Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết: Trong vài năm trở lại đây, lượng tôn thép nhập khẩu gia tăng đột biến, cụ thể: Trong năm 2013, tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa là 1.745.950 tấn, trong đó, tôn mạ nhập khẩu chiếm 37%. Đến năm 2014, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của tôn mạ là 1.755.159 tấn, trong đó tôn mạ nhập khẩu chiếm 43%. 9 tháng đầu năm 2015, tôn nhập khẩu lên tới gần 1,1 triệu tấn, chiếm 32,2% thị trường trong nước. Các con số phản ánh cho thấy, đến nay sản phẩm tôn của các DN sản xuất trong nước tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 43%, giảm 20% so với năm 2013.
Tuy nhiên, có một tỉ lệ lớn sản phẩm nhập khẩu là tôn giả, tôn nhái, gian lận thương mại nên được bán với giá rẻ, gây tổn thất nghiêm trọng cho các nhà sản xuất trong nước và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.
“Những biểu hiện sai phạm của các loại sản phẩm này bao gồm sử dụng nhãn mác giả, nhái thương hiệu của các nhà sản xuất trong nước có uy tín, gian lận về độ dày sản phẩm, bán hàng không xuất hóa đơn... Trong khi đó người tiêu dùng gần như không thể phân biệt được chất lượng của tôn thép mạ và phủ màu như độ dày, chất lượng mạ…”, ông Nguyễn Văn Sưa nói.
>> Tôn Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường
Trước thực trạng tôn gian, tôn nhái gia tăng như hiện nay, tại hội thảo, đại đa số các ý kiến phát biểu tham luận của các chuyên gia, lãnh đạo đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp sản xuất tôn trong nước đều thống nhất cho rằng cần có biện pháp quyết liệt để thị trường lành mạnh.
Đại diện các cơ quan quản lý, ông Kiều Dương - Cục Quản lý Thị trường - Bộ Công Thương, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tiến hành kiểm tra, xử lý, bước đầu phát hiện nhiều cơ sở vi phạm về chất lượng, về độ dày tôn, thép, nhiều mẫu được mang đi giám định để tiến hành xử lý theo quy định. Ngoài ra, nhiều cơ sở kinh doanh mặt hàng tôn, thép không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa đã bị phát hiện và xử lý... tuy nhiên tình trạng tôn giả, tôn nhái vẫn chưa được cải thiện nhiều. Thị trường thép có nhiều cơ quan quản lý, nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chất lượng của hàng triệu tấn thép tung ra thị trường hàng năm. Hiệp hội, ngành hàng và các DN sản xuất, kinh doanh tôn, thép chưa phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn vi phạm trong vấn đề này.
Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, có thực trạng trên một phần do sự dễ dãi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thị trường sắt thép dù có nhiều cơ quan quản lý nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chất lượng. Hệ thống đo lường chất lượng thép đã có từ lâu nhưng lại chưa có đủ công nghệ, thiết bị để kiểm tra chất lượng. Đặc biệt, các cơ quan quản lý chưa thực sự sát sao dẫn đến tôn giả, tôn nhái tung hoành như hiện nay.
Đại diện phía người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VINASTAS, cho rằng: Tình trạng tôn giả, tôn nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa lưu thông trên thị trường hiện nay thực sự đáng lo ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của các DN, tập đoàn sản xuất, kinh doanh chân chính, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Về phía nhà sản xuất, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tôn Hoa Sen kiến nghị các bộ, ngành, hiệp hội và các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này. Thực thi nghiêm túc Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN ban hành ngày 31/12/2013 về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu để ngăn chặn các sản phẩm tôn, thép kém chất lượng đang nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, quy trình kiểm tra, rà soát chất lượng trong việc kinh doanh sản xuất tôn của các DN trong nước. Đặc biệt, có hình thức xử lý thích đáng, chế tài mạnh và mang tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm gian lận.
“Do đặc điểm của sản phẩm là tồn tại dưới dạng cuộn, có thể cắt rời thành nhiều phần, cán sóng để bán cho người tiêu dùng nên cần có quy định trên bề mặt sản phẩm tôn phải có dòng in thể hiện thông tin đầy đủ về sản phẩm dễ dàng nhận biết bằng mắt thường, dòng in phải được lặp lại mỗi 6m suốt chiều dài sản phẩm”. Các thông tin tối thiểu, theo ông Thanh, bao gồm: tên hàng hóa, tên nhà sản xuất, tiêu chuẩn áp dụng, mác thép, độ dày và tỷ trọng của sản phẩm, lượng mạ, độ dày sơn. Ngoài ra, có thể in thêm các thông tin về chứng chỉ chất lượng, mã số sản phẩm, ngày giờ sản xuất...
Về lâu dài, ông Thanh đề nghị cơ quan chức năng ban hành Bộ tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng tôn thép; tương tự như Indonesia đã có SNI hay Malaysia có SIRIM. Trong trường hợp chưa làm được ngay thì có thể áp dụng ngay những bộ tiêu chuẩn quốc tế hoặc khu vực để ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng “tuồn” vào Việt Nam.
VLXD.org (TH)