Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội QHPTĐTVN, Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ cao. Sự cạnh tranh đô thị với chất lượng cuộc sống ngày càng cao, đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược về quá trình xây dựng, quản lý và phát triển đô thị… Đô thị xanh, đô thị thông minh là một trong những tầm nhìn chiến lược cho trong mục tiêu xây dựng và phát triển đô thị của Việt Nam.
Sự kiện này là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội QHPTĐTVN.
Ông Trần Ngọc Chính cho biết: Khái niệm đô thị xanh được hiểu là đô thị đạt 7 tiêu chí: Không gian xanh; công trình xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; chất lượng môi trường xanh; bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên.
Cùng với đô thị xanh, đô thị thông minh đang là một trong những xu thế phát triển của thế giới. Dù khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng nhiều chuyên gia và các nhà quy hoạch kỳ vọng về một tương lai mới cho nhiều đô thị tại Việt Nam.
Ông Chính nhấn mạnh: Đô thị thông minh là sự kết hợp giữa không gian đô thị và công nghệ thông tin. Đô thị thông minh sẽ giúp nhà quản lý và người dân vận hành tất cả mọi công việc trên hệ thống công nghệ thông tin, dưới sự điều hành của một trung tâm. Đô thị thông minh làm cuộc sống con người trở nên dễ dàng hơn, môi trường sinh hoạt an toàn và thoải mái hơn.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh nhận định: Đô thị Việt Nam trong xu thế phát triển và hội nhập quốc tế cũng phải đối mặt với các vấn đề toàn cầu như khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, nước biên dâng…
Vì vậy, Việt Nam cần xem xét và có thêm cách nhìn mới về quy hoạch và phát triển đô thị với ưu tiên cho phát triển mô hình đô thị xanh, đô thị thông minh và xem đây là mục tiêu xây dựng và phát triển đô thị của Việt Nam trong tương lai.
Theo Thứ trưởng, những khái niệm về đô thị xanh, không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên… không còn là những khái niệm mới.
Tuy vậy đó vẫn là những chủ đề có tính thời sự và hấp dẫn nhất định, đặc biệt trong quá trình thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển đô thị nước ta hiện nay.
Vấn đề về quy hoạch và phát triển các đô thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị phát triển bền vững… đã và đang nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các đô thị và sự hưởng ứng tích cực của người dân, bởi đây là cái mốc để khẳng định chất lượng sống cư dân đô thị tại Việt Nam được nâng cao.
Thứ trưởng kỳ vọng: Hội thảo lần này, các chuyên gia tham dự sẽ đóng góp được nhiều ý kiến quý báu, để từ đó có Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam sẽ có các kiến nghị trong việc xây dựng các cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn khác có liên quan.
Đồng thời, sớm trình Bộ Xây dựng các văn bản về đô thị xanh, đô thị thông minh, để nghiên cứu xem xét, sớm ban hành văn bản pháp quy, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thời gian tới.
Chia sẻ về tình hình thực hiện chính sách đô thị thông minh tại Hàn Quốc, nhà nghiên cứu Lee Jae Yong (Viện Nghiên cứu Định cư Quốc gia Hàn Quốc) cho biết: Các luật liên quan đến xây dựng đô thị thông minh ở Hàn Quốc được đề cập trong Lệnh thi hành pháp luật.
Hiện tại, đất nước này đang xây dựng kế hoạch tổng hợp về đô thị thông minh (bao gồm tầm nhìn, phương hướng cơ bản, thể chế tiến hành, chất lượng xúc tiến…).
Hàn Quốc cũng đang trong quá trình xúc tiến kế hoạch ban hành luật đô thị thông minh, ban hành sắc lệnh thi hành luật đô thị thông minh và thông qua dự thảo kế hoạch tổng hợp đô thị thông minh.
Ông Park Chan Ho, Giám đốc Tập đoàn Jungdo Uit Inc cũng cho rằng việc xây dựng hướng dẫn hệ thống hỗ trợ quy hoạch đô thị ít cac - bon cần được thực hiện nghiên cứu ở quy mô quốc gia. Bởi với tốc độ HĐH, CNH quá nhanh khiến môi trường tự nhiên bị phá hủy thì cần có phương án cụ thể về phương diện đô thị hướng tới tăng trưởng xanh, ít các- bon, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ Hải dương, đất đai Phát triển hệ thống đa dạng cần dùng hướng dẫn này trong quy hoạch các dự án phát triển đô thị hiện đại.
Còn theo các chuyên gia của Việt Nam, để phát triển thành công hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng đô thị xanh cần xây dựng một mô hình đô thị xanh kiểu mẫu phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững.
Nhưng trước hết, Việt Nam cần thay đổi nhận thức, tư duy ở tầm chiến lược cho việc phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng đô thị xanh ngay trong tương lai gần.
Việt Nam cần đưa quan điểm phát triển xanh, tiêu chí xanh, quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh vào công tác quy hoạch xây dựng, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị gồm giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, cung cấp năng lượng, viễn thông, phát triển mạng lưới giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và công trình kiến trúc đô thị xanh…
Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Hội QHPTĐTVN, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh gửi tới Hội lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.
Thứ trưởng ghi nhận: Hội QHPTĐTVN với vai trò là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đã tập hợp đông đảo được đội ngũ trí thức khoa học, có tâm huyết, nhiệt tình tự nguyện tham gia đóng góp trí tuệ, tài năng, công sức cho các hoạt động của mình.
Hội đã đóng góp một phần không nhỏ trong lĩnh vực tham mưu, đề xuất, xây dựng các cơ chế chính sách, các định hướng quy hoạch và phát triển đô thị cho Chính phủ, tham gia ý kiến góp ý xây dựng các đề án, quy chuẩn tiêu chuẩn với các Bộ, ngành và địa phương.
Để tiếp nối chặng đường 15 năm và những thành quả đạt được, Thứ trưởng đề nghị Hội cần tăng cường trao đổi, thu hút nhiều hơn sự tham gia của những thành viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch, đồng thời nâng cao hiệu quả vai trò tham vấn của Hội trong các hoạt động quy hoạch và phát triển đô thị tại Việt Nam.
Theo Baoxaydung (QT)