuyền sản xuất VLXKN với tổng công suất khoảng 5,4 tỷ viên QTC, so với sản lượng vật liệu xây sản xuất năm 2012 chiếm 27% (sản lượng vật liệu xây năm 2012 khoảng 20 tỷ viên QTC). Trong đó gạch xi măng cốt liệu là 4 tỷ viên và gạch bê tông nhẹ là 1,4 tỷ viên. Như vậy sau gần ba năm thực hiện Chương trình việc đầu tư sản xuất VLXKN của các doanh nghiệp là rất khả quan đạt mục tiêu Chương trình 567 đề ra (mục tiêu Chương trình năm 2015 là 20-25%).
Nhiều ưu đãi về thuế cho sản xuất VLXKN
Để thúc đẩy Chương trình 567 vào thực tế, khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất VLXKN, trong những năm qua nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển VLXKN như: ưu đãi thuế suất, thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị nhập khẩu để phục vụ dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung nhẹ và sản xuất gạch xi măng cốt liệu công suất từ 7 triệu viên /năm trở lên.
Ngoài ra, các dự án đầu tư sản xuất các loại VLXKN nhẹ có tên trong danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu; Dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN nếu đáp ứng về địa bàn thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngoài ra, các dự án đầu tư sản xuất các loại VLXD loại nhẹ còn được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng; miễn tiền thuê đất nếu dự án được đầu tư tại địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, được miễn tiền sử dụng đất nếu dự án được đầu tư tại địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; Giảm 30% tiền sử dụng đất nếu dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư không thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn; Được miễn tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…
Theo XMVN